(NĐ&ĐS) - Hình ảnh những “chiến sỹ” khoác lên mình màu áo đỏ - màu cờ Tổ quốc in hình chữ thập, leo lên nóc nhà, xuyên qua gian khó, bơi thuyền trong đêm mưa, vượt dòng nước lũ... để đến với người dân bị cô lập, cần cứu giúp là những hình ảnh xúc động trong hoạt động ứng phó thảm họa thiên tai.

Vượt hiểm nguy đến với bà con vùng lũ

Giữa biển nước mênh mông, chấp chới những cánh tay, những tiếng kêu cứu qua mái nhà nổi chìm trong dòng nước xiết, gương mặt lo âu, thất thần của người già, tiếng khóc xé lòng của các em nhỏ khát sữa, đói ăn; tiếng nấc bi thương của gia đình mất người thân chưa nơi chôn cất, chìm trong lũ dữ hay vùi sâu trong bùn đất... thì sự có mặt của những “chiến sỹ áo đỏ” đã sưởi ấm biết bao phận đời khốn khó.

nghe-an
Cán bộ Chữ thập đỏ vượt lũ đi cứu trợ người dân

Chắc ai cũng bàng hoàng khi nhắc tới trận lũ lịch sử tháng 10/2020. Các tỉnh miền Trung ngập chìm trong nước, lở đất đã gây biết bao thiệt hại, mất mát cho dân. Trước cảnh nhà và người chìm trong biển nước, có “hiệu lệnh” từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ đến các tỉnh, đội mưa, băng lũ trên những chuyến xe, chiếc xuồng cứu hộ đem mì tôm, sữa, lương khô, nước uống, phao cứu sinh... vào tận các hộ gia đình, leo lên nóc nhà, đưa qua cửa sổ, hàng rào trợ giúp bà con vượt qua đói khát.

Không thể tham gia những “tiệc vui” ngày 20/10, chị em Hội Chữ thập đỏ các cấp tranh thủ bốc xếp hàng để kịp thời cứu trợ dân nơi bị cô lập. Dập dềnh trên những chiếc thuyền cứu trợ là hình ảnh người thủ lĩnh và các chị em mang chiếc áo phao có hình Chữ thập hòa cùng sắc phục lực lượng vũ trang, đi đến từng nhà, từng ngõ cứu dân. Có người bị rơi xuống biển nước mênh mông, nhờ chiếc áo phao mà thoát nạn. Họ tiếp tục cuộc hành trình đến với các hộ dân vùng lũ trong bộ quần áo ướt sũng, đói và rét. Công việc thầm lặng với tâm tư: đến sớm với bà con, sớm chừng nào là hạnh phúc chừng đó.

nghe-an-1
Trao thực phẩm, áo phao tại điểm sơ tán Thạch Hà, Hà Tĩnh

“Một miếng khi đói” thêm ấm lòng dân

Nhớ lại trong một ngày tháng 10, khi thành phố lên đèn cũng là lúc những chiếc xe tải “không đồng” hội quân về trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, để lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kịp đến với bà con điểm ngập lụt nặng các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Hàng trăm tình nguyện viên trên địa bàn Thành phố Vinh, Nam Đàn, Hưng Nguyên... đến xắn tay áo quên đói, mệt mỏi sau một ngày làm việc, học tập để đóng gói, bốc xếp từng phần quà. Trụ sở Hội là nơi tập kết đầy ắp lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho vùng lũ. Để rồi, hàng hóa được chuyển lên container 30 tấn, 5 xe tải lớn và hàng chục xe tải nhỏ. Nào là: Thùng hàng gia đình, gạo, chăn, màn, quần áo, lương khô, mì tôm, xúc xích, bánh chưng, sữa, nước... quà cứu đói, cứu rét đến với bà con đang gồng mình trong lũ dữ. Mọi người thấm mệt, nhưng nhìn đoàn xe sẵn sàng “ra trận” ai cũng vui.

nghe-an-2
Cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ đóng hàng trong đêm 20/10

Đoàn xe trung chuyển nối đuôi nhau chở nặng tình người của nhân dân Nghệ An, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc gửi tới khúc ruột miền Trung. Điểm đến đầu tiên là huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Đoàn chia thành từng nhóm, băng sông, lội nước đến từng ngôi nhà động viên và trao tặng những món quà nghĩa tình mang theo. Nơi đó chúng tôi biết có Phó Chủ tịch Trung ương Hội - Trần Thị Hồng An vượt lũ trên con thuyền chòng chành, có cả cán bộ các Ban Trung ương và Hội Chữ thập đỏ Nghệ An lội bùn ngang lưng, mang đồ ăn, thức uống đến cho dân. Không có một thước phim nào ghi hết được hình ảnh đội quân Chữ thập đỏ đã lặng thầm với công việc cứu trợ. Có cụ già ngồi trên nóc nhà với tay đón túi quà cứu trợ, run rẩy trong nước mắt xúc động. Lọ dầu gió và hộp sữa được trao tay cụ bà móm mém đang rét run tại điểm sơ tán Thạch Hà, cụ xúc động ôm chầm người trao phều phào “Quý hóa quá con ơi”.

