Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay, quy mô tỉ lệ nợ công/GDP đã giảm ở mức dưới 55% GDP. Vì vậy, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3-4% GDP và không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia nhưng vấn đề đặt ra là phải có phương án, giải pháp sử dụng vốn hiệu quả.

Sáng 7/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2020 của ngành Tài chính”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, những tháng đầu năm, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong đó, đã thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất với tổng số tiền hơn 43 nghìn tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm một số loại thuế, phí và lệ phí với giá trị dự kiến khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Về cân đối thu ngân sách Nhà nước (NSNN), do giá dầu thô thế giới giảm sâu, kết hợp với việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí và các khoản thu khác, nên thu NSNN những tháng đầu năm có xu hướng giảm.

Tính đến hết tháng 6/2020, tổng thu NSNN ước đạt 668,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 41,8% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 51,7%); thu ngân sách địa phương đạt 47,4% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 54,6%).

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong thu nội địa, thu từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 41,9% dự toán, giảm 6,3%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37,1% dự toán, giảm 15%.

so_ket_bo_tai_chinh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành Tài chính

Về điều hành chi NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng chi NSNN đến hết tháng 6 ước đạt 729,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán. Nhìn chung, công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ.

Cũng theo người đứng đầu ngành tài chính, mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, kim ngạch cả xuất và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, thì khả năng đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là hết sức khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến cân đối thu - chi NSNN.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính cùng các cấp, ngành phải phấn đấu cao nhất để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm: Bảo đảm dự toán thu - chi ngân sách đã đề ra; bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối với các nền kinh tế.

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, so với các nước, không gian chính sách tài khóa và tiền tệ của chúng ta còn dư địa khá lớn trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nếu như các nước có tỉ lệ nợ công rất cao, mặt bằng lãi suất rất thấp thì chúng ta có tỉ lệ nợ công liên tục giảm và đang ở mức khiêm tốn, khoảng 54-55%. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất còn cao, tình hình vĩ mô ổn định.

Để thực sự phát huy vai trò huyết mạch của ngành tài chính, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần có quan điểm chủ động, tích cực hơn về vai trò chính sách tài khóa trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

“Tài chính không chỉ là bảo đảm thu chi ngân sách Nhà nước, tài chính cần được hiểu theo nghĩa rộng là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tôi đề nghị các đồng chí cần ủng hộ những mô hình kinh doanh mới, vật liệu mới, năng lượng mới và những động lực tăng trưởng mới của nước ta”, Thủ tướng nói.

Phương châm đặt ra là tài chính không bị động để nền kinh tế bị thu hẹp mà phải chủ động góp phần tạo ra chiếc bánh lớn hơn để có thêm nhiều nguồn lực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh. Đây cũng là con đường tốt nhất để góp phần bảo đảm an toàn xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh trong trung và dài hạn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.

Về quy mô tỉ lệ nợ công/GDP, chúng ta đã giảm ở mức dưới 55% GDP. Vì vậy, theo Thủ tướng, có thể nâng mức bội chi và nợ công thêm khoảng 3-4% GDP và không ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia cả trước mắt và lâu dài. “Vấn đề đặt ra là phải có phương án, giải pháp sử dụng vốn hiệu quả” – Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường giá cả, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá, quản lý tốt giá xăng dầu, điện, nước, giá dịch vụ giáo dục, y tế để không ảnh hưởng đến chỉ số giá. Qua đó, cương quyết giữ lạm phát ở mức dưới 4%.

Về chi ngân sách, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện hiệu quả chủ trương tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 84 của Chính phủ. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, khẩn trương báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công.

PV (t/h)