(NĐ&ĐS) – Thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế hỗ trợ thực hiện Dự án “Cứu trợ khẩn cấp hạn hán và xâm nhập mặn” từ 24/01 đến 31/7/2020, tại 5 tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang với tổng kinh phí là 6,33 tỷ đồng, trong đó, 33.157 người được hưởng lợi từ dự án.
Với 13 tỉnh, thành phố, Đồng bằng sông Cửu Long có tổng dân số 19 triệu người, chiếm 21% dân số quốc gia, là trung tâm sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và trái cây lớn nhất tại Việt Nam. Sản xuất lúa gạo của khu vực chiếm 50% của cả nước. Khu vực này sản xuất hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu và hơn 60% sản lượng hải sản của đất nước. Cây ăn quả giữ một vị trí quan trọng trong khu vực nói riêng và ở Việt Nam nói chung. GDP của đồng bằng sông Cửu Long tính đến tháng 6 năm 2019 là 7,8%.
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có 10/13 tỉnh/thành với 74/137 huyện bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Hơn 685.000 người tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, với ước tính thiệt hại từ khoảng 460.000 ha và 200.000 hộ gia đình thiếu nước trong sinh hoạt.
Những ảnh hưởng và thiệt hại đã được Chính phủ cũng đã hỗ trợ, cụ thể 530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (gồm Bến Tre 70 tỷ đồng, Long An 70 tỷ đồng, Tiền Giang 70 tỷ đồng, Cà Mau 70 tỷ đồng, Kiên Giang 70 tỷ đồng, Sóc Trăng 60 tỷ đồng, Trà Vinh 60 tỷ đồng, Bạc Liêu 60 tỷ đồng) để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như: Bơm nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.
Đối với chính quyền các cấp đã chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên như: Quan trắc độ mặn, liên tục kiểm tra nguồn nước; Nạo vét hệ thống kênh mương làm tăng khả năng trữ ngọt vào mùa khô; duy tu, nâng cấp hệ thống cống, bọng để chủ động khắc phục, hạn chế rò rỉ, xâm nhập mặn; xây dựng đập thép, trạm bơm; Hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho những khu vực dân cư sống phân tán.
Trước những khó khăn, thách thức trên, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã chỉ đạo các tỉnh Hội tích cực nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và vận động các nhà tài trợ hỗ trợ nước, dụng cụ chứa nước để hỗ trợ kịp thời đến người dân. Đồng thời Trung ương cũng đã báo cáo, đề xuất Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế hỗ trợ thực hiện Dự án “Cứu trợ khẩn cấp hạn hán và xâm nhập mặn” tại 5 tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang với tổng kinh phí là 6,33 tỷ đồng (Giai đoạn 1 tại 3 tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, kinh phí: 2,6 tỷ đồng và giai đoạn 2 bổ sung thêm 2 tỉnh Cà Mau, Kiên giang với kinh phí là 3,46 tỷ đồng).
Với mục đích góp phần hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang sớm ổn định cuộc sống, sau gần gần 5 tháng triển khai dự án từ 24/01đến 31/7/2020 (giai đoạn 01 từ 24/01-30/4/2020; giai đoạn 02 từ tháng 6-7/2020) đã có 33.157 người hưởng lợi từ dự án (nữ 17.199); trong đó 6.000 hộ nhận can nhựa loại 20 lít để chứa nước; 3.843 hộ được nhận tiền mặt để phục hồi sinh kế; 7.244 lượt người lấy 367.606 lít nước thông qua vận hành 12 máy lọc nước; tổ chức 97 buổi, sự kiện truyền thông cho 3.453 người được truyền thông về nước sạch vệ sinh và phòng chống dịch bệnh với 28.369 băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi và hàng ngàn người được truyền thông về các hoạt động dự án qua các tin trên đài truyền hình, báo chí,….