Trong nỗi đau bị lũ “bao vây” cả tuần, ông Võ Đình Hạnh, 78 tuổi ở Hương Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết: “Đã 6 ngày tôi sống chung với lũ, một ngày được suất cơm chia nhau”. Chúng tôi trao cho ông thức ăn, nước uống, chăn ấm và chiếc thùng sơn có 10 kg gạo mà sống mũi cay xè.

nghe-an-3
Ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao quà cứu trợ tại Thanh Xuân, Thanh Chương

Nao lòng hơn, khi đến thăm viếng 2 cháu bị đuối nước tại thôn 3, Thanh Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình), cả đoàn lặng người, tim như nghẹt thở khi chứng kiến bố mẹ hai cháu tiều tụy, khóc con thắt lòng... Nhận phần gạo, quà hỗ trợ từ Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội - Nguyễn Hải Anh, bà Nguyễn Thị Huệ, Thanh Xuân, Thanh Chương (Nghệ An) sụt sùi: “Nhà tui lút hết, hư hết cả rồi, ông nhà tui động kinh, con thì nỏ đi lại được, một chắc tui chèo chống. Cảm ơn Chữ thập đỏ đã cứu đói, còn số tiền tui mua thuốc cho con và ông nhà tui”.

Vào miền Trung, mắt thấy bao cảnh đời cơ cực bởi bão lũ mà lòng như muối xát. Trên xe biết bao nhiêu đồ ăn liền, nhưng mọi người đều nhìn nhau uống tạm chai nước mang theo.

Như một “mệnh lệnh” từ trái tim, từ Thủ đô thân yêu, rất nhiều đoàn cứu trợ đến với bà con trong và sau khi lũ rút. Đặc biệt các đoàn cứu trợ Chữ thập đỏ, họ không chỉ trao quà cứu trợ khẩn cấp, phương tiện cứu nạn, mà còn đánh giá thiệt hại, nhu cầu, sinh kế của bà con. Ngoài việc cứu trợ khẩn cấp, lại có thêm hàng trăm chiếc thuyền cứu hộ được Trung ương Hội phân bổ về các tỉnh miền Trung, để cơ sở kịp thời ứng cứu lúc khẩn thiết. Hội tận tình hướng dẫn, vận động bà con xử lý nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, tặng những gói sinh kế chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh phù hợp với tập quán vùng miền sau lũ.

Bình yên đang trở lại, Hội Chữ thập đỏ vẫn miệt mài kêu gọi, vận động với các phong trào, chương trình như: “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”... để giúp người dân miền Trung ổn định cuộc sống. Đặc biệt là tặng quà “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, với mô hình “Chợ nhân đạo - Xuân sum vầy” lan tỏa rộng khắp cả nước...

Đồng hành trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19

Khi Chính phủ và người dân phải gồng mình phòng chống dịch bệnh những tháng đầu năm 2020, tình nguyện viên Chữ thập đỏ lại rải quân đi khắp chợ đầu mối, kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các mạnh thường quân. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng triệu khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, chục ngàn hộp sữa... được đội quân này trao tận tay bệnh nhân tại các Bệnh viện “kèm theo” cách hướng dẫn các bước rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang an toàn...

nghe-an-5
Tặng cơm cho người dân bị mất việc làm do dịch Covid-19

Thấu hiểu nỗi niềm của người yếu thế, người bệnh khi dịch bùng phát, Tình nguyện viên Chữ thập đỏ không quản ngại, đứng ra quyên góp, vận động tổ chức cây “ATM gạo”, “Quán cơm dã chiến”, “bữa ăn nhanh” đủ chất cho người bệnh - đó là những suất cơm, bánh mì tươi, hộp sữa, chiếc giò nóng hổi ấm tình người... Những suất quà tiếp tục đến với người khuyết tật... Chị Ngô Hồng Hoa tình nguyện viên chia sẻ: “Dịch bệnh không chừa một ai, không phân biệt giàu nghèo, thương nhất là những bệnh nhân không người thân. Nên chúng tôi cố gắng làm từ những việc nhỏ nhất để góp phần giảm thiểu khó khăn cho người dân”.

nghe-an-6
Trao nước rửa tay, khẩu trang và sữa cho đơn vị làm nhiệm vụ cách ly

Tại các khu cách ly tập trung, công dân nước ngoài về ồ ạt, thiếu thốn đủ thứ. Cán bộ, tình nguyện viên lại kết nối với những tấm lòng vàng tặng hàng ngàn chai rửa tay diệt khuẩn, khẩu trang, găng tay y tế, rau củ và các nhu yếu phẩm cho các đơn vị thực thi nhiệm vụ.

Mang trên mình màu áo đỏ in hình chữ thập, tình nguyện viên, cán bộ Chữ thập đỏ dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng trái tim luôn hướng tới những điều thiện, “trao đi yêu thương để nhận về hạnh phúc”. Họ không chỉ mang ân tình đến muôn nơi khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, mà họ giúp “Kết nối - sẻ chia và lan tỏa” giá trị nhân văn, nhân ái trong toàn xã hội.

Hà Anh