(NĐ&ĐS) - Thời gian trở lại đây có một số máy xúc, máy ủi đang đào bới, bốc xúc dưới gầm cầu Bạch Đằng (phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng). Liệu việc một số máy móc đào bới bốc xúc đất ngay dưới chân cầu có ảnh hưởng đến chất lượng cây cầu nghìn tỷ?

Theo ghi nhận khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021 dưới chân cầu Bạch Đằng một số công nhân đang điều khiển bốc xúc đất tại khu vực gầm cầu, phần đất này thuộc hành lang bảo vệ cầu Bạch Đằng.

20210408_152304
Một số máy móc đang hoạt động trong hành lang đã được quây lưới bảo vệ cầu Bạch Đằng

Khi cầu Bạch Đằng đi vào hoạt động, chủ đầu tư là công ty cổ phần BOT Bạch Đằng đã dùng lưới sắt quây xung quanh phần hành lang. Tuy nhiên không hiểu đơn vị nào cho phép máy móc được đào bới bốc xúc đất để làm công trình ngay dưới gầm cầu.

20210406_103019
Công trường tấp nập dưới chân cầu

Tại Nghị định 1001/2013/NĐ-CP: Hành lang an toàn đối với cầu, cống; hầm đường bộ; bến phà, cầu phao; kè bảo vệ đường bộ được quy định cụ thể: Theo chiều ngang cầu tính từ mép ngoài cùng đất của đường bộ trở ra mỗi phía: 150 mét đối với cầu có chiều dài lớn hơn 300 mét; 100 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét đến 300 mét; 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 20 mét đến dưới 60 mét; 20 mét đối với cầu có chiều dài nhỏ hơn 20 mét.

20210406_103003
Công nhân và máy móc đang đào sâu xuống lòng đất tại gầm cầu

Việc tập kết máy móc và đào bới, bốc xúc và làm công trình khác dưới mép chân cầu Bạch Đằng liệu có đảm bảo an toàn? Rất mong các cơ quan chức năng của thành phố Hải Phòng cũng như công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng nhanh chóng làm rõ.

20210406_103026(0)
Việc đào bới làm một công trình khác trong phần đất thuộc hành lang bảo vệ cầu liệu có ảnh hưởng đến chất lượng cây cầu nghìn tỷ?

Cầu Bạch Đằng nằm ở khu vực ngã ba sông Bạch Đằng và sông Cấm, nơi có hệ thống bến cảng dày đặc, tàu thuyền trọng tải lớn thường xuyên qua lại.

Cầu có chiều dài 3.054 m, rộng 25 m, gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế tối đa là 100 km/h, có kết cấu vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực. Tĩnh không thông thuyền của cầu rộng 250 m, cao 48,4 m. Cầu gồm ba trụ tháp hình chữ H và bốn nhịp dây văng hình nan quạt. Trong đó, trụ tháp giữa cao 99,74 m, hai trụ tháp hai bên cao 94,5 m.

Cầu Công trình Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, khởi công ngày 25/1/2015, được Trungnam Group, phối hợp với Tập đoàn SE – Nhật bản và liên danh các nhà đầu tư khác thực hiện theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư 7,760 tỉ đồng, khánh thành 1/9/2018.

Được biết sau 2 tháng đi vào lưu thông cầu đã có hiện tượng bề mặt không bằng phẳng, đơn vị chủ đầu tư sau đó đã phải bù vênh để đảm bảo an toàn cũng như thẩm mỹ của cây cầu.

Minh Hưng