(NĐ&ĐS) - Trước đề nghị cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến Công ty TNHH nhôm Đông Á (Cty nhôm Đông Á), trong đó có kết quả quan trắc môi trường tiến hành định kỳ 3 tháng/ lần của Cty, lãnh đạo Sở TN&MT Hải Dương liên tục bận… trong khi người dân đang bức xúc, khốn khổ khi sống cùng ô nhiễm.

Chưa cung cấp thêm tài liệu vì … bận ?

Liên quan đến phản ánh của người dân xã Tân Dân, thị xã Chí Linh, Hải Dương về việc Cty nhôm Đông Á nhiều năm hoạt động gây ô nhiễm môi trường, phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã có buổi làm việc với ông Tạ Hồng Minh, PGĐ Sở TN&MT tỉnh Hải Dương để kiến nghị và làm rõ những bức xúc của người dân.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở TN&MT Hải Dương đã cung cấp cho phóng viên một số giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động của Cty nhôm Đông Á, trong đó có kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Cty nhôm Đông Á.

5d630a23c70e157376388a045f473f41.0
Sở TN&MT Hải Dương liên tục báo bận, mặc dù phóng viên đã nhiều lần liên hệ đề nghị cung cấp hồ sơ đầy đủ của Cty nhôm Đông Á, trong đó có kết quả quan trắc môi trường tiến hành định kỳ 3 tháng/ lần.

Lạ là, bản kết luận của Tổng cục môi trường ngày 02/02/2018 đối với Cty nhôm Đông Á vẫn vô cùng “đẹp”, trong khi người dân liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm trầm trọng ở khu vực này (?).

Cụ thể, kết luận ghi rõ: "Công ty đã có các báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, đã có giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; đã thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ theo quy định; đã có sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH và đã báo cáo tình hình quản lý thải CTNH. Ký hợp đồng với các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại; đã có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; đã bố trí khu vực lưu trữ chất thải thông thường, CTNH theo quy định; đã ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại; đã sử dụng và lưu trữ chứng từ quản lý CTNH; đã có hệ thống xử lý nước thải, khí thải; kết quả phân tích mẫu khí thải cho thấy các thông số phân tích đạt QCVN; đã có nhật ký vận hành hệ thống xử lý nước thải". 

418e560b3c1dec81c510793748950f7c.0
Tại mương sau nhà máy, khi nước cạn lộ ra chất bột trắng bám lại.

Nhưng khi phóng viên đề nghị được cung cấp thêm kết quả quan trắc môi trường tiến hành định kỳ 3 tháng/ lần của đơn vị này thì ông Minh “đột ngột” nói có cuộc họp gấp. Đồng thời yêu cầu cấp dưới gửi email cung cấp sau.

Sau thời điểm đó, phóng viên đã nhiều lần liên lạc và đề nghị Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cung cấp đầy đủ hồ sơ về hoạt động của Cty nhôm Đông Á nhưng hết lần này đến lần khác vị lãnh đạo Sở này liên tục tìm cách thoái thác cung cấp thêm thông tin.

96d50dc908998603a24eb78566699f31.0
Kênh mương tưới tiêu bốc mùi chua khó chịu và bề mặt có váng dầu.

Từng có nhiều vi phạm

Trước đó, năm 2016, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đã có báo cáo về kết quả kiểm tra xác minh nội dung phản ánh của nhân dân thôn Kỹ Sơn về việc gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp Tân Dân, thị xã Chí Linh.

Báo cáo khẳng định, Cty còn tồn tại nhiều vi phạm, như triển khai thực hiện một số hạng mục, nội dung không có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt (lắp đặt thêm hệ thống sấy bùn của hệ thống xử lý bùn thải; sử dụng nhôm phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) nhưng chưa báo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Sở TN&MT tỉnh Hải Dương khi đó đã yêu cầu đơn vị này báo cáo bổ sung các hạng mục công trình phát sinh vào công trình biện pháp bảo vệ môi trường và việc sử dụng thêm phế liệu làm nguyên liệu sản xuất với cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

a
Trụ sở Cty nhôm Đông Á

Nhưng trong bộ hồ sơ mà phóng viên được Sở TN&MT Hải Dương cung cấp không hề có báo cáo này, chỉ có Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp xử lý bụi và khí thải phục vụ giai đoạn vận hành từ năm 2015.

Cty Nhôm Đông Á đã thiết lập một số hạng mục thay đổi so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt: Lắp đặt thêm hệ thống sấy bùn của hệ thống xử lý bùn thải; sử dụng nhôm phế liệu làm nguyên liệu đầu vào của công đoạn nấu nhôm (Báo cáo năm 2016 của Sở TN&MT cho rằng đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây mùi khét do nhôm phế liệu có chứa tạp chất), nhưng lại không hề được yêu cầu lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều này được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13.

Trước đó, ngày 10/6/2018, Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống đã phản ánh những bức xúc của người dân thôn Kỹ Sơn, xã Tân Dân (thị xã Chí Linh, Hải Dương) về tình trạng ô nhiễm dai dẳng tại cụm công nghiệp Tân Dân, đặc biệt là Cty nhôm Đông Á.

Theo đó, hàng nghìn m2 đất nông nghiệp của dân cư khu vực này đã bị bỏ hoang nhiều năm vì không thể sản xuất, bên cạnh đó là mối lo về sức khỏe khi ngày đêm khí thải và nước thải của doanh nghiệp này vẫn liên tục xả thải bức tử môi trường.

Theo quy định đối với cụm công nghiệp độc hại, phải cách ly toàn bộ với khu dân cư. Nhưng nhiều năm qua, người dân thôn Kỹ Sơn vẫn phải sống “vật vờ” với ruộng đồng bỏ hoang và không khí ô nhiễm trầm trọng do cụm công nghiệp này gây ra.

Phải chăng, lãnh đạo địa phương đang quá "vội vàng" tập trung xây dựng nông thôn mới mà bỏ qua phản ánh của người dân, đánh đổi môi trường lấy kinh tế?

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Ng.Tuấn - N.D