(NĐ&ĐS) - Với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ Thanh Hóa, sự điều hành quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của Thanh Hóa cơ bản vẫn giữ ổn định, nhiều lĩnh vực có bước phát triển…
- Thanh Hóa triển khai hỗ trợ người dân từ gói 26 nghìn tỷ của Chính phủ
- Nghĩa tình sắt son của đồng bào xa xứ
- Thanh Hóa: Hơn 1.500 tấn hàng chuẩn bị lên tàu biển vào TP. HCM
- Thanh Hoá siết chặt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19
Nghĩ thật, nói thật, làm thật và hiệu quả thật
Theo đó 6 tháng đầu năm 2021 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 8,66% so với cùng kỳ; trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,47%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 12,90% (riêng công nghiệp tăng 13,91%); các ngành dịch vụ tăng 7,30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,40%. Trong 8,66% tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2021, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,59 điểm phần trăm; ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 5,72 điểm phần trăm (riêng công nghiệp đóng góp 4,38 điểm phần trăm); các ngành dịch vụ đóng góp 2,37 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm làm giảm 0,03 điểm phần trăm.
Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 18,68%, giảm 0,07%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 43,67%, tăng 1,25%; các ngành dịch vụ chiếm 32,00%, giảm 0,68%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,65%, giảm 0,51% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 6/2021 tăng 1,93% so với tháng trước, tăng 27,26% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 4,18% so với tháng trước, tăng 25,73% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,41% so với tháng trước, tăng 29,05% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 10,48% so với tháng trước, tăng 5,55% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,92% so với tháng trước, tăng 15,63% so với tháng cùng kỳ.
Trong toàn ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất tính chung 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ gồm: Sản xuất xe có động cơ tăng 299,51%; sản xuất kim loại tăng 160,16%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 31,79%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 29,06%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 14,32%; sản xuất trang phục tăng 12,00%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 11,32%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 2,60%... Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ gồm: Khai thác quặng kim loại giảm 68,10%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 16,34%; sản xuất đồ uống giảm 0,74%...
Nhìn chung 6 tháng đầu năm 2021, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 18,75% so với cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 6,75%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 6,61%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,80% so với cùng kỳ năm trước. Công tác phát triển doanh nghiệp tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Đến ngày 22/6/2021, có 1.232 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 15.894 tỷ đồng; so với cùng thời điểm năm ngoái, tăng 4,3% về số doanh nghiệp, tăng 17% về vốn điều lệ đăng ký. Trong 6 tháng đầu năm 2021 có 590 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước đạt 67.950 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 4.616,6 tỷ đồng, bằng 50,1% kế hoạch năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ .
Đặc biệt, ngày 23/6, UBND tỉnh Thanh Hóa và chủ đầu tư dự án là Tập đoàn T&T Group đã tổ chức khởi công xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân tại phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn. Lễ khởi công là sự kiện chào mừng thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Thanh Hoá nhiệm kỳ 2021 - 2026. Dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân có quy mô 84,8 ha, tổng vốn đầu tư trên 3.662 tỷ đồng, được đầu tư xây dựng trên địa bàn phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn nhằm mục đích khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch mà vùng đất này mang lại, đồng thời đáp ứng nhu cầu về lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cho người dân trong nước, du khách quốc tế và các chuyên gia nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Theo kế hoạch, Khu du lịch sinh thái Tân Dân sẽ được triển khai xây dựng trong 3 giai đoạn: Tháng 10/2022 hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1, tháng 6/2023 hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 2 và tháng 5/2024 hoàn thành đưa vào sử dụng toàn bộ Dự án. Tập đoàn xây dựng Delta được Tập đoàn T&T Group chỉ định làm tổng thầu thi công cho Dự án trọng điểm này.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong cả nước, ngày 30/4/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng thời, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Y tế căn cứ vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, tham mưu, đề xuất việc tạm dừng các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý vào thời điểm thích hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời. Sáu tháng đầu năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 5.484,2 tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ (trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 948,1 tỷ đồng, tăng 40,3%, doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 4.536,1 tỷ đồng, tăng 31,5%, doanh thu du lịch lữ hành 28,6 tỷ đồng, giảm 18,1%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác 3.914,8 tỷ đồng, tăng 25,5% .
