(NĐ&ĐS) - Trong không khí cuối năm, các cán bộ, giáo viên tại trường THCS Thành Công, Ba Đình, Hà Nội đã tổ chức chương trình thiện nguyện "Xuân ấm yêu thương" với mong muốn mang tới cho các em học sinh, bà con vùng cao Tây Bắc một cái Tết ấm áp, đong đầy yêu thương.
5 giờ sáng ngày 27/12, Hà Nội mùa đông một sớm mờ sương, đoàn thiện nguyện trường THCS Thành Công xuất phát đi tỉnh miền núi Tây Bắc Sơn La để thực hiện chương trình thiện nguyện "Xuân ấm yêu thương" do Nhà trường phát động và trực tiếp thực hiện.
Trời rét buốt tối thẫm, đường phố Hà Nội vẫn vắng lặng bóng người, chỉ có những dãy đèn đường vàng lấp loáng trong màn sương. Đoàn thiện nguyện trường THCS Thành Công gồm 18 người, bao gồm Ban Giám hiệu, Công đoàn, cán bộ, giáo viên Nhà trường và phụ huynh học sinh. Mọi người trong đoàn ai cũng háo hức, bồi hồi xúc động với một chuyến đi đầy ắp những món quà mang nặng tình yêu thương, tình cảm chứa chan được các cán bộ, giáo viên, phụ huynh và các em học sinh Nhà trường gửi gắm đến bà con vùng cao Tây Bắc.

Bỏ lại ánh đèn phồn hoa đô thị ở phía sau, xe chúng tôi lao vun vút trên đại lộ Thăng Long. Miền Bắc đang đúng đợt gió mùa về, đường đi lúc mưa lúc tạnh, lúc mờ sương, lúc hửng sáng, những con đường đèo quanh co, lên xuống, càng lúc càng xấu dần.
Hơn 12 giờ trưa, chúng tôi nghỉ chân ăn trưa ở thành phố Sơn La, lúc này đoàn đã cách Hà Nội 300km. Đoạn đường khá xa và đường xóc với 7 tiếng di chuyển khiến mọi người trong đoàn đã khá mệt mỏi nhưng ai cũng hiểu rằng những đoạn đường khó đi nhất thực ra vẫn đang ở phía trước. Rời thành phố Sơn La, chúng tôi đến huyện Thuận Châu vào lúc hơn 3 giờ chiều, lúc này đoàn đã ở cách Hà Nội 335km. Các xe tải chở lượng lớn quà tặng của Nhà trường bao gồm 15 xích đu, 30 thú nhún, 55 chăn ấm, 4 téc nước, 100 tấm lợp proximang, 140kg gạo nếp, nhiều áo ấm, mũ, tất, găng tay, xe lắc, xe scooter... đã phải xuất phát từ đêm hôm trước và đến trước chúng tôi để bốc xếp hàng tại địa điểm tập kết.
Xe chúng tôi bắt đầu rẽ vào đoạn đường khó đi nhất dài 45km đường đèo núi cao hiểm trở để đến với xã miền núi đặc biệt khó khăn Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Co Mạ là 1 trong 6 xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Toàn xã có 80% là người dân tộc Mông sinh sống trên các bản làng vùng núi cao, hơn 60% là hộ nghèo. Đợt thiện nguyện "Xuân ấm yêu thương" của Nhà trường lần này sẽ trao tặng quà cho các điểm trường mầm non của xã và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trường mầm non của xã có 17 cô giáo, 11 điểm trường rải rác nằm ở các bản. Điểm trường xa trung tâm nhất khoảng 25km, với 15km đường đất, đi lại khó khăn, ô tô không đi được, nếu trời mưa chỉ có thể đi bộ. Điện đã có nhưng chưa phủ khắp các bản làng, do địa hình vùng núi cao nên thiếu thốn nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô cuối năm. Đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu là lao động thuần nông, mỗi năm một vụ lúa một vụ màu.
Đoạn đường 45km tuy không dài nhưng đoàn chúng tôi phải mất gần 2 tiếng đồng hồ để vào tới trung tâm của xã, đường đi rất xấu, khó khăn, nhiều ổ gà, đường đèo cao quanh co hiểm trở với những khúc cua tay áo, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, gằn xóc. Hơn 5h chiều, sau 12 tiếng hành trình vất vả và mệt mỏi, đoàn chúng tôi đã đến điểm dừng chân tại xã Co Mạ. Trời lúc này đã chập choạng tối, không khí khá lạnh và khô nhưng trong lành, khác hẳn buổi sáng mờ sương ẩm ướt khi chúng tôi lên đường. Các cán bộ xã và cô giáo của các điểm trường xã ùa ra đón đoàn chúng tôi hỏi chuyện vui vẻ, cả đoàn ai cũng mệt mỏi sau chuyến đi dài nhưng vẫn nở những nụ cười tươi tắn trên môi. Mọi người cùng nhau chung tay hối hả vận chuyển quà từ xe tải xuống điểm tập kết.

