(NĐ&ĐS) – Theo phản ánh của phụ huynh học sinh thì những suất ăn bán trú của học sinh rất ít thức ăn, có dấu hiệu bị "ăn bớt"... Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận những suất ăn này không đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng...
Liên quan đến suất ăn bán trú của học sinh có dấu hiệu bị bớt xén, trao đổi với PV, phụ huynh T.V.H bức xúc cho biết: "Việc suất ăn bán trú có “vấn đề” đã diễn ra từ lâu rồi, và chúng tôi đã ý kiến nhiều lần với ban giám hiệu nhà trường nhưng họ không thay đổi. Điều này khiến chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của con em mình".
Cũng theo vị phụ huynh này, do quá bức xúc nên vào ngày 2/6/2020, khi đến giờ ăn của các con, một số phụ huynh đã vào lớp học để ghi lại hình ảnh suất ăn bán trú của nhà trường. Chứng kiến bữa ăn quá đạm bạc, thiếu thức ăn của các con nhiều phụ huynh đã phải rơi nước mắt vì thương con em mình, và càng bức xúc với lãnh đạo nhà trường.
Khi cho chúng tôi xem hình ảnh về bữa ăn bán trú của các con, một phụ huynh buồn rầu nói: "Đây. Chú (phóng viên) xem suất ăn chỉ có vỏn vẹn 2-3 miếng thịt mỡ kho, một ít bí đỏ xào và không một giọt canh, rau thế này thì học sinh lớp 1 - 2 ăn làm sao được. Suất ăn này không thể đảm bảo dinh dưỡng để phát triển thể chất, đảm bảo sức khỏe cho các cháu tham gia học tập, vui chơi được".
Cũng theo vị phụ huynh này, với mỗi suất ăn trên của lớp 1 và lớp 2, nhà trường thu của phụ huynh 11.500 đồng/1 suất ăn, so với thực tế khẩu phần ăn như vậy, nhiều phụ huynh cho rằng suất ăn này không đảm bảo chất dinh dưỡng, và không tương xứng với số tiền mà họ đóng góp theo giá cả thị trường.
Chứng kiến bữa ăn “ít thức ăn” của học sinh, nhiều phụ huyn rất bức xúc, nên đã ký đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng huyện Thái Thụy và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình để xem xét, kiểm tra sự việc trên.
Để rộng đường dư luận, PV nhandaovadoisong.vn đã có buổi làm việc với bà Giang Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền. Tại buổi làm việc, vị hiệu trưởng này thừa nhận những hình ảnh về học sinh và suất ăn bán trú mà PV cung cấp là của nhà trường.
Trả lời câu hỏi của PV, đối với những suất ăn trên có đảm được dinh dưỡng và có đúng với giá trị mà phụ huynh đóng góp? Bà Lan Anh thừa nhận sai sót: "Nếu nhìn vào hình ảnh những suất ăn trên thì không đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh, để xảy ra sự việc này là do nhà trường giám sát chưa chặt chẽ (?!)".
Theo tìm hiểu, Trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền có tổng số hơn 1.000 học sinh, trong đó có hơn 900 học sinh đăng ký ăn bán trú tại nhà trường. Để phục vụ bữa ăn bán trú cho những học sinh này, từ năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền đã ký hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú với Công ty TNHH TM&DV Xuất nhập khẩu Nhật Anh (Công ty Nhật Anh) có địa chỉ tại: phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội. Hình thức ký hợp đồng là do thỏa thuận giữa hai bên, chứ không thông qua đấu thầu.
Theo tài liệu thể hiện, để cung cấp nguồn thực phẩm hàng ngày cho bếp ăn của nhà trường, Công ty Nhật Anh đã ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với một số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn Thành phố Thái Bình, đây là một điều hết sức lạ lùng. Bởi lẽ, khoảng cách từ Thành phố Thái Bình đến Thị trấn Diêm Điền vào khoảng 35km, vì vậy việc vận chuyển số thực phẩm này sẽ phải “cõng” thêm chi phí vận chuyển, và chắc chắn sẽ bị "đội giá" so với giá nhập thực phẩm tại địa bàn huyện Thái Thụy.
Mặt khác, Thái Thụy là huyện ven biển, thuần nông nghiệp nên nguồn thực phẩm như: thịt, tôm, cá và rau sạch rất phong phú, nơi đây còn là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm không chỉ cho địa phương mà còn cung cấp cho cả thành phố và các địa phương lân cận. Vậy nguyên nhân nào mà Công ty Nhật Anh và Trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền lại chọn cách “chở củi về rừng” để “buôn ngược” nguồn thực phẩm trên?
Trả lời thắc mắc trên của chúng tôi, bà Lan Anh nói: Sau khi ký hợp đồng, do Công ty Nhật Anh không thuộc địa bàn và không khảo sát kỹ thị trường nên họ lấy trên thành phố, đây cũng là thiếu sót của nhà trường.
Thật khó mà hiểu và chia sẻ được những thiếu sót như lời bà hiệu trưởng nói ở đây là gì, khi mà Công ty Nhật Anh đã thực hiện hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú cho nhà trường 2 năm qua, mà những "thiếu sót" trên vẫn tồn tại (?!).
Ở một diễn biến khác, liên quan đến giá trị suất ăn bán trú mà phụ huynh học sinh lớp 1, 2 phải đóng góp là 11.500 đồng/1 suất; và 13.500 đồng/1 suất đối với học sinh các lớp 3,4,5. Tuy nhiên, thực tế giá trị đóng góp mỗi suất ăn trên có thể sẽ còn cao hơn, bởi theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa nhà trường với Công ty Nhật Anh, thì nhà trường phải chi trả toàn bộ tiền lương cho 12 nhân viên (cô nuôi cũ của nhà trường – PV) phục vụ bếp ăn là: 3.000.000 đồng/tháng/nhân viên. Điều đáng nói là nguồn tiền này nhà trường lại thu từ phụ huynh?
Như vậy, tổng số tiền lương 36.000.000 đồng nêu trên sẽ phải tính vào chi phí cho mỗi suất ăn của học sinh, nên giá trị thực mỗi suất ăn của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Diêm Diền không chỉ là 11.500 đồng hay 13.500 đồng như nêu trên.
Đến đây, dư luận có quyền đặt nghi vấn về dấu hiệu bớt xén, “đội giá” suất ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền để trục lợi, và nếu đúng vậy thì số tiền này đã và đang chảy vào túi ai? Những thắc mắc này chúng tôi xin gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, đặc biệt là các cấp lãnh đạo của huyện Thái Thụy để tìm câu trả lời.
Ở một diễn biến khác, ngoài việc phản ánh việc suất ăn bán trú có dấu hiệu bị cắt xén, thì Trường Tiểu học thị trấn Diêm Diền còn bị phản ánh về nhiều sai phạm liên quan đến: vệ sinh môi trường; hệ thống camera giám sát, và những khoản thu chi không đúng quy định,...
Những nội dung này sẽ được chúng tôi thông tin đến bạn đọc trong bài báo sau.
Ý kiến bạn đọc