Đời sống nhân dân trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 nhìn chung ổn định. Các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân được giải quyết kịp thời đúng quy định, kịp thời chi trả cho gần 73,8 nghìn đối tượng người có công với cách mạng, với tổng số kinh phí chi trả hàng tháng hơn 153 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ, chăm lo đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn được tập trung quan tâm thực hiện. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho trên 203 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí thực hiện hàng tháng trên 78,5 tỷ đồng; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn đảm bảo xã hội để xuất cấp 288.345 kg gạo hỗ trợ cho 12.087 lượt người dân gặp khó khăn trong dịp tết Nguyên đán và thời kỳ thiếu lương thực năm 2021. Các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đã trao tặng 364.463 suất quà và 17.985 kg gạo, tổng trị giá 208,153 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc cấp gạo hỗ trợ cho học sinh học kỳ II năm học 2020 - 2021. Đối tượng hỗ trợ là những học sinh đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Số lượng học sinh được hưởng là 21.648 học sinh của 246 trường. Số lượng gạo hỗ trợ là 1.312.845 kg; mức hỗ trợ là 15kg/tháng/học sinh. Nguồn gạo hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được các cấp chính quyền, các đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 27.500 lao động, đạt 46,6% kế hoạch năm, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó số lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 3.300 người, đạt 55% kế hoạch năm, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho người lao động bị mất việc làm. Đến thời điểm hiện tại, đã tiếp nhận 10.787 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó có 3.589 hồ sơ của người lao động làm việc trên địa bàn tỉnh, số còn lại là lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố khác trong nước; ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 9.622 lao động, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Ngành Y tế đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, đảm bảo thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Công điện, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, văn bản của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19, triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tiếp tục tổ chức giám sát, truy vết các trường hợp nghi ngờ, F1, F2 và các trường hợp trở về từ vùng dịch, các trường hợp nhập cảnh trái phép như chùm ca bệnh Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, chùm ca bệnh Bệnh viện K Tân Triều, người về từ vùng dịch tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh,...; cách ly triệt để, khoanh vùng gọn các ổ dịch, lấy mẫu kịp thời không để dịch lây lan ra cộng đồng. Truyền thông các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, thông điệp 5K.
Kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, đường bộ, đường biển, tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn, lối mở, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hoạt động nhập cảnh trái phép vào Thanh Hóa. Tổ chức quản lý chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong khu cách ly và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng. Tiếp tục triển khai xét nghiệm khẳng định Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Những khó khăn, thách thức đang” bủa vây”
Mặc dù khó khăn, thách thức đang bủa vây, nhưng tại Hội nghị thường kỳ 6 tháng đầu năm 2021, sau khi đánh giá kết quả của tỉnh đạt được, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu lên nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 đó là tiếp tục tập trung thực hiện tốt “mục tiêu kép” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thoả mãn với những kết quả bước đầu đạt được.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, nhất là các dự án đầu tư công; trong đó trọng tâm là đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp.
Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thu, chi ngân sách; phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021; tăng cường quản lý chi ngân sách địa phương.
Tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; kịp thời, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép, các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; quan tâm đến công tác giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Về phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp các ngành các tổ chức xã hội tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành tốt nhất mục tiêu kép đề ra mặc dù trong đó có cả thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, do vậy phải quyết tâm cao hơn, lấy khó khăn, thách thức là động lực, mục tiêu phấn đấu để trưởng thành.
Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân ưu tiên chống dịch nhưng không xa rời “mục tiêu kép”, cụ thể đó là: Để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm là 11%, thì tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm phải đạt 12,8% trở lên, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,5% (kế hoạch năm 3%); công nghiệp – xây dựng tăng 13,6% (kế hoạch 13,3%); dịch vụ tăng 13%... Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 72.050 tỷ đồng (kế hoạch năm 140.000 tỷ đồng); thu ngân sách Nhà nước đạt 10.694 tỷ đồng (dự toán 26.572 tỷ đồng).
Ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: “Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh ta đã làm rất tốt việc ưu tiên chống dịch nhưng vẫn không xa rời “mục tiêu kép”, nghĩa là không phải chỉ chống dịch mà không quan tâm đến phát triển kinh tế, và ngược lại vì phát triển kinh tế mà lơ là chống dịch”./.