(NĐ&ĐS) - Sáng 9/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Qua đó, Thủ tướng đã thống nhất kịch bản tăng trưởng năm nay từ 3-4% và từ nay đến năm 2021 phải nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổng thể gói hỗ trợ kích thích kinh tế.

Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao cố gắng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thời gian qua, đứng trước khó khăn nhiều mặt nhưng đã nỗ lực điều hành đúng, linh hoạt, kịp thời, mang lại sự phát triển, ổn định xã hội và niềm tin cho nhân dân.

NQH08331
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nguy cơ dịch bệnh còn hiện hữu, trong khi suy giảm kinh tế thế giới tác động nặng nề trên nhiều phương diện của đất nước. Các thành viên Hội đồng nhận định tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh chưa kết thúc trong năm nay mà có thể kéo dài trong thời gian tới.

Do vậy, có ý kiến cho rằng, gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn, cho cả năm 2021, 2022, chứ không chỉ trong năm nay với tinh thần tiến công kinh tế trong khi phòng thủ dịch bệnh.

Theo TS Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) cho rằng, phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỉ đồng…

TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng nhìn nhận việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, cần đẩy mạnh hơn. Các gói chính sách phải mang tính dài hạn, bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động, phải sang quý 3 mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng. Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Đức Thụ, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nhấn mạnh cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho doanh nghiệp không thể chỉ làm trong 1 năm.

Thực lực doanh nghiệp của chúng ta còn yếu, đặc biệt đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, TS. Trần Đình Thiên nhận định. Do đó, “không chỉ cứu cái cũ mà còn cần tạo cả cái mới”, tức là bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Trong tình thế khó khăn này, cần tính tới các biện pháp xử lý nợ xấu.

Nhất trí giải ngân đầu tư công phải ráo riết hơn, TS. Trần Đình Thiên đề nghị Chính phủ, Nhà nước phải là “người mua hàng lớn nhất” đối với các sản phẩm “made in Việt Nam”.

Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, Thủ tướng đề ra mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3 - 4% GDP để có thêm nguồn lực. Thủ tướng nhấn mạnh cần chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết bảo vệ hệ thống doanh nghiệp, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu. Ngân hàng tiếp tục xem xét giảm lãi suất. Ngành tài chính tiếp tục xem xét giảm, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí. Các bộ, các ngành, các địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, tập trung kích cầu nội địa.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, lạm phát theo từng quý. 

Thủ tướng cho biết, sẵn sàng nhận các ý kiến, khuyến nghị của các chuyên gia, thành viên Hội đồng khi cần để điều hành chính sách, chứ "không chờ tới khi Hội đồng họp". Đồng thời Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường quốc tế, thị trường trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời. Muốn vậy, phải có hệ thống phân tích, dự báo và năng lực chính sách tốt.

P.V