(NĐ&ĐS) - Bất bình với quyết định hành chính, bà Nguyễn Thị Lang (SN 1937), trú tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tiếp tục khởi kiện lên Tòa án Cấp cao, khởi kiện Chủ tịch UBND quận Thủ Đức ra quyết định thu hồi đất, đền bù không thỏa đáng đối với gia đình bà.
Thu hồi, đền bù cho dân bằng mức giá “rẻ mạt”
Về nguồn gốc thửa đất, năm 1963, vợ chồng bà Lang khai hoang, cải tạo thửa đất 1.400m2 để trồng khoai mì, hoa màu… và trồng nhiều cây lâu năm để mưu sinh, quá trình sử dụng có nộp thuế đầy đủ cho nhà nước.
Năm 1990, vợ chồng bà già yếu không làm được, nên đã giao lại cho con trai là anh Hồ Văn Đông tiếp tục sử dụng canh tác, trồng cây ăn quả, cây lâu năm, đồng thời chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, quá trình sử dụng không có tranh chấp gì. Do gia đình nghèo ít học, không hiểu biết pháp luật, không nắm bắt được chính sách địa phương về đăng ký quản lý đất đai nên chưa làm thủ tục quyền sử dụng đất. Trước đó, khoảng năm 2009, quận Thủ Đức có đến đo chuồng heo, đếm thống kê và chiết tính số cây trồng trên đất cho gia đình bà.
Bất ngờ, tháng 08/2015 UBND phường mời bà Lang ra họp thông báo về việc thu hồi đất. Tại nội dung Quyết định số 5600/QĐ-UBND cho biết, UBND quận Thủ Đức sẽ bồi thường 56 triệu đồng tiền cây trồng mà không bồi thường tiền đất bị thu hồi (trong đó có tiền nhà, vật liệu...) với diện tích 1.400 m2.
Không đồng tình với nội dung tại quyết định thu hồi, đền bù của UBND quận Thủ Đức, bà Lang làm đơn khiếu nại. Không để bà tiếp tục khiếu nại đòi quyền lợi cho mình, UBND quận ra ngay Quyết định số 2234/QĐ-KPHQ nói rõ, do vi phạm hành chính, buộc gia đình bà giao lại mặt bằng cho quận, và cho rằng việc không đền bù đất là do gia đình bà Lang đã chiếm dụng mảnh đất đó của nhà nước.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lang cho biết: Gia đình bà mấy đời sinh sống ổn định tại đây từ năm 1963, không hề có chuyện tranh chấp hoặc chính quyền địa phương nhắc nhở về chuyện lấn chiếm.
“Nếu thành phố, quận Thủ Đức có chính sách thu hồi đất, chúng tôi sẵn sàng giao đất theo đúng quy định và trình tự của pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi cần sự công bằng, minh bạch và yêu cầu được hỗ trợ”, bà Lang bức xúc.
Sau khi khiếu nại khắp nơi nhưng vẫn không được giải quyết, tháng 07/2016 bà Nguyễn Thị Lang nộp đơn khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM hủy các văn bản hành chính của Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, yêu cầu: Nếu tiến hành thu hồi phần diện tích đất nói trên thì phải có chính sách đền bù, bồi thường, hỗ trợ phù hợp theo các quy định của pháp luật cho gia đình bà.
Bản án có “vấn đề”?
Sau khi bà Lang khởi kiện, TAND TP.HCM đã thu thập các chứng cứ và mở phiên tòa, nhưng kết quả án tuyên đã tước đi quyền lợi chính đáng của bà. Cụ thể: Tại Bản án sơ thẩm số: 424/2019/HC-ST ngày 25/04/2019 của TAND TP.HCM tuyên: “Đình chỉ xét xử đối với các yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Lang đối với yêu cầu hủy hành vi hành chính và các quyết định, văn bản…”. Không chấp nhận yêu cầu của bà Lang buộc UBND quận Thủ Đức bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà và vật kiến trúc, công trình phụ trên đất. Không chấp nhận Kết luận giám định gỗ số: 2912/2018/ĐK, ngày 29/12/2018 của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM - Khoa Nông nghiệp.
Chấp nhận một phần Quyết định số 5600/QĐ-UBND, ngày 08/10/2016 chỉ chi trả tiền bồi thường cây trồng, hoa màu cho bà Nguyễn Thị Lang với số tiền là: 59.202.400 đồng
Không đồng tình với bản án sơ thẩm vì Hội đồng xét xử (HĐXX) đã bác yêu cầu khởi kiện, bản án thiếu thuyết phục, bỏ sót nhiều chứng cứ tình tiết quan trọng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, bà Nguyễn Thị Lang tiếp tục kháng cáo toàn bộ bản án nói trên, đề nghị Tòa án Cấp cao tại TP. HCM xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Bà Lang cho rằng: Bản án sơ thẩm số: 424/2019/HC-ST, ngày 25/04/2019 của TAND TP.HCM là không đúng, cần sửa theo hướng đúng với bản chất của sự việc, đó là: Chấp nhận đơn khởi kiện của tôi tuyên hủy các quyết định nói trên của Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, đồng thời công nhận phần đất có diện tích là 1.400,1m2 thuộc một phần thửa số 3, 9, 10 và 11 tờ bản đồ 66 (ghi chính xác diện tích đất theo tài liệu chỉnh lý ảnh năm 1990), cũng chính là một phần thửa số 3 (3.1, 3.2) thuộc tờ bản đồ 66, tại khu phố 2, phường Linh Trung, quận Thủ Đức (theo tài liệu đo đạc năm 2004) mà tôi đang sử dụng có đủ điều kiện được nhận bồi thường, hỗ trợ giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất khi bị nhà nước thu hồi phù hợp với quy định Luật Đất đai.
Luật sư Lê Tự, đoàn Luật sư TP.HCM, đại diện pháp luật hợp pháp của gia đình bà Lang nêu ra 2 nghi vấn cần được minh bạch về việc thu hồi 1.400m2 của bà Nguyễn Thị Lang.
Theo phân tích của luật sư, trong cùng khu đất bà Lang đang sinh sống còn 2 hộ gia đình khác là ông Võ Thanh Ph. và bà Nguyễn Thị Thanh V. Theo Quyết định của UBND quận, cả hai gia đình này đều được đền bù đất. Vậy tại sao gia đình bà Lang, với 1.400m2 sử dụng liên tục từ năm 1963 lại không được đền bù đất và tại sao chỉ được đền bù tiền cây (?).
Luật sư Lê Tự cũng dẫn khoản 1, khoản 5, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003: “Sử dụng đất ổn định, lâu dài, trực canh…” và khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai 2003 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất được sử dụng ổn định trước ngày 01/7/2004 và không vi phạm Luật Đất đai sẽ được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Luật sư Tự khẳng định, nếu theo quy định của Luật Đất đai, khi UBND quận Thủ Đức thu hồi đất của gia đình bà Lang sẽ phải đền bù giá trị 1.400 m2 theo quy định của pháp luật.
Sau khi bà Lang tiếp tục khởi kiện, ngày 10/05/2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM triệu tập các đương sự là bà Nguyễn Thị Lang và Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cùng các bên liên quan để tiến hành xét xử. Tại phiên xử, ông Chủ tịch UBND quận vắng mặt không có lí do, cử người đại diện đến thay thế xét xử, nhưng Tòa không chấp nhận và hoãn xét xử, yêu cầu các bên liên quan có mặt tại phiên tòa vào ngày 16/06/2020 để tiến hành xét xử theo đúng quy định.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Ý kiến bạn đọc