(NĐ&ĐS) - Chiều 7/12 tại TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 76 đã bế mạc, sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tập trung trí tuệ, hoàn thành chương trình, mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Hội nghị đã nghe Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác năm 2020; phương hướng, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp công tác công an năm 2021 và những năm tiếp theo.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, bổ sung, làm rõ, nhấn mạnh thêm một số nội dung, kết quả đạt được từ thực tiễn công tác, thẳng thắn, nghiêm túc chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; trên cơ sở đó dự báo tình hình, những khó khăn, thách thức đối với công tác bảo đảm ANTT cần tập trung giải quyết; đề xuất, kiến nghị những chủ trương, giải pháp công tác cụ thể, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn tình hình, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ công tác năm 2021 và những năm tiếp theo...
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu và khẳng định tại hội nghị: “Những kết quả, thành tích của lực lượng CAND đạt được trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015-2020 là hết sức to lớn, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, rất quan trọng. Đây là những kết quả rất ấn tượng, tạo tiền đề, tăng thêm ý chí và quyết tâm để toàn lực lượng CAND phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu hướng tới xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước”.
Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương những chiến công, thành tích, kết quả công tác mà Công an các đơn vị, địa phương và toàn lực lượng CAND đã đạt được trong năm 2020 và nhiệm kỳ 2015 – 2020, yêu cầu đặt ra đối với công tác bảo đảm an ninh trong năm 2021 và những năm tiếp theo là phải giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ thành quả cách mạng, lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu cần chủ động ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ. Phải coi an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống con người, là tiêu chí trong đánh giá sự ổn định và phát triển ở từng địa phương.
Bảo đảm an ninh phải được coi là yêu cầu nghiêm ngặt nhất, phải chuyển sang việc chủ động phòng ngừa là chính, bảo vệ an ninh từ xa, từ sớm. Phải chăm lo xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên từng lĩnh vực, địa bàn; thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các ban, bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia.
Công an các đơn vị, địa phương tập trung huy động lực lượng, phương tiện bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước...
Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ trưởng nêu rõ, năm 2021 và những năm tiếp theo, Bộ đề ra mục tiêu “tiếp tục kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội 5% so với năm 2020”.
Đây là mục tiêu rất cao, rất quan trọng, có ý nghĩa xã hội rất lớn. Vì vậy, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương phải rất quyết tâm, quyết liệt, thực sự có hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm. Đặc biệt quan tâm làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản; phải kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ.
Phải hạ quyết tâm, “tuyên chiến” trừng trị các loại tội phạm, không để tội phạm “lộng hành”, làm chuyển biến và thay đổi diện mạo tình hình ANTT trên phạm vi toàn quốc, nhằm thực hiện mục tiêu “xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh”. Huy động cả hệ thống chính trị tích cực tham gia phòng ngừa tội phạm.
Tổ chức đấu tranh mạnh để trấn áp, triệt xóa các băng, nhóm tội phạm; không để tồn tại các băng, nhóm tội phạm; cần xác định rõ “nơi nào còn băng, nhóm tội phạm thì lực lượng Công an ở nơi đó không hoàn thành nhiệm vụ. Trách nhiệm của lực lượng công an là phải triệt xóa bằng được, triệt hóa hết các băng, nhóm tội phạm”. Lượng Công an cần tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm kết luận, đề nghị truy tố các vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo và kiên quyết “chặt đứt” các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, quá trình xây dựng các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật phải bám sát các chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và định hướng của Đảng ủy Công an Trung ương; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan; Công an các đơn vị, địa phương phải rất trách nhiệm trong tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan đến bảo vệ ANTT.
Đặc biệt, phải biết dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, cầu thị, tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân, bởi lẽ xây dựng và hoàn thiện pháp luật là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Về công tác quản lý nhà nước về ANTT, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, Công an các đơn vị, địa phương phải làm tốt công tác quản lý người nước ngoài, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; đẩy nhanh tiến độ cơ bản hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân trước ngày 1/7/2021.
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 105 của Bộ về tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, lành mạnh.
Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, xây dựng lực lượng CAND phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước và phải xuất phát từ nhiệm vụ bảo vệ ANTT và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.
Việc triển khai đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công tâm, nhưng đồng thời phải hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị rất cao, nỗ lực lớn, có ý thức, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân và lực lượng; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, đồng lòng, ủng hộ, tích cực của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân.
Xây dựng lực lượng CAND phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phải dựa vào nhân dân, phát huy vai trò, trách nhiệm và sức mạnh to lớn của nhân dân trong việc giúp đỡ, kiểm tra, giám sát để xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đồng thời, tiếp tục đề cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu các cấp và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tiêu cực trong CAND; tập thể, chi bộ, cấp ủy thường xuyên nhận diện, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy trình công tác, quy chế làm việc, thực hiện điều lệnh CAND; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo hướng “chủ động, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tiếp tục kiện toạn tổ chức, bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Ngay sau Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu kỹ các văn bản Hội nghị, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo, kết luận của lãnh đạo Bộ, cụ thể hóa vào chương trình công tác của đơn vị, địa phương.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2021. Trọng tâm là chỉ đạo quyết liệt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bảo vệ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Tập trung phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, triệt xóa các băng, nhóm tội phạm hình sự, ma túy, trộm cắp, buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng cấm; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ, đốt pháo nổ trái phép; bảo vệ ANTT những nơi vui chơi, giải trí, các lễ, hội đầu năm để nhân dân vui Tết, đón xuân bình yên, an toàn.
Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công Bộ Công an cung cấp trực tuyến 289 thủ tục hành chính từ mức độ 2 trở lên. Trong đó, cung cấp 7 dịch vụ công mức độ 3 về: Cấp hộ chiếu phổ thông trong nước cho công dân Việt Nam; Khai báo tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam; Đăng ký mẫu con dấu mới; Đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu; Đăng ký dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi; Đăng ký thêm con dấu; Đăng ký lại mẫu con dấu.
Các dịch vụ công của Bộ Công an sẽ được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân có thể lựa chọn thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của lực lượng công an nhân dân tại Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện có 2 dịch vụ công của Bộ Công an về Tờ khai đăng ký xe ô tô và Thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Sau khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân đi vào hoạt động, Văn phòng Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị tiến hành thực hiện đồng bộ cung cấp các dịch vụ công mức độ 3 về Cấp căn cước công dân; lưu trú, thông báo lưu trú... trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ý kiến bạn đọc