(NĐ&ĐS) - Đối với Hồ Chủ tịch, sức khỏe được coi như một quyền sống cao nhất của con người. Vì vậy, đảm bảo cho toàn dân khoẻ mạnh chính là đảm bảo quyền lợi thiết thân, quyền được hạnh phúc của dân tộc, là điều kiện để thực hiện quyền tự do dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngay từ năm 1941, dưới sự lãnh đạo của Người, trong chương trình Việt Minh có ghi: “Cần khuyến khích nền thể dục quốc dân, làm cho giống nòi ngày càng thêm mạnh”. Chương trình hành động này còn chỉ rõ: “Lập thêm nhà thương, nhà đỡ đẻ, nhà dưỡng lão”. Ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38/SL thiết lập Nha Thanh niên và Thể thao Trung ương, đặt nền móng cho công tác quản lý nhà nước về thanh niên và thể thao, đồng thời Người viết bài: “Sức khỏe và thể dục”, vận động, khuyến khích mọi người dân tích cực rèn luyện sức khỏe và phát triển phong trào thể dục toàn dân. Từ năm 1947-1967, Người có 25 bài viết và thư gửi ngành y tế và thương binh - xã hội, chỉ ra những quan điểm cơ bản về điều trị thương bệnh binh, kết hợp quân dân y, kết hợp đông tây y và công tác khác của ngành y tế.

ho-chi-minh
Bác Hồ thăm Bệnh xá Vân Đình, Hà Tây (tháng 4-1963). Người căn dặn: “Lương y như từ mẫu”. (Ảnh tư liệu)

Đối với Hồ Chủ tịch, sức khỏe được coi như một quyền sống cao nhất của con người. Vì vậy, đảm bảo cho toàn dân khoẻ mạnh chính là đảm bảo quyền lợi thiết thân, quyền được hạnh phúc của dân tộc, là điều kiện để thực hiện quyền tự do dân tộc. Người đã giao nhiệm vụ cho mọi ngành liên quan chăm lo bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe nhân dân, xây dựng nền y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bác Hồ từng nói: Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân... Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi.

Sinh ra tại một vùng “địa linh nhân kiệt” như Nghệ An, nơi cách không xa quê ngoại của Ðại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn, Hà Tĩnh), lại lớn lên trong một gia đình nhà Nho có cha đã từng là thầy thuốc làm nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người, ngay từ nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc về y lý, y thuật và y đạo của y học phương Ðông. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã trải qua ít nhất trên 10 nghề khác nhau, trong đó Bác đã từng học và làm thầy thuốc. Năm 1929, trong thời gian hoạt động tại Thái Lan, Bác đã sống trong hiệu thuốc Bắc do lương y Đặng Văn Cáp phụ trách (sau này lương y Đặng Văn Cáp là Hội trưởng Hội Đông y Việt Nam). Tại đây, Bác bắt đầu học về thuốc và cách chữa bệnh. Người đọc nhiều sách thuốc, ghi chép lại cẩn thận các loại thuốc, y lý. Những điều đó giúp Người rất nhiều phương pháp nghiên cứu về Đông y, hình thành tư duy, quan điểm về chữa bệnh cứu người, phát triển nền y học dân tộc...

Ngày 28-1-1941, sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, trở về Việt Nam, Bác đã sống cùng bà con dân tộc Cao Bằng. Điều đầu tiên Bác quan tâm là đời sống của nhân dân, đặc biệt là công tác vệ sinh. Ở nhiều bản, trẻ bị ghẻ, lở, chốc đầu, Bác gọi các cháu ra suối, tự Bác kỳ cọ, tắm rửa sạch sẽ cho từng cháu một. Bác lặn lội vào rừng sâu tìm cây để nấu thuốc, chữa trị rất hiệu quả. Bà con dân bản phục lắm, gọi Bác là “Ông Ké có thuốc tiên!”.

Hồ Chí Minh không chỉ vạch cho Nhân dân ta phương hướng vươn tới cuộc sống ấm no, khoẻ mạnh, vui tươi và hạnh phúc, mà chính Người, dù bận trăm công ngàn việc, vẫn đi đầu, gương mẫu trong phong trào luyện tập thể dục. Năm 1948, sau chiến thắng Việt Bắc Thu Đông, phóng viên tờ báo Pháp La Tribune (Diễn đàn) đã phỏng vấn Hồ Chủ tịch, trong đó có nội dung: “Thưa Cụ, lâu nay sức khỏe của Cụ như thế nào?”. Bác trả lời: “Cảm ơn quý Báo, sức khỏe của tôi vẫn tốt. Một ngày tôi có thể đi bộ hơn 40 cây số”. Hồ Chủ tịch luôn luôn ý thức rõ ràng rằng: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”. Người coi việc “luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước”. Mùa xuân năm 1958, Bác Hồ dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ ta sang thăm Ấn Độ. Bác đến thăm tháp Cutapmina, cao 73 mét, 379 bậc. Người đã leo hết 379 bậc, lên tận đỉnh tháp và cầm hoa vẫy chào mọi người trước con mắt ngạc nhiên của các quan chức ngoại giao nước bạn. Sau sự kiện đó, hôm sau, báo chí Ấn Độ đưa tin: Chưa có vị đứng đầu nhà nước nào cao tuổi như Cụ Hồ có thể leo một mạch lên đỉnh tháp Cutapmina để ngắm nhìn Thủ đô Niu Đêli.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe nhân dân thực sự là kim chỉ nam cho hoạt động của ngành y tế và các lực lượng liên quan, tiếp tục định hướng cho chiến lược chăm sóc sức khỏe của đất nước trong thời gian tới. Theo Hồ Chí Minh, sức khỏe con người luôn hàm chứa sự lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi nói về sức khỏe, Bác dạy rằng: “...khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe” .

