(NĐ&ĐS) - Chỉ tính riêng tại các dự án BOT của Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (UPCoM: HHV), Vietinbank đang dư nợ khoảng 19 ngàn tỷ đồng. Nhưng kết quả kinh doanh quý I/2020 của doanh nghiệp này lại báo lỗ 25,5 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính thì tổng số dư nợ xấu của VietinBank thực sự phồng to và tăng lên “chóng mặt”?

Con nợ “khủng” mang tên Công ty Đèo Cả

Tổng số tiền mà Vietinbank chi nhánh Hà Nội giải ngân cho Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) từ năm 2013 – 2016 để thực hiện dự án Hầm đường bộ Đèo Cả vào khoảng 18,5 ngàn tỷ đồng.

nh 3.
Dự án hầm Hải Vân 2 do Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả làm Chủ đầu tư

Theo tìm hiểu của phóng viên, Vietinbank hiện đang dư nợ tại các dự án BOT của Công ty Đèo Cả gần 19 ngàn tỷ đồng.

Tại khoản vay ngắn hạn, Vietinbank chi nhánh Đà Nẵng cho Công ty Đèo Cả vay 80 tỷ đồng, theo Hợp đồng số 01/2019, hình thức đảm bảo là: cà vẹt (giấy chứng nhận đăng ký) xe ô tô, sổ đỏ căn hộ; 80 tỷ đồng bằng Hợp đồng tín dụng số 02/2019, hình thức đảm bảo là tín chấp. Tổng 2 khoản vay ngắn hạn (đáo hạn ngày 31/8/2020) là 160 tỷ đồng.

Tại khoản vay dài hạn, Vietinbank chi nhánh Hà Nội cho Công ty Đèo Cả vay tới 18,7 ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, tại Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, từ ngày 16/1/2013, Vietinbank chi nhánh Hà Nội đã ký Hợp đồng tín dụng số 01/2013 để cho Công ty Đèo Cả vay 4.359 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là quyền tài sản phát sinh, tài sản hình thành trong tương lai dự án BOT và BT thuộc dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả; quyền khai thác trạm thu phí Ninh An – QL1A.

Ngày 22/10/2013, Vietinbank Hà Nội tiếp tục cho Công ty Đèo Cả vay 5.420 tỷ đồng; tiếp đến, ngày 28/7/2015, Vietinbank chi nhánh Hà Nội ký tiếp hợp đồng số 01/2015 cho Công ty Đèo Cả vay 3.351 tỷ đồng; Hợp đồng số 02/2015 ngày 11/12/2015 là 1.190 tỷ đồng; Hợp đồng số 01/2016 ngày 02/2/2016 là 4.182 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền mà Vietinbank chi nhánh Hà Nội giải ngân cho Công ty Đèo Cả từ năm 2013 – 2016 vào khoảng 18,5 ngàn tỷ đồng.

Tại dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn theo hình thức BOT, Vietinbank chi nhánh Hà Nội tiếp tục giải ngân cho Công ty Đèo Cả vay hơn 10 ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Đèo Cả của “vua đào hầm” Hồ Minh Hoàng báo lỗ sau thuế hơn 26 tỷ đồng trong quý I/2020. Nguyên nhân là do doanh thu không đủ bù đắp chi phí, đặc biệt theo ước tính, công ty của ông Hồ Minh Hoàng phải “gánh” 500 triệu đồng lãi vay mỗi ngày.

Cụ thể, trong quý này, Công ty Đèo Cả gánh tổng cộng gần 135,5 tỷ đồng chi phí tài chính và toàn bộ chi phí này đến từ lãi vay. Đây là số tiền lãi mà Đèo Cả phải trả cho các khoản vay để thực hiện các công trình giao thông quy mô lớn, trong đó chủ yếu là Vietinbank. Tính trung bình Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (DII) phải trả khoảng 500 triệu đồng tiền lãi vay mỗi ngày.

