(NĐ&ĐS) – Chỉ cần bỏ ra một khoản cọc để tham gia đấu giá đất tại dự án Khu dân cư xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải (Thái Bình), ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá đã “tung hàng” bán ra thị trường với giá bán tăng gấp nhiều lần so với giá trúng đấu giá. Tất nhiên, lợi nhuận đưa lại sẽ rất khủng...

Để triển khai thực hiện Hợp đồng đấu giá quyền sử dụng đất số 03/HĐ-ĐG-TH ngày 26/2/2020 và Phụ lục hợp đồng số 01 ngày 18/5/2020, giữa Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải với Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt về việc tổ chức đấu giá QSDĐ, tại khu quy hoạch dân cư thôn Thanh Đông (sau đây viết tắt là Dự án), xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, ngày 10/6/2020, Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt tổ chức đấu giá công khai Dự án trên với tổng diện tích đất đưa ra đấu giá là: 34.650,8 m2, được chia thành 233 lô.

dong-lam
Dự án Khu dân cư xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đang bị “đội giá” trên trời khiến người dân địa phương bức xúc, nghi ngờ có “bàn tay” dàn xếp kết quả đấu giá.

Để tham gia đấu giá khu đất này, người tham gia phải đặt cọc trước số tiền là: 24.313.440.000 đồng. Kết quả, ông Nguyễn Huy Trung, trú tại xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là người trúng đấu giá.

Đến ngày 18/6/2020, UBND huyện Tiền Hải ban hành Quyết định số 3209/QĐ – UBND về việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá QSDĐ ở tại Dự án trên. Theo quyết định này, ông Nguyễn Huy Trung là người trúng đấu giá toàn bộ 233 lô đất trên. Tổng số tiền trúng đấu giá là: 152 tỷ đồng.

Đáng nói, ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá (ngày 10/6), thì các sàn bất động sản, môi giới BĐS tại Thái Bình đã đồng loạt “tung hàng” ra là Hợp đồng đặt cọc mua bán, giữ chỗ đối với các lô đất trên. Theo ông Bùi Đức Phàn – Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải, thì việc nhận cọc mua bán, giữ chỗ (nếu có) tại dự án trên là không đúng quy định pháp luật, bởi người trúng đấu giá chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước, cũng như chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ thì không được làm việc đó (mua bán – PV).

Theo tài liệu mà PV nhandaovadoisong.vn thu thập được, cho thấy, ngày 01/7/2020, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp Thái Bình mới ra Thông báo số 310/TB-BQLKKT về việc nộp tiền sử dụng đất đối với 233 lô đất trên. Thời hạn nộp là không quá 30 ngày kể từ ngày ký Thông báo này. Và đến nay khu đấy này vẫn chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Thái Bình cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

Vì vậy, việc ông Nguyễn Huy Trung thực hiện ký Hợp đồng đặt cọc và thu số tiền hàng trăm triệu đồng, để mua bán những lô đất trên là hoàn toàn không đúng quy định pháp luật hiện hành. Việc này rất cần các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Thái Bình, đặc biệt là Công an tỉnh Thái Bình vào cuộc làm rõ việc mua bán đất "bất thường" trên.

e6cc69d063479e19c756
Hợp đồng đặt cọc mua bán lô đất trái phép tại Dự án khu dân cư xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải (được cho là của ông Nguyễn Huy Trung, người trúng đấu giá toàn bộ Dự án)

Về việc này, có thể thấy người trúng đấu giá QSDĐ của Dự án trên, chỉ phải bỏ ra số tiền đặt cọc là: 24.313.440.000 đồng, ngay sau khi trúng đấu giá đã mang những lô đất trên để làm Hợp đồng đặt cọc mua bán và thu về số tiền rất lớn. Sau đó, dùng chính số tiền này để nộp ngân sách nhà nước, liệu đây có phải là “mô hình” kinh doanh kiểu mới “mỡ nó rán nó”? Về phương pháp thì rất đơn giản và an toàn, nhưng hiệu quả mang lại nguồn lợi nhuận khủng khiếp (?!)

