(NĐ&ĐS) – Thời gian qua trên địa phận xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương (Thái Bình), hoạt động mua bán đất nghĩa trang diễn ra rầm rộ không khác gì thị trường bất động sản. Đáng nói, số tiền hàng tỷ đồng thu được từ việc mua bán này không biết sử dụng vào mục đích gì, hay lại “chảy” đi đâu?

Theo phản ánh của người dân ở xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương (Thái Bình) cho biết: Cuối năm 2018, UBND xã có thông báo về việc bán đất nghĩa trang nhân dân nằm ở 3 thôn, gia đình nào có nhu cầu mua đất để xây dựng phần mộ cho người đã chết, hoặc chuẩn bị “hậu sự” cho bản thân thì liên hệ với xã. Nhiều cá nhân, gia đình đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua đất theo nhu cầu.

kien-xuong-1
Biên bản giao đất nghĩa trang theo thỏa thuận giữa người dân với lãnh đạo xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương.

Theo tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn xã Hồng Tiến có 3 khu nghĩa trang nhân dân nằm ở 3 thôn, đã được quy hoạch theo tiêu chí về nông thôn mới.

Trao đổi với PV baonhandao.vn về việc chính quyền xã tổ chức mua bán đất nghĩa trang, ông P.N.C, trú tại xã  Hồng Tiến cho biết: “Tôi năm nay đã hơn 80 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu, để tránh làm phiền con cháu nên tôi đã chủ động lo việc “hậu sự” cho bản thân. Vì thế, khi chính quyền xã Hồng Tiến thông báo sẽ tiến hành bán đất nghĩa trang nhân dân tại các thôn trong xã cho những cá nhân, gia đình nào có nhu cầu, tôi đã đăng ký mua”.

kien-xuong-2
Phiếu thu tiền mua đất nghĩa trang của UBND xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương.

Ông P.N.C kể và cho biết, do tiết kiệm được một khoản tiền, nên ông C đã thỏa thuận mua 30 m2 đất trong khuôn viên nghĩa trang nhân dân ở thôn Đồng Tiến, xã Hồng Tiến, với giá là: 30 triệu đồng...

Để tìm hiểu thực hư câu chuyện trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Hồng Tiến. Tại buổi làm việc, ông Phạm Quang Hiệu, Chủ tịch xã cho biết, thông tin người dân phản ánh việc xã tổ chức mua bán đất nghĩa trang là đúng.

kien-xuong
Ông Phạm Quang Hiệu, Chủ tịch xã Hồng Tiến tại buổi làm việc với PV baonhandao.vn

Khi chúng tôi đề nghị vị Chủ tịch này thông tin về số diện tích đất đã bán cho người dân, cũng như số tiền thu được là bao nhiêu? Ông Hiệu cho biết, hiện tại không nhớ chính xác, tuy nhiên, ông Hiệu cho biết số tiền thu được từ việc bán đất nghĩa trang cho người dân vào khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, việc xã tổ chức mua bán đất nghĩa trang như vậy có đúng quy định pháp luật? xã có báo cáo/xin ý kiến UBND huyện Kiến Xương, đặc biệt, số tiền hàng tỷ đồng thu được xã sử dụng vào mục đích gì? Ông Phạm Quang Hiệu thừa nhận: Việc xã đứng ra bán đất nghĩa trang là chưa phù hợp lắm, và xã cũng không báo cáo sự việc với huyện (?!)

Lý giải về việc sử dụng số tiền trên, Chủ tịch Hiệu nói: Toàn bộ số tiền thu được, xã đầu tư vào xây dựng 3 khu nghĩa trang nhân dân của xã.

Trước câu trả lời trên, chúng tôi thắc mắc về việc, toàn bộ 3 khu nghĩa trang nhân dân nằm ở 3 thôn của xã đều được đầu tư xây dựng, và đã quyết toán từ năm 2015 – 2016. Mãi đến cuối năm 2018, xã mới tổ chức bán đất nghĩa trang thì sao có thể sử dụng số tiền trên vào đầu tư xây dựng 3 khu nghĩa trang nhân dân kia?... thì ông Phạm Quang Hiệu im lặng không trả lời.

Việc xã Hồng Tiến tổ chức mua bán đất nghĩa trang nêu trên có đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật hay không; thực tế số tiền hàng tỷ đồng thu được từ việc mua bán này được lãnh đạo xã sử dụng vào mục đích gì? Đó cũng là câu hỏi, là những băn khoăn của người dân địa phương, cũng như dư luận xã hội gửi đến lãnh đạo huyện Kiến Xương để được giải đáp.

Baonhandao.vn sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Ngọc Tuấn – Phạm Khanh