Được biết, thời kỳ Vietinbank chi nhánh Hà Nội ký hợp đồng giải ngân cho Công ty Đèo Cả vay khoảng 10 ngàn tỷ đồng (năm 2013), Giám đốc chi nhánh lúc đó là ông Trần Minh Bình – hiện là Tổng giám đốc Vietinbank.

Tháng 12/2013, ông Trần Minh Bình lên Giám đốc Khối kinh doanh vốn và thị trường Vietinbank thì lần lượt: ông Vũ Trung Thành, ông Nguyễn Đình Vinh (07/2014 – 30/7/2015), ông Nguyễn Trần Mạnh Trung (từ tháng 7/2015 đến nay) làm Giám đốc Vietinbank chi nhánh Hà Nội.

Trước việc kinh doanh ảm đạm, chồng chất khó khăn (một phần nguyên nhân khách quan do đại dịch Covid-19) của “con nợ” Công ty Đèo Cả, liệu lãnh đạo Vietinbank có cảm thấy bất an?

nh 2.
Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (ảnh: vhdn.vn)

Nợ xấu tăng “chóng mặt” lên cả nghìn tỷ đồng

Liên tiếp trong 6 quý của năm 2018 - 2019 và 2 quý gần đây, các Báo cáo tài chính mà Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) công bố cho thấy nợ xấu liên tục duy trì mức tăng chóng mặt lên tới hàng nghìn tỉ đồng chỉ sau một quý.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I và quý II/2018 được VietinBank công bố, tổng nợ xấu của Ngân hàng này tăng mạnh từ 9.011 tỉ đồng thời điểm cuối năm 2017 lên 10.295,5 tỉ đồng vào cuối quý I/2018 và tiếp tục leo thang lên đỉnh mới 11.227,7 tỉ đồng vào thời điểm ngày 30/6/2018.

Nợ xấu của VietinBank ghi nhận trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý III và quý IV/2018 tiếp tục tăng lên 12.127,1 tỉ đồng và chạm mốc 13.517,5 tỉ đồng vào thời điểm cuối năm 2018. Như vậy, chỉ trong vòng vỏn vẹn một năm, tổng số nợ xấu của Vietinbank tăng thêm tới hơn 4.506,5 tỉ đồng và tương đương mức tăng tới trên 50% so với thời điểm đầu năm.

nh 1.
Vietinbank đang có dư nợ “khủng” tại Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả

Bước sang năm 2019, tổng số dư nợ xấu của VietinBank thực sự phồng to và tăng lên mức kỷ lục 15.962,2 tỉ đồng trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 mà Ngân hàng này công bố. Dù có mức giảm nhẹ trong các tháng sau, con số nợ xấu mà VietinBank công bố tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 lại tiếp tục tăng thêm hơn 1.056,3 tỉ đồng so với thời điểm giữa năm 2019.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 mà VietinBank công bố ghi nhận dư nợ có khả năng mất vốn tại Ngân hàng này cũng tiếp tục tăng thêm 1.483,3 tỉ đồng so với con số được cập nhật trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, lên mức 8.831 tỉ đồng. Theo đó, so với con số tổng nợ xấu tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 là 14.065,7 tỉ đồng, dư nợ có khả năng mất vốn vẫn chiếm đến 62,7%.

Tại báo cáo tài chính quý I/2020, tuy số nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh từ hơn 7 ngàn tỷ đồng về mức 4,6 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên “nợ dưới tiêu chuẩn” (nằm trong nhóm “nợ xấu”) lại tăng lên khủng khiếp, từ 2 ngàn tỷ đồng (cuối năm 2019) lên mức 9,7 ngàn tỷ đồng (ngày 31/3/2020). Kết thúc báo cáo tài chính quý 1/2020, tổng “nợ xấu” nội bảng mà Vietinbank là 16,9 ngàn tỷ đồng.

Chưa kể khoản nợ xấu ngoại bảng tại VAMC của Vietinbank được cho là lên tới hơn 40 ngàn tỉ đồng.

Nhóm PV