(NĐ&ĐS) – Do xu hướng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) ngày càng nhiều gây nhiễm độc nguồn nước, ô nhiễm môi trường sống, cùng với đó rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng là vấn đề đặt ra nhiều thách thức đối với môi trường.
- Bộ trưởng Nông nghiệp yêu cầu kiểm soát các loại thuốc bảo vệ thực vật
- Mương rác thải giữa Thủ đô gây ô nhiễm môi trường
- Tái chế rác thải nhựa tiết kiệm 15 tỷ đồng mỗi năm

Hiện nay, những hoá phẩm nông nghiệp không nhãn mác, các chai lọ bằng nhựa, thủy tinh hay kim loại hoặc những gói thuốc thậm chí cả những lọ thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa được sử dụng hết đã và đang được vứt bỏ không đúng cách là những chất thải nguy hại hàng đầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Mối đe doạ lớn đối với nguồn nước
Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) và Viện Quản lý Nước Quốc tế, ở nhiều nước trên thế giới, trong các nguồn gây ô nhiễm nước lớn nhất hiện nay là nông nghiệp. Đây là mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khoẻ con người và hệ sinh thái, đặt ra nhiều áp lực và thách thức về việc bảo vệ môi trường sống.
Do hiện tượng thấm nước mà dư lượng các loại thuốc trừ sâu cũng như phân bón ở các vùng sản xuất nông nghiệp có thể gây ô nhiễm nước ngầm và đất. Sự có mặt của những chất này, kể cả khi có nồng độ rất nhỏ cũng gây những hậu quả nghiêm trọng.

Đặc biệt, nước ta tại các khu vực nông thôn, nhận thức người dân còn thấp, các nguồn nước sông ngòi, nước ngầm vẫn được sử dụng làm nước sinh hoạt. Các nguồn bệnh từ chăn nuôi như thuốc trừ sâu, ni-tơ trong nước ngầm, các nguyên tố kim loại và các chất gây ô nhiễm mới nổi, bao gồm kháng sinh và gien kháng kháng sinh được bài tiết bởi gia súc theo chuỗi thức ăn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường trên toàn bộ quy mô canh tác.
Hình thức canh tác nông nghiệp tại một số địa phương còn lạc hậu, việc sử dụng phân động vật tươi hoặc ủ chưa đảm bảo còn phổ biến, gây nhiễm bẩn nguồn nước bởi những thành phần hữu cơ và vi sinh vật trong chất thải động vật.
Không những thế, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp còn có nuôi trồng thuỷ sản cũng là mối đe doạ đến ô nhiễm môi trường nước. Hiện nay, các khu vực nuôi trồng thủy sản chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, tự phát và chưa có biện pháp xử lý nước thải trong trường hợp xảy ra sự cố nhiễm độc nguồn nước, sự cố cá chết, nước thải sau khi thay thế được thải trực tiếp ra ngoài môi trường gây ô nhiễm nguồn tiếp nhận, đặc biệt là phát tán nguồn bệnh trong khu vực.
Huỷ hoại môi trường nông thôn

Các loại chất thải nông nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều tại các vùng nông thôn trong khi khả năng đầu tư cho xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rất hạn chế. Do vậy, người dân nông thôn đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Hiện nay, phần lớn các chất thải sinh hoạt, các loại rác thải nông nghiệp không được phân loại tại nguồn, vứt bừa bãi ra môi trường. Lượng rác thải tồn đọng tại các kênh, mương khá lớn và phổ biến, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, gia tăng gánh nặng bệnh tật.
Các loại chất thải còn bám lại trên bỏ bao bì, các chai lọ hoặc các gói hóa chất là chất thải rắn rất độc hại. Tuy nhiên, đa số người dân đều chưa có ý thức thu gom để xử lý rác thải nông nghiệp một cách tập trung. Thậm chí có những nơi rác thải nông nghiệp tràn ngập tại các kênh mương hoặc tại các nơi đất trống, điều này không những ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đến môi trường sống của người dân.
Không còn là chuyện của riêng ai

Vấn đề rác thải nông nghiệp cũng như các loại rác thải khác thải ra môi trường ngày càng nhiều mà không qua xử lý, khiến nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức suy thoái về môi trường. Nên việc bảo vệ môi trường cần được gắn chặt với trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân và mọi người dân.
Cách tốt nhất để giảm thiểu các áp lực đối với các hệ sinh thái dưới nước cũng như môi trường sống là chú trọng công tác huy động người dân, đặc biệt là người dân nông thôn cùng chung tay, nâng cao ý thức để việc bảo vệ môi trường đi vào nếp sống mỗi người.
Bên cạnh đó, thường xuyên thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp sau khi sử dụng vứt đúng nơi quy định. Áp dụng các biện pháp xử lý nước thải sinh hoạt, nước rỉ rác là cần thiết. Thường xuyên định kỳ sử dụng các vi sinh xử lý hầm tự hoại nhằm phân hủy vi khuẩn trước khi thải ra cống thành phố.
Ý kiến bạn đọc