Tổ chức Y tế thế giới trong tuyên ngôn Alma Ata năm 1976 đưa ra khái niệm: “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”. Ngày nay y học hiện đại cũng định nghĩa: Sức khỏe là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải chỉ là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật. Như vậy, trước Tuyên ngôn Alma Ata gần nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quan niệm chính xác về sức khỏe. Quan điểm này luôn thể hiện trong các chỉ đạo của Bác về sức khỏe. Trong thư gởi Hội nghị Quân y tháng 3/1948, Bác viết: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” .

Bác Hồ luôn đặt vấn đề sức khỏe của mỗi người dân trong tổng thể vấn đề sức khỏe chung của dân tộc và những vấn đề lớn lao của đất nước. Trong bài viết “Sức khoẻ và thể dục” đăng báo Cứu quốc số 199, ngày 27-3-1946, Người căn dặn: “Giữ gìn dân chủ, gây dựng nước nhà, xây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được... Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục” .

Bác đã phát động phong trào “Đời sống mới” với nội dung chủ yếu là giữ gìn vệ sinh. Bác cũng cho rằng, vấn đề sức khỏe có mối quan hệ trực tiếp với cuộc kháng chiến và kiến quốc. Người nói: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công” . Vì lẽ đó mà đối với tầng lớp nào, lứa tuổi nào, Bác cũng luôn dặn dò mọi người phải giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Đối với các cháu thiếu nhi, Bác khuyên: “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang” .

Trong công tác chăm sóc sức khỏe, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề phòng bệnh. Bác nói: “phòng bệnh hơn chữa bệnh” . Quan điểm này của Bác đặt nền móng và định hướng cơ bản cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời phù hợp hoàn toàn với định hướng của nền y học thế giới. Ngày 2-7-1958, Bác Hồ viết bài vệ sinh yêu nước, đăng trên báo Yêu nước nhân dân số 1572, trong đó có đoạn: “...việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh” . Sau bài viết của Bác, phong trào vệ sinh yêu nước được dấy lên và được hào hứng hưởng ứng trong toàn quốc . Giai đoạn từ năm 1958 đến năm 1975, các phong trào: “3 sạch” (ăn sạch, uống sạch, ở sạch), “4 diệt” (diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột, diệt rận), phong trào “sạch làng tốt ruộng”, “sạch bản tốt nương”, “sạch đường đẹp phố”, phong trào xây dựng hố xí hai ngăn... phổ biến ở miền Bắc. Trong lần về thăm Bệnh viện Vân Đình (nay thuộc, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) ngày 20-4-1963, Bác căn dặn: “Trong công tác phục vụ cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần... cần phải có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt, cần chú ý đến việc phòng bệnh, tuyên truyền và giải thích cho đồng bào chung quanh nhà thương và trong huyện biết cách giữ gìn vệ sinh, làm cho mỗi người bệnh khi khỏi bệnh biết cách phòng bệnh cho họ và gia đình họ...”. Công tác vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được Bác Hồ cho là việc quan trọng bậc nhất và phong trào vệ sinh, phòng bệnh được coi là yêu nước. Trong 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng, điều dạy thứ tư là: “Phải giữ gìn vệ sinh thật tốt”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng đạo đức của người làm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”, nghĩa là “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Vì tính chất của nghề nghiệp mà người thầy thuốc phải giàu lòng nhân ái, chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần người bệnh, yêu thương người bệnh và săn sóc họ như ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Đây là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng của Người về y đức. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc ngày 27-2-1955, Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.

“Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”. Vì vậy, cán bộ nhân viên ngành y cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng gắn với nhu cầu thực tế của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm vấn đề quyết định y đức của người thầy thuốc là lương tâm đạo đức, là trách nhiệm, bổn phận của người thầy thuốc. Bác dặn dò các y tá: “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà lại là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh” .

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: xây dựng nền y tế nước ta là nền y tế nhân dân. Bác nói: “Xây dựng một nền y học của ta” , nên các cán bộ y tế phải : “...giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của Nhân dân ta” , phải xây dựng một nền y học xuất phát từ nhân dân, của nhân dân, vì nhân dân. Y học Việt Nam là để phục vụ nhân dân, trong đó đa số là nông dân. Vì vậy, y học Việt Nam phải hướng về nông thôn, hướng về cơ sở, dựa vào cộng đồng từ đó nghiên cứu và xây dựng chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân theo định hướng công bằng và hiệu quả. Mặt khác, Y học Việt Nam phải hướng tới phục vụ mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn dân, đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe sớm nhất, ở nơi gần nhất.

Tư tưởng của Bác Hồ còn thể hiện quan điểm xây dựng nền y học kết hợp giữa Đông y và Tây y. Bác nói: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.

Trích cuốn sách “Hồ Chí Minh với sự nghiệp nhân đạo”