Thế nhưng, điều mà dư luận đặc biệt quan tâm tại cuộc đấu giá trên, lại nằm ở sự chênh lệch lớn về đơn giá trúng đấu giá so với giá bán ra thị trường. Bởi lẽ, đơn giá trung bình 1 m2 đất trúng đấu giá tại Dự án trên vào khoảng hơn: 4,3 triệu đồng/m2, nhưng khi PV tiến hành tham khảo và chứng kiến việc giao dịch mua bán thực tế ngoài thị trường, thì thấy sự chênh lệch rất lớn. Tuỳ từng vị trí, có những lô đất của Dự án khi bán ra thị trường lên đến hơn 12 triệu đồng/m2, tăng gần gấp ba lần so với giá trúng đấu giá.

Chứng kiến việc “đội giá” trên trời này, người dân địa phương có nhu cầu mua đất tại Dự án này tỏ ra ngao ngán. Trao đổi với PV, anh Trần Văn V., trú tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải cho biết: “Gia đình tôi vừa mới cưới vợ cho con trai, nên muốn mua một suất đất ở Dự án này để xây nhà cho các cháu ở. Nhưng khi hỏi mua thì giá tăng rất cao so với giá trúng đấu giá, vì vậy gia đình tôi không có khả năng mua”.

“Ở đây, nếu nhà nước tổ chức đấu giá lẻ với từng lô đất trên thì sẽ tạo sự công bằng, và người dân với nhà nước cùng có lợi, bởi nhà nước sẽ bán được giá cao hơn và đúng với giá trị thực của nó, còn người dân có nhu cầu thực sự sẽ mua được đất ở. Nên việc để một cá nhân trúng 233 lô đất như vậy là không phù hợp, đồng thời tạo điều kiện cho giới đầu cơ đất hưởng lợi, và nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng là hoàn toàn có thể xảy ra” – ông Trần Văn V. nêu quan điểm.

Ngoài ra, cần phải xác định lại rằng, đơn giá trúng đấu giá khu đất trên đã bao gồm toàn bộ hạ tầng - kỹ thuật, mà kinh phí thực hiện lấy từ tiền ngân sách nhà nước. Điều đó càng cho thấy mức giá trúng là khá... bèo. Vì vậy, dư luận xã hội đang tỏ rõ sự băn khoăn, không hiểu nguyên nhân tại sao lại có sự chênh lệch lớn về giá như vậy? Và nghi vấn được đặt ra, có hay không sự “sắp xếp” việc xây dựng đơn giá đất tại Dự án trên ngay từ khâu thẩm định, xác định giá trị đất ban đầu trước khi đưa ra làm giá khởi điểm để đấu giá? Liệu có tái diễn tình trạng “dàn xếp” kết quả trúng đấu giá, như đã từng diễn ra tại các cuộc đấu giá trước đây trên địa bàn tỉnh Thái Bình?

Những nghi ngại trên của dư luận là hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ, mới đây UBND tỉnh Thái Bình đã phải ban hành một công văn hoả tốc để yêu cầu huyện Tiền Hải tạm dừng việc đấu giá QSDĐ tại một khu dân cư ở Thị trấn Tiền Hải (thông tin cụ thể đã được nhandaovadoisong.vn đăng tải trong bài viết “Thái Bình: Đừng để việc đấu giá đất thành trò đùa?”), mà nguyên nhân được đưa ra là: “tổ chức xác định lại giá đất cụ thể làm giá khởi điểm để đấu giá QSDĐ ở…” – Trích công văn số 2998/UBND-KTTNMT của tỉnh Thái Bình.

Ở một diễn biến khác, liên quan đến những “lùm xùm” đã và đang diễn ra khi tổ chức đấu giá đất tại Thái Bình, mới đây, ngày 17/6/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Đặng Trọng Thăng vừa ký Quyết định số 1735/QĐ-UBND về việc hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất; hủy công nhận chủ đầu tư thực hiện dự án phát triển nhà ở thương mại tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình gồm 128 lô đất liền kề...

Đây được cho là động thái rất quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thái Bình trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ việc đấu giá QSDĐ trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục phát huy tinh thần trên, đồng thời lấy lại niềm tin nơi người dân, đảm bảo ngân sách nhà nước không bị “thất thu” trong việc đấu giá đất tại Dự án khu dân cư xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, rất cần sự vào cuộc chỉ đạo từ UBND tỉnh Thái Bình để thanh tra, kiểm tra toàn bộ quy trình xác định đơn giá đất khởi điểm để đấu giá; quy trình, thủ tục tổ chức đấu giá đất đối với Dự án này.

Nhandaovadoisong.vn sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Ngọc Tuấn – Phạm Khanh