(NĐ&ĐS) - Bộ GD&ĐT quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 vào ngày 5/9/2020.
- Báo Nhân đạo và Đời sống tặng quà học sinh dịp khai giảng năm học mới
- Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ thi chứng chỉ ngoại ngữ
- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh trống khai giảng năm học mới tại Thanh Hóa
Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ quý II năm 2020, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, cho biết, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGD&ĐT đã áp dụng từ năm học 2017-2018.
Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước khai giảng năm học 2020-2021 ngày 5/9/2020. Đồng thời quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9/2020.
Riêng năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường. Tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.
Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp Tiểu học. Qua đó tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh.
Chia sẻ về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, triển khai dạy học từ xa trên phạm vi cả nước, Chánh Văn phòng Trần Quang Nam cho biết: Bộ GD&ĐT đã ban hành trên 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế.
Ở bậc đại học có trên 50% trường đại học tổ chức dạy học từ xa. Ở bậc phổ thông tổng hợp qua hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa phòng chống dịch Covid-19 cho thấy, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho tất cả đối tượng học sinh.
Các sở GD&ĐT tích cực đóng góp bài giảng, tham gia xây dựng nội dung dạy học trên truyền hình. Kết quả, 324 bài học đã được phát trên kênh VTV7 và kênh K+.
Các thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về tỷ lệ học sinh học qua internet (86,5%) và trên truyền hình (87,5%). Tiếp đó là các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tỷ lệ học sinh học qua internet và trên truyền hình dưới 50% chủ yếu do khó khăn về hạ tầng, cơ sở vật chất là khu vực miền núi và trung du phía Bắc, Bắc Trung Bộ.
Dạy học từ xa qua internet, trên truyền hình đã giúp các địa phương kết thúc năm học trước 15/7/2020, chất lượng giáo dục được đảm bảo, rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học; tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh.
Ý kiến bạn đọc