(NĐ&ĐS) - Một diện tích lớn rừng nguyên sinh thuộc Lâm trường Trường Sơn, tỉnh Quảng Bình bị đốn hạ để trồng keo, tràm. Đáng nói, nhiều cây gỗ quý, có giá trị cao mới bị lâm tặc đốn hạ, mang ra khỏi rừng chỉ còn trơ gốc.

Từ nguồn tin riêng, về việc các cánh rừng nguyên sinh thuộc khu vực Xã Biên, thuộc đội 11, Lâm trường Trường Sơn bị “tàn sát”, sau nhiều ngày theo dõi, PV đã len lỏi vào hiện trường và chứng kiến cảnh tan hoang, trơ trọi của cánh rừng từng được mệnh danh “đại ngàn Trường Sơn”.

Để có thể vào được tận hiện trường, PV phải hóa thân thành những công nhân trồng keo, tràm và xuất phát trong đêm tối. Từ đường mòn Hồ Chí Minh tây, mất gần 4 tiếng đồng hồ di chuyển bằng cả xe máy và đi bộ, vượt qua 9 ngầm nước chảy xiết, PV có mặt tại khu vực Xã Biên, thuộc đội 11, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (thuộc Lâm trường Trường Sơn).

Khi mặt trời vừa hé qua cánh rừng tràm, cũng là lúc sự thật bên trong nơi mệnh danh “đại ngàn Trường Sơn” được phơi bày.

A1
Các cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá, chỉ còn trơ gốc.

Trước mắt PV là quang cảnh trơ trọi. Các cánh rừng không còn mà thay vào đó là những khoảnh đồi trọc, trống trơn sau khi keo, tràm đã bị khai thác. Ngoài diện tích đã canh tác keo, tràm trước đó, nhiều ngọn đồi nguyên sinh vừa bị cạo trọc, đốt nham nhở, ngun ngút khói.

Theo ghi nhận của PV, tại khu vực Xã Biên có nhiều hơn 5 khoảnh rừng nguyên sinh với diện tích lên đến hàng chục hecta mới bị triệt hạ. Tại đây, các con đường đất đỏ rộng tầm 3m được mở, kéo dài tới những vị trí rừng mới bị tàn phá và chạy sát bìa rừng nguyên sinh đang sống sót.

Sau nhiều giờ đồng hồ đi bộ dọc ranh giới với diện tích rừng tự nhiên, PV ghi nhận có nhiều lối nhỏ được mở xuyên vào, có dấu hiệu kéo gỗ.

A2 (2)
Các lối mòn được mở xuyên thẳng vào cánh rừng già phía trong để khai thác gỗ trái phép

Đi sâu vào bên trong, đúng như dự đoán của chúng tôi, nhiều cây gỗ lớn, có đường kính trên dưới 1m đã bị lâm tặc đốn hạ. Trong đó, tại một số vị trí gỗ đã được cưa thành từng khúc mang ra bên ngoài, tại các vị trí khác nhiều cây gỗ lớn đã được hạ nằm ngổn ngang nhưng chưa kịp mang đi. Gỗ bị khai thác chủ yếu là loại gỗ có giá trị như Lim, Táu... 

Tại một vị trí khác, PV tiếp tục ghi nhận cách bìa rừng tràm vừa khai thác chừng 200 mét, có đến chục cây gỗ lớn vừa bị đốn hạ và lấy đi. Sau khi chặt hạ cây, lâm tặc đã dùng xăng tưới lên và đốt gốc nhằm phi tang. Phía trong cánh rừng xanh tốt, tiếng máy cưa vẫn gầm rú và tiếng cây đổ ầm ầm làm náo động cả khu vực.

A3 (2)
Con đường được chèn "con lăn" để thuận tiện vận chuyển gỗ về điểm tập kết

Quan sát chúng tôi dễ dàng nhận ra số gỗ chỉ mới bị triệt hạ cách đây không lâu. Lâm tặc lợi dụng việc khai thác keo tràm để khai thác gỗ tự nhiên. Dọc tuyến đường cho xe vào vận chuyển keo tràm sát bìa rừng có nhiều lối mòn được mở và sâu bên trong luôn có cây gỗ lớn bị đốn hạ, mang đi.

Một người thợ khai thác keo tràm tiết lộ, hầu như ở các vị trí khai thác keo tràm và phá rừng tự nhiên, sâu bên trong luôn có các cây gỗ lớn bị khai thác trái phép. Gỗ sau khi được cưa thành hộp sẽ được giấu kĩ bên trong xe keo tràm để vận chuyển ra bên ngoài.

A4
Một cây gỗ có đường kính gần 1m bị đốn hạ.

Đáng nói, để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng chỉ có một con đường độc đạo. Trên con đường này tại điểm giao nhau với đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây có một chốt bảo vệ rừng. Cũng trên tuyến đường vận chuyển gỗ về xuôi, lâm tặc phải lọt qua nhiều chốt bảo vệ rừng, kiểm lâm và cả các chốt Biên Phòng.

Để xảy ra “thảm trạng” này, trách nhiệm thuộc về ai, lực lượng nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh.

Thêm một số hình ảnh PV ghi được về cánh rừng Trường Sơn tại Quảng Bình bị tàn phá:

A5
Gỗ được cưa thành hộp mang đi, chỉ còn lại bìa và ngọn.
A6
Một cây gỗ đã bị cưa nhưng chưa kịp mang đi.
A7
Sau khi lấy gỗ có giá trị, lâm tặc sẽ tưới xăng lên gốc để đốt phi tang
PV