(NĐ&ĐS) - Mùa hè năm nay, thay vì nghỉ dưỡng ven biển hay thăm quan các điểm du lịch, nhiều gia đình, nhóm bạn lại tìm đến các vùng ngoại ô – nơi có không gian xanh - sạch để “trốn” sự ngột ngạt và ô nhiễm trong thành phố.
“Ngôi nhà xanh” ven đô
Vài năm trở lại đây, nhịp sống tại các thành phố lớn mang đến cho người dân tại các thành phố lớn nhiều giá trị vật chất nhưng lại ồn ào, không khí ngày càng ô nhiễm, hàm lượng khói bụi cao khiến ai cũng lo sợ về sức khỏe của bản thân và gia đình mình.
Bởi vậy, thay vì sống trong những căn nhà mặt phố, nhiều người lại tìm một ngôi nhà xanh – một nơi yên bình, không gian sạch, tươi mát và trong lành. Những ngôi nhà xanh này thường nằm biệt lập tại các vùng ven đô.
Anh Bùi Minh Hải, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, cho biết, cơ quan anh và vợ anh đều ở khu vực Trung Hòa nên vợ chồng anh đã quyết định mua một thửa đất rộng gần 5000m2 rồi xây nhà, trồng cây xung quanh, tạo cảnh quan và không gian xanh cho cả gia đình.
Theo anh Hải, hàng ngày vợ chồng anh chỉ mất chưa đầy 40 phút từ nhà đến cơ quan. Trong khi anh cảm thấy người rất khỏe khoắn, dễ chịu sau mỗi ngày làm việc căng thẳng và làm việc tại cơ quan.
Đồng quan điểm, chị Hoàng Vân, ở khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ, với những gia đình có con nhỏ, ngại di chuyển xa, việc nghỉ dưỡng cuối tuần tại biệt thự ở không quá xa trung tâm thành phố sẽ là sự lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, khu biệt thự phải có không gian thực sự rộng rãi, thoáng mát, yên bình, kiến trúc - nội thất và dịch vụ phải hoàn hảo.
Thực tế, những năm trước đây, nhiều người dân có điều kiện ở các thành phố lớn đã tìm về những vùng ven để tậu trang trại ven đô như một căn nhà thứ hai. Họ xây dựng trang trại, trồng rau, nuôi cá để mỗi dịp cuối tuần lại rủ thêm gia đình, bạn bè, người thân rời bỏ Thủ đô náo nhiệt về trang trại cùng trồng rau, câu cá vui thú điền viên.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, phong trào sắm trang trại tại các vùng ven đô trở nên thưa thớt và không còn cuốn hút người dân. Một phần vì những người mua thời đó tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe đi lại tới các trang trại nữa. Phần khác vì do ở xa, trừ những người có người nhà, người quen ở gần trang trại thường xuyên chăm sóc, dọn dẹp, thì những người khác cũng “ngại” khi để khối tài sản của mình “bơ vơ” ở đó mà không có ai trông nom. Mỗi lần về nhà lại vất vả lau dọn nhà cửa kiểu như "hành xác”, chả có thời gian nghỉ ngơi.
Có thể thấy, nhu cầu về biệt thự nghỉ dưỡng ven đô để hưởng không gian xanh nhưng vẫn phải đảm bảo những tiện ích, dịch vụ, giúp người dân thực sự thư giãn sau một tuần làm việc mệt mỏi đang khá “hot”. Thị trường biệt thự nghỉ dưỡng ven đô dường như rất tiềm năng, thu hút sự quan tâm của khá nhiều người dân muốn sinh sống, thư giãn trong môi trường và không gian xanh – sạch – đẹp.
Cầu nối giữa biệt thự và du lịch ven đô
Hiện nay, du lịch ven đô đang trở thành nhu cầu cần thiết của xã hội, đặc biệt là đối với người dân tại các thành phố, đô thị lớn. Họ có nhu cầu nghỉ dưỡng ngắn ngày tại những nơi không quá xa, không quá đắt để xả stress, nghỉ ngơi, thư giãn cũng như sinh hoạt tập thể.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc công ty cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô chia sẻ, thị trường nghỉ dưỡng ngoại ô rất tiềm năng và đang tăng trưởng mạnh trong một vài năm trở lại đây. Nó đóng vai trò “chia lửa” với thị trường nội đô vốn đang dần trở nên quá tải.
Theo ông Trung, nguồn cầu đối với thị trường này là vô cùng lớn, nó đến từ nhóm cư dân di chuyển từ nội đô, các vùng lân cận và khách quốc tế. Hiện mỗi năm có khoảng 4,5 triệu người sinh sống trong nội đô có nhu cầu đi nghỉ dưỡng ven đô, ước tính mỗi người sẽ đi nghỉ dưỡng ít nhất 5 – 6 lần/năm. Như vậy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô đã có nguồn khách lên tới 25 – 30 triệu lượt/năm.
