(NĐ&ĐS) - Mỗi kỳ nghỉ lễ, những con số đau lòng về số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông liên tục được công bố, trở thành nỗi ám ảnh nhức nhối đối với mỗi người dân. Nhiều tai nạn đau lòng gây ra bởi người lái xe uống rượu bia gây bức xúc trong xã hội.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, gần 40% các vụ TNGT xảy ra do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu bia.

TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức - Trường Đại học Việt Đức công bố kết quả nghiên cứu mới nhất tại Việt Nam. Theo đó, qua quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy hành vi uống rượu bia lái xe (URB-LX) rất phổ biến bất chấp các quy định luật pháp hiện hành. Tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm tỉ lệ 68% (xe máy 62%, ô tô 6%). Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say, trong đó có 34% người có dáng đi hơi xiêu vẹo, 5% người xiêu vẹo. Tỉ lệ vi phạm Luật GTĐB của những người này cũng rất cao, cụ thể: có 36% số người không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe.

Tại TP Vinh ngày 6/12, Hội ATGT Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Công bố kết quả Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô tô, xe máy tại Việt Nam”. Theo đó, 68% người uống rượu bia... vẫn lái xe về nhà. Đây là con số được nhóm nghiên cứu Trường ĐH Việt Đức đưa ra khi nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam.

Thông qua hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá mức độ ảnh hưởng của nồng độ cồn tới sự an toàn của người điều khiển xe máy tại Việt Nam. Đồng thời, đưa ra các số liệu phân tích, các luận chứng góp phần hỗ trợ cho quá trình xây dựng các chính sách nâng cao ATGT tại Việt Nam.

Hội thảo tập trung vào 3 mục tiêu chính: Xác định mối tương quan giữa thói quen uống bia rượu và tai nạn giao thông trong quá khứ; Xác định mối quan hệ giữa nồng độ cồn trong máu và xác suất xảy ra TNGT đối với người điều khiển mô tô, xe máy; Đề xuất các giải pháp có tính mới để cắt giảm TNGT do uống rượu bia lái xe gây ra.

Ông Lê Huy Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông (Học viện Cảnh sát Nhân dân) cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước áp dụng điểm an toàn giao thông đối với lái xe. Thậm chí, cần đặt ra mục tiêu số lần tối thiểu kiểm tra một giấy phép lái xe trong năm để tạo sự răn đe, giúp lái xe ý thức được họ sẽ bị kiểm tra bất cứ lúc nào và sẽ bị mất quyền lợi trong tham gia giao thông nếu điểm an toàn giao thông thấp.

Hay có rất nhiều biện pháp để hạn chế tác hại của rượu bia. Các bằng chứng khoa học đã chứng minh và Tổ chức Y tế Thế giới cũng đưa ra khuyến cáo về ba biện pháp đem lại hiệu quả nhất bao gồm: Chính sách thuế và giá; kiểm soát sự sẵn có của rượu bia; kiểm soát quảng cáo, tiếp thị rượu bia.

Ngoài việc tỷ lệ người uống cao, chúng ta cũng sử dụng rượu bia ở mức có hại rất lớn. Để đảm bảo cho sức khỏe của người dân và nâng cao chất lượng sống cho quần thể, chúng ta cần có những chiến lược phù hợp để kiểm soát việc sử dụng rượu bia bao gồm:

Cần phải có hành lang pháp lý đủ mạnh để kiểm soát việc sử dụng rượu bia.

Áp dụng các biện pháp đã mang lại hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực bao gồm chính sách thuế/giá, kiểm soát tính sẵn có và kiểm soát quảng cáo, tiếp thị.

Tuyên truyền về tác hại của sử dụng rượu bia không có kiểm soát cho người dân.

Kiểm soát rượu tự nấu, tự sản xuất một cách hiệu quả hơn.

12
Nguồn ảnh: ST

Nhằm giải quyết vấn đề uống bia rượu vẫn lái xe, ngày 30/12, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 của Chính phủ với nhiều điểm mới. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Nghị định sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, mô tả lại theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 46. Đặc biệt, dự thảo tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm.

Đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn (mức 3), ma túy. Nghị định cũng bổ sung quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức 1 đối với xe mô tô theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; bổ sung quy định xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải sử dụng người lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy.

Cụ thể: Quy định các địa điểm không uống rượu, bia.

Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia được quy định chi tiết, cụ thể: người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mãi rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập…

Ngoài ra, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 cũng đưa ra các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia. Trong đó, tập trung vào công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen uống rượu, bia của người Việt Nam. Đồng thời, điều 10 của luật này cũng quy định các địa điểm không uống rượu, bia, gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; cơ sở bảo trợ xã hội; nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia và các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.

Uống rượu, bia: Đi xe đạp cũng bị phạt

Đó là nội dung mới được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP nhằm hiện thực hóa quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được nêu tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019. Nghị định 100/2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2020 và thay thế Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cụ thể, người nào uống rượu, bia (dù uống ít) mà điều khiển xe mô tô, xe gắn máy cũng bị xử phạt. Đối với người điều khiển ô tô, mức xử phạt cao nhất từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô, mức phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.

Ngoài ra, để buộc người vi phạm nghiêm chỉnh nộp phạt, Nghị định 100/2019 quy định đối với xe vi phạm giao thông chưa nộp phạt, cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên Chương trình quản lý kiểm định để khi phương tiện đến kiểm định, đồng thời thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm. Cơ quan kiểm định vẫn thực hiện việc kiểm định theo quy định và cấp giấy chứng nhận kiểm định nhưng giấy chỉ có thời hạn hiệu lực 15 ngày. Đồng thời, nghị định bổ sung quy định không cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, như giấy phép lái xe, tránh tình trạng nhiều người bị giữ bằng lái đi làm lại bằng mới.

Lại Kiều Anh