(NĐ&ĐS) - Ngày 1/11, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Chữ thập đỏ Quốc tế tổ chức Hội thảo "Bảo vệ Biểu tượng Chữ thập đỏ - Biểu tượng của Nhân đạo".

Tham dự hội thảo có ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Gianni Volpin - Trưởng đại diện Uỷ ban Chữ thập đỏ Quốc tế tại Việt Nam và Lào, đại diện các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Cục Sở hữu trí tuệ và đại diện Hội Chữ thập đỏ các Quốc gia tại Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ một số tỉnh, thành tại Việt Nam.

DSC_1192
Toàn cảnh Hội nghị

Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị: "Trong thời gian qua, việc sử dụng sai biểu tượng Chữ thập đỏ diễn ra rất nhiều, trong hoạt động thương mại, sự lạm dụng này xuất hiện nhiều hơn. Các biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ như Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ ngoài mục đích nhận diện cho các tổ chức làm nhân đạo còn có một mục đích hết sức đặc biệt khác, đó là biểu tượng của sự bảo vệ. Luật pháp quốc tế đã quy định, trong các cuộc xung đột vũ trang, những người bị thương, những người bị bênh và những người chăm sóc họ khi mang biểu tượng này đều được bảo vệ, không ai được phép tấn công. Do vậy, các biểu tượng trên cần được tôn trọng và sử dụng đúng. Nếu biểu tượng này bị sử dụng một cách tuỳ tiện, bừa bãi sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người".

DSC_1168
Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế với dấu hiệu "Chữ thập đỏ trên nền trắng" chính thức được công nhận trở thành biểu tượng chính thức của Phong trào vào năm 1864. Còn biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với nền tảng là “chữ thập đỏ trên nền trắng” - Biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - kết hợp cùng các chi tiết hình họa xung quanh và dòng chữ “Chữ thập đỏ Việt Nam”. Biểu trưng đã được Cục Đăng ký bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Giấy chứng nhận bản quyền tháng 7/2013.

Mặc dù đã có những văn bản pháp lý quốc tế và Việt Nam quy định về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, tuy nhiên hiện nay, biểu tượng Chữ thập đỏ xuất hiện khá phổ biến ở nhiểu lĩnh vực không thuộc hoạt động Chữ thập đỏ.

Biểu tượng Chữ thập Đỏ hiện đang bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau: sử dụng sai (không phải cá nhân, tổ chức, hoạt động Chữ thập Đỏ nhưng sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ và biểu trưng của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam); bắt chước (sử dụng dấu hiệu gần giống về hình dáng, màu sắc của biểu tượng Chữ thập Đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam gây nhầm lẫn); mạo danh (các nhóm, cá nhân làm từ thiện “trá hình” sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam) để trục lợi.

Việc sử dụng biểu tượng/biểu trưng sai mục đích ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, thương hiệu và uy tín của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đặc biệt khi lạm dụng, sử dụng sai biểu tượng có thể làm mất giá trị bảo vệ khi có xung đột vũ trang.

DSC_1176
Ông Gianni Volpin - Trưởng đại diện Uỷ ban Chữ thập đỏ Quốc tế tại Việt Nam

Ông Gianni Volpin - Trưởng đại diện Uỷ ban Chữ thập đỏ Quốc tế tại Việt Nam cho biết: Đối với Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ thì biểu tượng có giá trị nhân đạo lớn trong suốt hơn 150 năm qua, theo Luật Nhân đạo quốc tế (bao gồm 4 Công ước Giơnevơ 12/8/1949 và 3 Nghị định thư) trong đó quy định những nội dung liên quan đến việc bảo vệ Biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Các tổ chức trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế bao gồm Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, được sử dụng Biểu tượng trong mọi thời điểm. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trong biểu trưng của Hội để biểu thị mối liên hệ với Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các ý kiến về vấn đề còn tồn tại trong việc sử dụng sai biểu tượng Chữ thập đỏ và đề xuất các giải pháp nằm thay đổi nhận thức, thói quen của cộng đồng để từ đó có hành vi sử dụng đúng biểu tượng.

Theo luật sư Nguyễn Trần Tuyên - Giám đốc Công ty Luật ELITE, hiện tại, việc bảo vệ biểu tượng này vô cùng khó khăn do tính chất linh hoạt trong việc sử dụng, việc lạm dụng diễn ra thường xuyên ở Việt Nam, nguyên nhân do nhận thức và sự nổi tiếng nên dễ bị lạm dụng. Mặc dù cơ sở pháp lý rõ ràng nhưng việc sử dụng sai diễn ra nhiều.

Bởi vậy, luật sư Nguyễn Trần Tuyên đưa ra quy trình xử lý vi phạm: soạn thư cảnh báo, nêu rõ quyền sở hữu trí tuệ và chế tài xử lý đối với các đối tượng vi phạm, yêu cầu đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm; đề nghị cơ quan thực thi tiến hành kiểm tra, xử lý đối tượng; đăng thông tin lên các phương tiện truyền thông.

DSC_1255
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM chia sẻ kinh nghiệm trong truyền thông bảo vệ biểu tượng Hội Chữ thập đỏ

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM nêu ra những trường hợp vi phạm về sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trên địa bàn TPHCM, đồng thời cũng đưa ra những đề xuất, giải pháp để tăng cường sự bảo vệ đối với biểu tượng Chữ thập đỏ như: Trong hệ thống Hội phải tăng cường tập huấn biểu tượng Chữ thập đỏ; Thành lập đội tình nguyện viên về truyền thông về biểu tượng; Tăng cường hỗ trợ hình ảnh, thông tin liên quan đến biểu tượng Chữ thập đỏ; Mong muốn Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tăng cường tập huấn, và tham khảo những nơi có mô hình bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ tốt trên thế giới.

Đức Long