Sau bữa ăn tối với những món ăn dân tộc mang đậm chất miền núi cao Tây Bắc, đoàn thiện nguyện đã giao lưu văn nghệ với bà con xã Co Mạ. Chương trình mở đầu với lời phát biểu của Hiệu trưởng Nhà trường cô Phạm Lan Hương và lời cảm ơn của Bí thư xã Co Mạ Thào A Tủa. Người dân ở đây tuy nghèo khó nhưng rất nhiệt tình và giàu lòng mến khách. Bí thư xã Co Mạ xúc động trao lá thư gửi gắm những lời cảm ơn, những tình cảm của người dân Co Mạ tới giáo viên, học sinh, phụ huynh Nhà trường và các nhà hảo tâm đã ủng hộ vật chất, tinh thần cho chuyến đi thiện nguyện này.

Người dân Co Mạ đón chào đoàn chúng tôi với những lời ca, tiếng hát của núi rừng Tây Bắc, những điệu múa, làn điệu dân tộc mộc mạc như chính con người Co Mạ vậy. Chúng tôi cùng nhau hát, cùng nhau giã bánh dày, nhảy sạp, nắm tay nhau nhảy bên bếp lửa ấm áp giữa tiết trời vùng cao lạnh giá. Khoảng cách hàng trăm kilomét như được xóa nhòa.

Sau một giấc ngủ ngắn lấy lại sức lực, chúng tôi dậy sớm chuẩn bị quà tặng và di chuyển tới các điểm trường đại diện để trao quà. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn thiện nguyện trường THCS Thành Công trong chương trình "Xuân ấm yêu thương" là điểm trường mầm non trung tâm của xã Co Mạ, tại đây đoàn tặng cho điểm trường mầm non trung tâm Bình Minh Co Mạ 1 khu vui chơi cầu trượt và nhiều đồ chơi trẻ em.

Từ điểm trường trung tâm này, chúng tôi chia ra làm 3 đoàn nhỏ gồm 2 đoàn đi ô tô và 1 đoàn đi xe máy tới điểm trường xa đường đất đi lại khó khăn ô tô không đi được để tặng quà. Trường THCS Thành Công đã tặng mỗi điểm trường 1 xích đu, 2 thú nhún và nhiều đồ chơi cho trẻ em. Đến với các điểm trường của xã, chúng tôi mới cảm nhận được sự thiếu thốn, khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và vui chơi cho các em ở các điểm trường, càng cảm thông và khâm phục hơn nghị lực của các cô giáo bám trường bám bản. Có những cô giáo nhà xa cách điểm trường 70km, chỉ tranh thủ được ngày nghỉ cuối tuần về thăm nhà rồi tối chủ nhật lại quay lại trường để chuẩn bị cho tuần học mới. Mỗi điểm trường chỉ có một cô giáo quản lý trung bình trên 40 học sinh. Cá biệt có những năm, sĩ số học sinh ở một điểm trường có thể lên trên 50 học sinh.


Có 4 điểm trường bản xa không có bể chứa nước, Nhà trường đã tặng 4 téc nước để cô và các con có thể dự trữ nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô khắc nghiệt ở vùng núi. Trời mù sương rét buốt, lất phất những giọt mưa nhỏ. Những thành viên trong đoàn đi xe máy chúng tôi phải trang bị khẩu trang, găng tay, áo ấm, trùm kín áo mưa trong gió buốt, vượt đường đất núi đèo trơn trượt để vào tận điểm trường trao tặng quà cho các cô giáo và các em học sinh.

Trong khi 2 đoàn tiếp tục tặng quà tại các điểm trường xã Co Mạ, 1 đoàn tách sang xã Co Tòng cách đó 20km để tặng quà các điểm trường. Co Tòng cũng là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, giáp danh với xã Co Mạ. Toàn xã có hơn 70% hộ nghèo. Đoàn thiện nguyện trường THCS Thành Công cũng tặng 4 điểm trường tại xã Co Tòng 4 xích đu, 8 thú nhún và nhiều đồ chơi khác cho trẻ em. Các thầy cô trong đoàn còn chung tay góp sức để lắp đặt các đồ chơi, vật dụng cho các điểm trường.

