Ông bà xưa thường nói: “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, nhưng đối với gia đình tôi thì ngược lại hoàn toàn. Bánh đúc có xương…

banh-duc-co-xuong
Ảnh minh họa

Mẹ tôi qua đời khi tôi lên 10 tuổi vì căn bệnh ung thư quái ác. Thời gian ấy, ba tôi dường như hụt hẫng hoàn toàn, không thiết gì với cuộc sống, bởi ba quá yêu thương mẹ. Sau ngày mẹ mất, ba cố gắng làm tròn bổn phận của một người cha kiêm luôn người mẹ. Nhưng nỗi nhớ da diết về một người vợ nhân từ không làm ba gượng dậy nổi từ trong đau khổ. Ba mất dần đi tính mẫu mực, bê trễ việc nhà, thường xuyên chén tạc chén thù cùng bè bạn. Bà nội tôi nhiều lần khuyên can, cộng thêm những lời nói hồn nhiên của tôi nhưng ba vẫn mặc nhiên. Thậm chí bà còn uy hiếp ba bằng cách tuyệt thực. Vô tác dụng! Nội tôi hết cách, đành buông xuôi mọi việc, phó thác cuộc sống vô độ của ba cho số phận.

3 năm sau, ba quen dì thật tình cờ. Dì là chủ quán nước bình dân bên cạnh trường học, nơi ba tôi được mời thỉnh giảng. Nghe ba kể lại, hôm ấy, bà cùng các thầy ngồi uống nước trong quán của dì. Vô tình ba đánh vỡ ly. Ba cuống cuồng lên, vội xin lỗi dì và muốn bồi thường chiếc ly đó. Dì nhoẻn miệng cười, một nụ cười thân thiện y hệt như mẹ tôi (nụ cười đã từng hớp hồn ba, xua tan đi mọi sự mệt mỏi trong ba). Chẳng những dì không đòi bồi thường mà còn pha ly cà phê khác tặng ba.

Thời gian thỉnh giảng ở trường này đã mang lại cho ba tôi những khoảnh khắc đáng nhớ, đó là quen được dì. Dì thường kể với ba, cuộc đời dì rất đau khổ. Dì bị chồng và gia đình chồng ruồng rẫy vì những hủ tục phong kiến khi dì không có khả năng làm thiên chức của một người mẹ. Dì chán đời, lắm lúc muốn khai tử chính mình cho xong chuyện. May thay, dì được một sư nữ khuyên nhủ, đưa dì về từ ngưỡng cửa của quỷ môn quan. Rồi dì mở quán nước để lấp đi khoảng trống cô đơn, tẻ nhạt. Nhờ có duyên ăn nói, lại có chút nhan sắc nên quán của dì lúc nào cũng đông giáo viên và học sinh.

Hai hoàn cảnh bất hạnh gặp nhau, có chung một tiếng lòng, nên nói chuyện rất tâm đầu ý hợp. Thời gian sau, ba ngỏ ý muốn cùng dì chung một mái nhà. Dì không nói, chỉ giấu vẻ hạnh phúc của mình sau mái tóc dài óng mượt.

Ngày dì về sống chung với ba, dường như mọi chuyện thay đổi hẳn. Ba không còn về khuya, bước đi loạng choạng vì say rượu, quan tâm đến tôi và nội nhiều hơn, việc làm cũng hiệu quả thấy rõ. Nội tôi tỏ ra ưng bụng với sự tháo vát, nhanh nhẹn và hòa đồng của dì. Nói chung, ai cũng quý mến dì. Thú thật, lúc đầu tôi cũng muốn trở mặt với dì vì tình thương của ba dành cho tôi đã bị chia nửa. Nhưng rồi tôi đã suy nghĩ lại về những gì dì đã làm cho cả gia đình tôi, và cả riêng tôi. Dì giúp ba tôi khôi phục lại ý chí của một người đàn ông, giúp ba trong việc buôn bán, chuyện nhà, nương rẫy... Cũng nhờ dì, gia đình tôi từ một hộ khó khăn đã đi lên khá giả. Thấy tôi mỗi ngày đi bộ gần 3 cây số đi học, dì xót dạ. Dì đã bỏ ống, dành dụm tiền trong mấy tháng để mua cho tôi chiếc xe đạp Martin để tiện việc đi học. Tôi mừng lắm, cả đêm không ngủ vì có một chiếc xe mới và có một người dì tuyệt vời.

Ba thường bảo tôi, phải nên xem và gọi dì là mẹ ruột của mình, không nên phân biệt. Tôi bảo với bố: "Con sợ có lỗi với mẹ". Ba xoa đầu tôi cười: "Mẹ không trách con đâu. Ngược lại mẹ còn ủng hộ con đó. Dì xứng đáng được làm người mẹ thứ hai của con bởi dì đã thay mẹ lo chu tất cho nhà ta". Tôi nhận ra rằng mình quá ích kỷ với hiện tại, chỉ khư khư ôm giữ quá khứ. Tôi hứa với ba sẽ chính thức gọi dì là mẹ ngay trong ngày sinh nhật dì.

Chiều hôm đó, tôi đạp xe 5 cây số ra chợ huyện mua một chiếc bánh sinh nhật tặng dì. Tối đến, cả nhà quây quần bên mâm cơm, tôi bê chiếc bánh kem ra và hát vang bài Happy birthday. Kết thúc bài hát, tôi khẽ khàng gọi: "Con chúc mừng sinh nhật mẹ". Mẹ hạnh phúc, mắt đỏ hoe, ôm tôi vào lòng vuốt ve, thốt ra lời cảm ơn ngẹn ngào. Ông bà xưa thường nói: “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, nhưng đối với gia đình tôi thì ngược lại hoàn toàn. Bánh đúc có xương…

 

Nguyễn Hoàng Duy / baonhandao