(NĐ&ĐS) - Đất nước Li Băng đang chìm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế, chính trị với việc Chính phủ của Thủ tướng Li Băng Hassan Diab tuyên bố từ chức.

Chính phủ của Thủ tướng Li Băng Hassan Diab tuyên bố từ chức sau khi chịu sức ép lớn từ vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut khiến ít nhất 220 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương; thừa nhận vụ nổ ở cảng Beirut là gọt nước tràn ly sau rất nhiều phẫn nộ của công chúng về nạn tham nhũng tràn lan và quản lý yếu kém của các cơ quan công quyền.

li-bang-3-1597072665761
Thủ tướng Li Băng Thủ tướng Hassan Diab (Ảnh: Reuters)

"Toàn bộ chính phủ đã từ chức. Thủ tướng Diab chuẩn bị tới dinh tổng thống để chính thức thông báo với Tổng thống Michel Aoun và đệ đơn từ chức thay mặt tất cả bộ trưởng trong nội các", Bộ trưởng Y tế Hamad Hassan cho biết với các phóng viên.

Bộ trưởng Tư pháp Marie-Claude Najm, Bộ trưởng Môi trường Damianos Kattar và Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad cũng đã đệ đơn từ chức, Đại sứ Li Băng tại Jordan Tracy Chamoun đã từ chức và phát đi một thông điệp thể hiện sự phản đối mạnh mẽ với chính phủ, và mới nhất ngày 10/8, Bộ trưởng Tài chính Li Băng Ghazi Wazni đã đệ đơn từ chức. 

5570-acfbd-5-e-842-dfb-23-b-95-f-51552-a-23516-x-9600-x-338-1597022526523
(Từ trái sang phải) Cựu Đại sứ Li Băng tại Jordan Tracy Chamoun, cựu Bộ trưởng Môi trường Damianos Kattar và cựu Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad (Ảnh: Reuters/ AFP)

Văn phòng Thủ tướng Diab cho biết, ông sẽ có bài phát biểu trước toàn dân vào lúc 19h30 hôm nay theo giờ địa phương (23h30 giờ Việt Nam). Sau quyết định từ chức, chính phủ của Thủ tướng Diab sẽ trở thành chính phủ lâm thời, tiếp tục công việc điều hành đất nước cho đến khi chính phủ mới được thành lập. 

Vụ nổ chiều 4/8 ở cảng Beirut, thủ đô của Li Băng, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương. Vụ nổ khiến người dân Li Băng giận dữ xuống đường biểu tình vì cho rằng chính phủ đã phớt lờ cảnh báo nguy hiểm khi cất giữ lượng lớn hóa chất nguy hiểm trong kho cảng Beirut.

Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ ở Li Băng 2 ngày qua có thể coi là lớn nhất kể từ tháng 10 năm ngoái khi người dân vốn phẫn nộ với cách ứng phó của chính phủ với khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19.

lebanonprotest-173-d-1-be-1-bf-6-originalratio-1597022896158
Người biểu tình ở nội đô Beirut (Ảnh: AFP)

Tình hình Lebanon đang ở đáy của khủng hoảng với gần 300.000 người không có nhà ở và nguy cơ nạn đói khi mà Liên Hợp Quốc thông báo nước này sẽ hết bánh mỳ trong vòng 2,5 tuần nữa vì 85% lượng ngũ cốc đã bị phá hủy trong vụ nổ. Khi chính phủ từ chức và đóng vai trò tạm quyền trong khi chờ cuộc bầu cử mới, người dân nhận ra rằng rất khó trông chờ vào các lãnh đạo đất nước sẽ giúp đỡ họ trong lúc khó khăn này.

lebanonprotest-173-d-1-c-00763-originalratio-1597023028355
Người biểu tình đốt lửa gần nhà Quốc hội (Ảnh: Bloomberg)

"Mọi thứ đã bị vỡ vụn, người dân không có gì để ăn, để uống.  Họ không thể mua được nhà khi mà nhà đã bị phá hủy. Chúng tôi rất phẫn nộ, trong khi chính quyền bất lực”, một người dân cho biết. Thái độ thờ ơ của chính phủ ngày càng rõ ràng, nỗ lực khắc phục hậu quả phần lớn dồn lên vai người dân, và trông chờ vào khoản viện trợ 298 triệu USD mà quốc tế vừa đóng góp.

Quang Minh (t/h)