(NĐ&ĐS) - Ngày 29 - 30/6, Hội CTĐ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý khung đề cương chiến lược phát triển Hội CTĐ, giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2045.

A2

Tham gia Hội nghị có PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam; ông Nguyễn Hải Anh – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội CTĐ Việt Nam; bà Trần Thị Hồng An – Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam cùng lãnh đạo các ban, đơn vị của Hội CTĐ Việt Nam và Chủ tịch Hội CTĐ 7 tỉnh, thành.

Hội nghị góp ý khung đề cương chiến lược phát triển Hội CTĐ, giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2045, các đơn vị Trung ương Hội CTĐ Việt Nam và đại diện 7 tỉnh thành cùng xác định các ưu tiên chiến lược, là chìa khóa và nền tảng cho sự phát triển của Hội CTĐ Việt Nam, thảo luận và lựa chọn các ưu tiên chiến lược được xác định và chấp thuận các ý tưởng và nhiệm vụ trọng tâm trong các định hướng chiến lược để xác định tầm nhìn về tương lai.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, Việt Nam nổi lên trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, là bài học cho cả thế giới thấy về một đất nước đang phát triển đã chiến thắng dịch bệnh và đồng thời tránh được khủng hoảng nhân đạo.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tái bùng phát trên nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới, chúng ta cũng cần đặt câu hỏi trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, liệu Việt Nam có vượt qua được đại dịch không? Xuất phát từ thực tiễn trên, việc tổ chức Hội nghị góp ý khung chiến lược phát triển Hội CTĐ, giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2045, trong đó đánh giá cụ thể về các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển cho thời gian tới là rất cần thiết.

A1
PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Mục tiêu của Chiến lược năm 2030 là xây dựng một tổ chức Hội CTĐ Việt Nam thực sự trở thành tổ chức nhân đạo nòng cốt, đảm đương hiệu quả vai trò điều phối thống nhất trong hoạt động nhân đạo, từ thiện, góp phần nâng cao hiệu quả trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, giáo dục lòng nhân ái, đóng góp tích cực cho phong trào CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.

Với phương châm hành động: Chiến lược có tính định hướng các hoạt động ưu tiên chiến lược trong hệ thống Hội. Căn cứ thực tiễn tại địa phương và thực lực của tổ chức, cấp Hội lựa chọn thực hiện những hoạt động ưu tiên cụ thể, không nhất thiết giàn trải các hoạt động ưu tiên chiến lược nếu các điều kiện đảm bảo không đáp ứng; Tập trung những hoạt động mà Hội có thế mạnh, có thể thực hiện hiệu quả hơn các tổ chức khác. Đối với các hoạt động nhân đạo mà các tổ chức khác thực hiện hiệu quả hơn tổ chức Hội và không thuộc thế mạnh của Hội thì tham gia thực hiện, không cạnh tranh, không đối đầu trong hoạt động nhân đạo; Với giá trị cốt lõi của tổ chức là có trách nhiệm, đáng tin cậy, chuyên nghiệp, hiệu quả kịp thời và có tính minh bạch.

Đối tượng được tác động chính là những người nghèo, người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, phụ nữ, người di cư, nạn nhân chiến tranh và những đối tượng dễ bị tổn thương khác; Những người chịu tác động bởi di dân, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; Những cộng động nghèo, dễ bị tổn thương. Địa bàn tác động chính là miền núi, biên giới, hải đảo, khu công nghiệp, khu vực nông thôn.

Cùng với 5 ưu tiên chiến lược là: Công tác xã hội nhân đạo; Chăm sóc sức khỏe và sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng; Hiến máu, hiến tặng mô tạng nhân đạo; Phòng ngừa và ứng phó thảm họa, xây dựng cộng đồng an toàn, có khả năng chống chịu cao; Tuyên truyền các giá trị nhân đạo và tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh.

