(NĐ&ĐS) - Ở Việt Nam, biểu tượng chữ thập đỏ với dấu cộng màu đỏ, được sử dụng hơn 70 năm từ khi Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thành lập, mặc dù đã có cơ sở pháp lý về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ, tuy nhiên hiện nay đang có nhiều đơn vị sử dụng tràn lan, tùy tiện một cách vô tình hoặc hữu ý.

Tại Việt Nam, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam từ khi thành lập đến nay luôn gắn liền với biểu tượng là hình chữ thập màu đỏ trên nền trắng - biểu tượng chung được Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế quy định. Biểu tượng Chữ thập đỏ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ. Ngày 4/7/2013, Cục bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả về Biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Untitled-1
Biểu tượng Chữ thập đỏ và biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Ngày 3 tháng 6 năm 2008, Luật Hoạt động Chữ thập đỏ đã được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ III và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Tại Chương III (điều 14, 15 và 16) của Luật hoạt động Chữ thập đỏ có quy định về biểu tượng chữ thập đỏ.

Điều 14 quy định: “Biểu tượng Chữ thập đỏ là hình chữ thập màu đỏ, trên nền trắng. Biểu tượng chữ thập đỏ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ. Biểu tượng chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động chữ thập đỏ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động chữ thập đỏ. Trong các cuộc xung đột vũ trang, biểu tượng chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết và bảo vệ người, cơ sở và phương tiện, hiện vật mang biểu tượng này”.

Điều 15 quy định về việc sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ: “Biểu tượng chữ thập đỏ được sử dụng khi tiến hành hoạt động chữ thập đỏ và tại cơ sở, trên phương tiện, hiện vật của Hội Chữ thập đỏ. Khi có xung đột vũ trang, biểu tượng chữ thập đỏ được sử dụng theo quy định của các công ước Gione- vo có liên quan, các nghị định thư bổ sung mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Điều 16 quy định về Biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ, biểu tượng pha lê đỏ: “Biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ, biểu tượng pha lê đỏ do tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài thuộc Phong trào chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế sử dụng ở Việt Nam được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ”.

Trong lịch sử phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt nam và Bộ Y tế đã có nhiều công văn quy định về việc sử dụng Biểu tượng tại Việt Nam. Trong Công văn số 7464/BYT-KCB nêu rõ: Các cơ sở y tế chỉ được sử dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ khi tham gia các hoạt động Chữ thập đỏ theo quy định tại điều 2 của Luật Hoạt động Chữ thập đỏ; tại các cơ sở y tế và khi tiến hành các hoạt động y tế ngoài các cơ sở y tế, không phải hoạt động Chữ thập đỏ, các cơ sở y tế không được sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ.

Qua đó, các đơn vị kinh doanh không được sử dụng Chữ thập đỏ vào những hoạt động không mang ý nghĩa phi lợi nhuận, tránh sử dụng tuỳ tiện và lạm dụng ý nghĩa của Chữ thập đỏ.  

Mặc dù đã có những cơ sở pháp lý xác đáng trong bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ và quy định về việc sử dụng đúng pháp luật đối với biểu tượng Chữ thập đỏ nhưng hiện ở nước ta vẫn còn tình trạng vi phạm bản quyền, sử dụng sai mục đích và tùy tiện đặc biệt là ngành y tế (bệnh viện, trung tâm, trạm y tế, các phòng khám, hiệu thuốc…); trên các phương tiện thông tin đại chúng (chuyên mục quảng cáo, các chương trình chăm sóc sức khỏe); trên các sản phẩm vệ sinh, môi trường, hóa mỹ phẩm; các dịch vụ bảo trì máy tính…

xe_cuu_thuong_1_gagn
Biểu tượng Chữ thập đỏ được sử dụng tràn lan tại các bệnh viện, trạm y tế, xe cứu thương.

Rõ ràng, chữ thập đỏ là biểu tượng của những hoạt động nhân đạo không tính phí nhưng đang được sử dụng tràn lan trong cả những hoạt động kinh doanh. Để biểu tượng được sử dụng đúng mục đích, việc tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức, hiểu biết của cán bộ ngành Y tế, doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhân dân là rất cần thiết. Đồng thời, rất cần sớm có chế tài cụ thể trong việc xử lý việc vi phạm sử dụng biểu tượng nhân đạo này.

Long Đỗ