(NĐ&ĐS) - Nghề báo là nghề nguy hiểm, mọi kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy chưa bao giờ là đủ. Rủi ro luôn có thể xảy đến bất cứ lúc nào và không lường trước hết được. Tuy nhiên, nghề báo luôn tạo sự hứng thú, những trải nghiệm và say mê thực sự.

PV Hoàng Thị Niềm – Báo Tuyên Quang: Mỗi ngày với tôi là một trải nghiệm

Trong suốt 10 năm công tác, với tôi nghề báo luôn tạo sự hứng thú, say mê thực sự. Đây là nghề không bó hẹp ở môi trường làm việc cố định, không lặp đi lặp lại một việc có thể nhàm chán, nghề báo phá vỡ những khuôn khổ ấy. Vậy nên, mỗi ngày với tôi là một trải nghiệm, những chuyến đi, đề tài mới và gặp gỡ các nhân vật không trùng lặp. Qua mỗi chuyến đi, tôi và các đồng nghiệp có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Và sau những cảm xúc ấy, những người làm nghề như chúng tôi lại có dịp nhìn lại mình và rút ra những bài học kinh nghiệm trong nghề và cuộc sống. 

Mỗi chuyến đi công tác, được gặp gỡ, trò chuyện, trải nghiệm và lắng nghe những nhân vật của mình bộc bạch, được hòa mình với niềm vui, nỗi buồn của các nhân vật đã trở thành những cảm xúc không thể nào quên. Đó là kỷ niệm về những lần đi cơ sở tìm hiểu, viết bài về đối tượng hoàn cảnh khó khăn. Tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy một cô gái bị ảnh hưởng chất độc da cam, ngồi trên xe lăn, tay chân không cử động được, đầu nghẹo về một bên.

anh 3
PV Hoàng Niềm khi tác nghiệp

Thế nhưng chị có một nghị lực phi thường, chị tự tập viết bằng 2 ngón chân, thêu thùa, đan lát và cả học tiếng anh… Cảm phục trước con người nhỏ bé ấy, tôi xin số điện thoại của chị ngày ngày tôi và chị nhắn tin tâm sự, chia sẻ cho nhau những câu chuyện của cuộc sống. Chúng tôi trở thành người bạn thân thiết từ đó. Hay đó là những kỷ niệm khi nhìn thấy niềm vui của những cụ già dân tộc thiểu số nghèo nhận những phần quà do các tình nguyện viên Chữ thập đỏ mang tặng; hay đó là kỷ niệm vui khi cùng các thành viên đến với các hộ nghèo, cùng họ ngồi trong căn nhà mới khang trang do các đơn vị, nhà hảo tâm tài trợ. Gương mặt ai nấy đều ánh lên niềm vui, hạnh phúc…

anh 2

Đi cơ sở, lăn lộn với thực tế để thu thập số liệu, khai thác thông tin đã vất vả và không ít nguy hiểm, nhưng áp lực làm tin, nộp bài đúng kỳ, đúng ngày giờ cũng đòi hỏi các phóng viên phải nỗ lực rất nhiều. Áp lực về thời gian và chất lượng tác phẩm là áp lực phổ biến nhất mà bất kỳ phóng viên nào cũng phải nỗ lực thực hiện.

Nghề báo gian nan, nguy hiểm và vất vả nhưng tôi yêu nghề báo - Đó cũng là niềm tự hào mà tôi đã chọn.

“Phóng viên ở Văn phòng đại diện cần chủ động và sáng tạo trong cách làm”

Đó là chia sẻ của nhà báo Lê Huy Tưởng - Trưởng văn phòng đại diện Báo Thanh Tra khu vực miền Trung Tây Nguyên có trụ sở đặt tại TP.Thanh Hóa.

Hơn 11 năm làm việc tại Văn phòng Đại diện Báo Thanh Tra (cơ quan ngôn luận của Thanh Tra Chính phủ và ngành Thanh tra), nhà báo Lê Huy Tưởng đã cùng các cán bộ, phóng viên trong Văn phòng đại diện khu vực miền Trung Tây Nguyên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển, vững mạnh của Báo Thanh Tra, được bạn đọc xa gần đặc biệt tin tưởng, được các đồng nghiệp quý trọng.

anh 1
Nhà báo Lê Huy Tưởng (bên trái) trong chuyến công tác cùng đồng nghiệp.

“Do đặc thù của phóng viên văn phòng đại diện, phóng viên thường trú là xa Tòa soạn, làm việc độc lập nên chủ động, sáng tạo thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cũng là tạo được cho mình một chỗ đứng trong “làng báo”. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là: phải giỏi chuyên môn và giữ cho mình lòng yêu nghề, say nghề để vượt qua mọi khó khăn, vượt qua cám dỗ nghề nghiệp mà vững ý chí, chắc ngòi bút”, nhà báo Lê Huy Tưởng chia sẻ.

Nói về những thuận lợi và khó khăn trong công việc, nhà báo Tưởng tâm sự: “Để đạt được kết quả hôm nay, anh chị em trong văn phòng đại diện Báo Thanh tra cũng đã trải qua một chặng đường vô cùng gian nan, vất vả. May mắn rằng chúng tôi đặt trụ sở tại Thanh Hóa, được tỉnh, Thành phố quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ nên cũng sớm ổn định được nơi làm việc. Khi tác nghiệp tại cơ sở, chúng tôi cũng được các cấp, các ngành phối hợp, hỗ trợ để kịp thời đưa thông tin chính xác đến bạn đọc. Chúng tôi vô cùng trân trọng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khi tìm hiểu thông tin để viết bài điều tra chống tiêu cực. Đây là mảng “vừa khó, vừa khổ” vì việc điều tra, thu thập tài liệu đòi hỏi phóng viên phải giỏi chuyên môn, hiểu kiến thức pháp luật, có nhiều mối quan hệ và thật sáng tạo, khôn khéo, vững vàng vượt qua những cám dỗ vật chất để hoàn thành nhiệm vụ.”

Những thuận lợi, khó khăn mà nhà báo Lê Huy Tưởng chia sẻ cũng chính là khó khăn chung của các phóng viên Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động xa Tòa soạn. Vì vậy, sự chủ động, sáng tạo và ứng xử khôn khéo sẽ quyết định sự thành hay bại đối với công việc, với nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, sự nhạy bén của người phóng viên khi ra thực tế để phát hiện vấn đề, phát hiện đề tài cũng đóng một vai trò quan trọng, quyết định tính thời sự, tính hấp dẫn của bài viết đối với bạn đọc. Tất cả các phóng viên Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú hoạt động cũng đều vì mục tiêu chung: Vì sự phát triển của Tòa soạn, vì sự tiến bộ của toàn xã hội.

Tâm Ánh - Minh Tâm