Mục tiêu chiến lược của Hội CTĐ Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo là tiếp tục xây dựng Hội CTĐ Việt Nam là tổ chức nòng cốt trong công tác nhân đạo và Hội CTĐ quốc gia. Để đạt được tầm nhìn cho 10 năm tiếp theo, Hội nghị đang nghiên cứu, đóng góp, thảo luận về tầm nhìn chiến lược, mục tiêu cụ thể; Hội CTĐ đang hướng đến trở thành một Hội quốc gia mạnh trong giai đoạn tới và gắn hoạt động của mình với chiến lược của Hội CTĐ-TLLĐ trong giai đoạn 2020-2030. Và trong tầm nhìn đến 2045, Hội CTĐ Việt Nam sẽ trở thành tổ chức Hội vững mạnh trong hoạt động nhân đạo, là tổ chức nòng cốt, điều phối, là cầu nối cho các hoạt động nhân đạo quốc gia cũng như thể hiện rõ vai trò của hội quốc gia đối với hoạt động nhân đạo quốc tế.

Đánh giá về kết quả thực hiện chiến lược phát triển Hội CTĐ Việt Nam đến năm 2020, đã căn bản đáp ứng yêu cầu của công tác Hội và phong trào CTĐ giai đoạn 2011 – 2020, đặc biệt đã định ra khuôn khổ hoạt động nhân đạo của Hội với 4 lĩnh vực hoạt động trọng tâm (công tác xã hội nhân đạo, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, tuyên truyền vận động hiến máu, hiến mô, tạng nhân đạo và tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa) tạo cơ sở nền tảng để thống nhất các hoạt động trọng tâm, trọng điểm trong toàn hệ thống Hội, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội.

Chiến lược đã xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển Hội có tính giải pháp. Thực hiện các lĩnh vực ưu tiên này không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả 4 lĩnh vực hoạt động trọng tâm, mà còn góp phần quan trọng trong củng cố, phát triển tổ chức Hội, nâng cao năng lực vận động nhân đạo của hệ thống Hội, qua đó nâng cao vị thế của tổ chức Hội trong hoạt động nhân đạo, từ thiện và trong xã hội.

Tổng giá trị hoạt động của toàn Hội giai đoạn 2011 – 2019 đạt khá, năm sau cao hơn năm trước, số người được trợ cấp tăng ở cả 4 lĩnh vực hoạt động trọng tâm: Phòng ngừa và ứng phó thảm họa, cứu trợ khẩn cấp, công tác xã hội nhân đạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và vận động hiến máu tình nguyện.

Một số chỉ tiêu cụ thể không đạt, một phần do chủ quan duy ý chí, quyết định chỉ tiêu khi còn thiếu cơ sở thực tiễn, thiếu nguồn lực, thiếu khung chính sách, pháp luật phù hợp. Bên cạnh đó có không ít nguyên nhân khách quan như: Hoạt động nhân đạo từ thiện còn chồng chéo, cạnh tranh; chính sách cán bộ Hội chưa được giải quyết đầy đủ; quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động nhân đạo còn bất cập; sự phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức trong hoạt động nhân đạo còn khó khăn, hình thức, hiệu quả thấp.

Việc thực hiện chiến lược đã góp phần phát triển và hoàn thiện theo hướng bền vững, có tính lan tỏa cao của một số mô hình, phong trào, cuộc vận động nhân đạo của Hội (Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Ngân hàng bò”…; sự phối hợp hợp tác với các tổ chức, cơ quan doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong hoạt động nhân đạo có chuyển biến tích cực.

Được biết, trong Chiến lược Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2020 đã xác định Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trở thành Hội quốc gia vững mạnh, đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo của đất nước, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức và tình huống trong công tác nhân đạo.

Phương châm hành động là tập trung triển khai hoạt động trong các lĩnh vực mà các cấp Hội có đủ khả năng đáp ứng hoặc vận động được nguồn lực; Tập trung triển khai các nội dung mang tính đặc thù mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có khả năng thực hiện tốt hơn các tổ chức khác. Đối tượng tác động chính là Cộng đồng dễ bị tổn thương do bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; Những người khuyết tật nghèo, nạn nhân thiên tai, dịch bệnh, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam, người mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi, phụ nữ nghèo, người già cô đơn và các đối tượng dễ bị tổn thương khác; Cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Lã Hằng