Đáng nói, chi phí đi nghỉ dưỡng tại khu vực ngoại ô lại khá thấp, phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Ví dụ như một resort có 3 phòng ngủ, cộng các chi phí sinh hoạt, nếu chia ra thì chỉ hết 1 triệu đồng/người/ngày. Tính ra nó chỉ bằng tiền vé máy bay để người ta đi vào Đà Nẵng, thậm chí còn không bằng. Mức này nhiều người chi trả được. Và nó sẽ tác động ngược lại thị trường theo hướng khiến số đối tượng đi nhiều hơn, số lần đi cũng tăng thêm”.
Trong khi nguồn cầu khá lớn thì nguồn cung tại phân khúc thị trường này lại khá hạn chế, nói chính xác hơn là cực yếu. Minh chứng là các vùng xung quanh Hà Nội, từ Ninh Bình đến Mai Châu hiện chưa có đến 1.600 phòng resort cho mấy chục triệu lượt khách. Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư hướng tới.
Bên cạnh đó, thị trường ngoại ô lại có một ưu thế khá quan trọng do dễ tiếp cận hơn nhờ sự rút ngắn khoảng cách từ việc được đầu tư, mở rộng hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng. Ví dụ hệ thống hạ tầng giao thông tại Hòa Lạc, Ba Vì (Hà Nội) hay Lương Sơn, Kỳ Sơn (Hòa Bình) hiện nay khá thuận lợi, việc di chuyển chỉ còn khoảng một giờ chạy xe.
Thêm vào đó, khu ngoại ô Hà Nội có những lợi thế tuyệt vời để phát triển nghỉ dưỡng như: thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đậm đà, con người thân thiện và ẩm thực phong phú. Nếu phát triển thêm dịch vụ mua sắm thì vùng ngoại ô sẽ càng thêm sôi động.
Với những tiềm năng có một không hai nói trên, ông Trung nhận định thị trường bất động sản ngoại ô sẽ luôn tăng trưởng tốt, bất chấp nền kinh tế biến động thế nào. Bởi theo ông Trung, khi kinh tế đi xuống, những người từng chi trả số tiền lớn để du lịch xa sẽ mất khả năng chi trả và tự động quay về với du lịch ven đô.
Ông Trung cho rằng, sự vào cuộc của các cấp quản lý, doanh nghiệp cũng như người dân trong việc phát triển du lịch – nghỉ dưỡng ven đô cũng là một yếu tố giúp thị trường này có cơ hội phát triển và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.
So với các biệt thự nghỉ dưỡng ven biển như ở Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc,…, thì biệt thự nghỉ dưỡng ở vùng ven các thành phố lớn có ưu thế hơn nhiều về khoảng cách địa lý cũng như tính kinh tế và hiệu năng sử dụng.
Bên cạnh đó, so với các biệt thự nghỉ dưỡng ở thành phố, vùng ven còn có thế mạnh không thể mua được bằng tiền đó là môi trường và không gian, là cơ sở để các chủ đầu tư theo đuổi xu hướng đô thị đạt chuẩn xanh thịnh hành của thời cuộc.
Chị Thịnh, nhân viên du lịch Công ty Zen Việt Nam, cho biết: Sự tiềm năng của thị trường biệt thự nghỉ dưỡng ven đô đã thu hút được khá nhiều đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý khu nghỉ dưỡng. Họ dựa vào thông tin khách hàng muốn có biệt thự nghỉ dưỡng, rồi giúp khách hàng tìm và hướng nhiều người cùng mua trong một khu và xây dựng theo cùng một mẫu đồng bộ, tạo nên tổng thể nhiều ngôi nhà giống nhau như một khu resort cao cấp. Các gia đình cùng ký vào thỏa thuận về nếp sinh hoạt nghỉ dưỡng văn hóa. Chẳng hạn như khu nghỉ dưỡng Sunset tại Lương Sơn, Hòa Bình đang được ngày càng nhiều người quan tâm, mua thêm bên cạnh các biệt thự đã xây để tham gia vào cộng đồng nghỉ dưỡng đồng bộ và rất văn minh này.
Thực tế, xu hướng mua nhà nghỉ dưỡng rồi giao lại cho một đơn vị quản lý, vận hành đang khá phát triển tại Việt Nam. Nó vừa giúp cho các nhà đầu tư có một ngôi nhà xanh – một nơi yên bình, không gian sạch, tươi mát và trong lành để nghỉ dưỡng, vừa được trông nom, chăm sóc tốt và cho thuê lại để tạo nguồn thu và lợi ích cho cộng đồng.
Ý kiến bạn đọc