(NĐ&ĐS) - Dù báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh của Sở TN&MT tỉnh Hải Dương kết luận Công ty TNHH Nhôm Đông Á đã khắc phục gần hết tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng người dân nơi đây vẫn phải lo lắng khi tình trạng ô nhiễm chưa hề chấm dứt.

Ô nhiễm đến không thể sản xuất

Một số hộ dân thuộc thôn Kỹ Sơn, xã Tân Dân, thị xã Chí Linh, Hải Dương phản ánh đến báo điện tử Nhân đạo và Đời sống về hoạt động sản xuất của công ty nhôm Đông Á gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp tại đây.

Theo phản ánh, vài năm trở lại đây, công ty nhôm Đông Á thường xuyên xả thải khói bụi vào ban đêm. Trước khi xả khói, máy móc của cơ sở này thường phát ra tiếng nổ đôm đốp, mùi khói khét vô cùng khó chịu. Không những thế, quanh khu vực cụm công nghiệp Tân Dân, nước xả đằng sau của 3 nhà máy thuộc cụm công nghiệp cũng đều có hiện tượng ô nhiễm.

Qua quan sát, khu vực nước thuộc mương tưới tiêu của người dân xuất hiện tình trạng bốc mùi chua khó chịu, có váng dầu và chất lạ màu trắng đục. Trong khi đó, tại khu vực nước cạn, chất lạ này vẫn kết dính lên bề mặt đất, tạo ra một khoảng đất có màu trắng.

a
Công ty nhôm Đông Á từng có nhiều sai phạm liên quan đến môi trường.

Ông Hoàng Văn Sang - một hộ dân sống tại thôn Kỹ Sơn - cho biết: "Ở quanh đây, làng nào làm nông nghiệp là coi như mùa màng hỏng sạch, nhà máy có bồi thường về thiệt hại mùa vụ hàng năm cho bà con, nhưng sức khỏe của người dân thì không hề được nhắc tới. Có những thời điểm cá chết trắng sông. Trước đây, mương nước vẫn có cá tự nhiên, vài năm nay thì hết sạch".

“Chúng tôi vẫn sử dụng nguồn nước sạch của xã lấy nguồn trực tiếp ở hạ lưu sông Kinh Thầy, ngay khu vực nhà máy nhôm xả thải, hoàn toàn không thể yên tâm nếu như tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra”, ông Sang chia sẻ thêm.

Một người dân khác sống quanh khu vực cho biết: "Trước đây, dân làng này vẫn hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ ngày nhà máy về là coi như bỏ hẳn. Lúa cứ lên vụ nào, chết vụ ấy. Rau muống chúng tôi trồng cọng to bằng ngón tay cái nhưng ra chợ bán dân khu vực khác không dám mua rau của thôn Kỹ Sơn".

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Tân Dân - xác nhận: "Hoạt động của nhà máy có gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân. Nhưng vài năm nay, sau khi nhiều người phản ánh, nhà máy đã cải thiện được rất nhiều tình trạng này".

418e560b3c1dec81c510793748950f7c.0
Tại mương sau nhà máy, mực nước cạn lộ ra chất màu trắng bám lại.

“Về trách nhiệm giám sát hoạt động của nhà máy, xã chỉ có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, còn việc quản lý, giám sát hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Sở. Quá trình tiếp xúc cử tri và nhận được phản ánh của người dân, xã cũng đã trao đổi với công ty để yêu cầu công ty phối hợp xử lý những tồn đọng”, ông Trường cho biết thêm.

Nhiều sai phạm về môi trường

Tại buổi làm việc, ông Trường đã cung cấp cho phóng viên Báo cáo kết quả kiểm tra xác minh nội dung phản ánh của người dân thôn Kỹ Sơn về việc gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp Tân Dân, thị xã Chí Linh ngày 25/7/2016 của Sở TN&MT tỉnh Hải Dương. Trong đó, có báo cáo về hoạt động của công ty nhôm Đông Á.

Hoạt động trước khi được cấp phép xả thải ra môi trường 

Công ty nhôm Đông Á được cấp phép và đi vào hoạt động kể từ năm 2009, nhưng mãi đến năm 2013, công ty này mới được cấp phép xả nước thải ra môi trường. Vậy trong suốt 4 năm (từ 2009 đến 2013), công ty không hề hoạt động, hay hoạt động và xả thải “trộm” ra môi trường, “qua mặt” hàng loạt cơ quan chức năng và chính quyền địa phương?

Báo cáo cho biết, khi nhà máy đi vào hoạt động, việc hoàn thiện đầy đủ các công trình, biện pháp xử lý môi trường của công ty còn chậm tiến độ, hiệu quả xử lý môi trường chưa đạt quy chuẩn môi trường cho phép. Sở TN&MT tỉnh đã đề xuất đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường và đã được UBND tỉnh phê duyệt danh sách tại Quyết định số 3162/QĐ-UBND ngày 17/11/2011 của UBND tỉnh.

Cũng theo báo cáo, công ty sau đó đã hoàn thiện các công trình, biện pháp xử lý môi trường, được Sở TN&MT cấp giấy xác nhận hoàn thành các hạng mục trên tại Giấy xác nhận số 138/GXN-STNMT ngày 19/9/2012.

Ngoài ra, công ty cũng được Sở TN&MT cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp xử lý môi trường phục vụ giai đoạn vận hành số 45/GXN-STNMT ngày 16/4/2015.

Bản báo cáo nêu, công ty nhôm Đông Á được UBND tỉnh cấp Giấy phép số 2360/GP-UBND ngày 18/10/2013 cho phép xả nước thải vào hệ thống thủy lợi (kênh T6 trạm bơm Vạn Thắng, xã Tân Dân, thị xã Chí Linh).

96d50dc908998603a24eb78566699f31.0
Kênh mương tưới tiêu bốc mùi khó chịu và có màu vàng nhạt

Tuy nhiên, đáng nói là, công ty nhôm Đông Á đã từng rất nhiều lần bị Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Hải Dương xử phạt vì các lỗi liên quan đến môi trường. Cụ thể: Năm 2014, công ty để xảy ra sự cố tràn dầu nên bị xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng.

Cũng theo báo cáo, thời điểm kiểm tra vào năm 2016, sau khi công ty nhôm Đông Á thoát “sổ đen” ô nhiễm, doanh nghiệp này vẫn để tồn tại nhiều sai phạm như triển khai thực hiện một số hạng mục, nội dung không có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt (lắp đặt thêm hệ thống sấy bùn của hệ thống xử lý bùn thải; sử dụng nhôm phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) nhưng chưa báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Không chỉ bất an về vấn đề ô nhiễm môi trường, nhiều người dân thôn Kỹ Sơn còn vô cùng lo lắng về vấn đề bảo hộ lao động của đơn vị này.

Được biết, cách đây khoảng một năm, đã từng xảy ra việc một công nhân làm việc trong bộ phận ép nhôm của nhà máy tử vong trong quá trình lao động. Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, xác nhận có sự việc này. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến việc tử vong thì ông Trường không nắm được.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Ng.Tuấn - N.D