Lúc này trời đã quá trưa, các cô giáo điểm trường đã nhiệt tình mời chúng tôi ở lại dùng bữa cơm thân mật. Bữa cơm của các cô giáo vùng cao tuy đạm bạc nhưng chan chứa tình người dành tặng khách quý phương xa. Chỉ những dịp hiếm hoi như thế này, bữa cơm của các cô mới có thêm chút thịt cá. Nhiều cô tâm sự với chúng tôi rằng, học sinh trên vùng cao này khổ lắm, có những em mẫu giáo đi bộ 5km đường núi tới trường, thức ăn mang tới trường chỉ là cơm trắng, một chút muối và một lát gừng. Vì vậy những món quà, những vật phẩm hảo tâm của chúng tôi là rất quý giá, thiết thực, góp phần giúp các cô và các con có thể vượt qua sự khó khăn, thiếu thốn để học tốt, dạy tốt.
Cả 3 đoàn chúng tôi tụ lại với nhau tại điểm trường Bản Cát, xã Co Mạ. Điểm trường này mái nhà bị vỡ, dột nát, đoàn thiện nguyện Nhà trường đã tặng hơn 100 tấm lợp proximang giúp lợp lại mái phòng học cho cô và các con tránh mưa tránh nắng. Tại mỗi điểm trường nơi chúng tôi đi qua, phụ huynh và học sinh đều đến tập trung rất đông dù đang là ngày nghỉ, vui mừng, phấn khởi trước những món quà mà đoàn thiện nguyện trao tặng.

Tạm biệt Co Mạ và Co Tòng, đoàn chúng tôi lên đường sang xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cách đó 80km để tiếp tục tặng quà. Huổi Một là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã, có 4 dân tộc cùng sinh sống gồm: Thái, Mông, Sinh Mun và Khơ Mú. 5h chiều, đoàn chúng tôi dừng chân tại Ủy ban nhân dân xã Huổi Một sau một chặng đường dài vất vả.

Đón tiếp chúng tôi, anh Vì Việt Cường, Chủ tịch xã cho hay: "Biết tin đoàn thiện nguyện "Xuân ấm yêu thương" của trường THCS Thành Công đến trao quà từ thiện cho nhân dân xã, bà con trong xã rất phấn khởi, nhiều phụ huynh và học sinh đã lặn lội đường núi xa xôi, nhiều điểm cách UBND xã 20km để đến tập trung tại Hội trường của xã chờ đón Đoàn từ 2h chiều mặc dù xã đã thông báo 5h chiều đoàn mới đến.

Tại xã Huổi Một, đoàn thiện nguyện đã tặng cho trường mầm non xã 68 món đồ chơi bập bênh, xe lắc, xe scooter cho các học sinh, tặng gần 400 đầu sách dành cho thiếu nhi cho các điểm trường ở bản. Trường THCS Thành Công cũng trao tặng 2 cô giáo mầm non có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi cô 1 chăn ấm, 20kg gạo và 1 triệu đồng. Tặng 5 em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 2 bản Túp Phạ A, Túp Phạ B – những bản xa trung tâm, chủ yếu là người Mông sinh sống trên núi cao, đặc biệt khó khăn, mỗi cháu 1 chăn ấm, 1 áo ấm, nhiều mũ len, tất, 20kg gạo nếp, 1 thùng mì tôm. Chưa dừng lại ở đó, đoàn chúng tôi cũng tặng 50 cháu học sinh mầm non thuộc hộ nghèo của 2 bản trên, hoàn cảnh của các cháu rất khó khăn, mỗi cháu 1 chăn ấm, 1 áo ấm, tất, mũ, 1 thùng mì.



Chứng kiến những món quà, những vật phẩm đầy thiết thực được gửi tặng tận tay cho những hoàn cảnh khó khăn trong xã, sự phấn khởi, niềm vui ánh lên trong mắt con trẻ và bà con nghèo các bản vùng cao khi nhận quà tặng, không chỉ có những cán bộ xã mà những thành viên trong đoàn thiện nguyện chúng tôi, ai cũng thấy bồi hồi xúc động.

Chia tay Huổi Một, chia tay Sơn La, anh Vì Việt Cường - Chủ tịch xã và các cán bộ xã đã ra tận cửa xe chúng tôi gửi những lời cảm ơn chân thành, đó cũng là tình cảm của bà con trong vùng dành cho đoàn thiện nguyện "Xuân ấm yêu thương" trường THCS Thành Công chúng tôi, những vị khách quý phương xa.
Tạm biệt Co Mạ, tạm biệt Co Tòng, tạm biệt Huổi Một, đoàn thiện nguyện chúng tôi lại lên đường về với đô thị, về với cuộc sống bận rộn thường ngày, nhưng hành trang chúng tôi mang về còn có thêm tình cảm và lòng mến khách, sự chất phác, mộc mạc của bà con dân bản vùng cao Tây Bắc. Hy vọng chúng tôi sẽ có dịp quay trở lại Sơn La trong những chuyến thiện nguyện tiếp theo một dịp gần đây.
Ý kiến bạn đọc