Theo ông Trần Sĩ Pha – Quyền Giám đốc Trung tâm phòng ngừa ứng phó thảm hoạ khu vực miền Trung, Phó Trưởng ban Quản lý thảm họa Trung ương Hội, Giám đốc Dự án, việc lựa chọn địa bàn thực hiện dự án, Ban điều hành dự án đã căn cứ vào báo cáo của Tổng cục phòng chống thiên tai về thiệt hại, tác động do hạn hán và xâm nhập mặn xẩy ra tại 10/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; căn cứ báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh và tình trạng hộ nghèo, cận nghèo; báo cáo thiệt hại và nhu cầu của các tỉnh Hội. Trung ương Hội và các tỉnh đã lựa 16 xã (12 xã giai đoạn 1 và bổ sung 4 xã giai đoạn 2), 6 huyện (4 huyện giai đoạn 1 và 2 huyện giai đoạn 2).
Đối tượng hưởng lợi dự án, theo tiêu chí bắt buộc là các gia đình bị ảnh hưởng hạn hán xâm nhập mặn: Thứ nhất, các hộ thiệt hại về sinh kế (không thu hoạch được lúa, hoa màu, xuống giống lúa bị chết; không thu hoạch được ao, đầm nuôi thủy sản, gia súc bị chết); Thứ hai là những người mất việc làm (người đi làm thuê tại ruộng đồng, ao nuôi trồng thủy hải sản nhưng nay không thể đi làm được do ngừng sản xuất.
Tiêu chí ưu tiên để lựa chọn đối tượng hưởng lợi dự án gồm: Tình trạng nghèo đói (Hộ nghèo/Hộ cận nghèo); Chưa nhận được hỗ trợ hoặc nhận được ít hỗ trợ; Không có nhân lực lao động; Có người khuyết tật; Nữ là lao động chính; Có phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú; Có người già trên 65 tuổi; Có trẻ em dưới 5 tuổi.
Các tỉnh, huyện được hưởng lợi từ dự án đã chỉ đạo, giám sát việc tổ chức 57 cuộc họp ấp để bình xét hộ hưởng lợi tại 12 xã với sự tham gia của đại diện 3.787 hộ gia đình, trưởng ấp, bí thư chi bộ ấp.
Trong quá trình triển khai dự án, Trung ương Hội đã tổ chức, giám sát tổ chức cấp nước và can nhựa tại tỉnh Bạc Liêu vào ngày 18/3/2020. Đồng thời tổ chức 5 đoàn kiểm tra giám sát công tác lựa chọn đối tượng hưởng lợi, cấp phát tiền cho hộ hưởng lợi.
Ông Trần Sĩ Pha cho biết, Dự án được triển khai giúp hỗ trợ người dân nước sạch, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, và với số tiền hỗ trợ sinh kế sẽ giúp người dân vượt qua khó khăn ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, người dân được tuyên truyền về các biện pháp rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, phòng chống dịch bệnh,....
Tuy nhiên, theo ông Trần Sĩ Pha, trong quá trình triển khai dự án cũng gặp nhiều khó khăn thách thức: Việc triển khai dự án chủ yếu thực hiện hướng dẫn qua văn bản, điện thoại, email, không có hội nghị triển khai từ giai đoạn 1 do đó các tỉnh luôn vướng mắc trong triển khai các hoạt động; Một số hoạt động xây dựng chưa phù hợp, như hoạt động tập huấn truyền thông viên và tổ chức các buổi, sự kiện truyền thông; Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do đó nhiều hoạt động phải hoãn, hủy nên không đảm bảo kế hoạch cũng như tiến độ đề ra; Một vài địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai dự án cứu trợ khẩn cấp; thực hiện trong thời gian ngắn với nhiều hoạt động và liên quan đến nhiều với người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai. Ngoài ra, sự tham gia của các cấp uỷ đảng, chính quyền của một số địa phương đối với các hoạt động của dự án chưa nhiều; công tác tham mưu của cấp Hội cơ sở chưa kịp thời nên hiệu quả của các hoạt động tại cộng đồng còn chưa cao.
Ý kiến bạn đọc