(NĐ&ĐS) - Hà Giang có lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất từ năm 1961 đến nay và sẽ xuất hiện đợt lũ trên sông Lô, có thể lên mức báo động 2-3.

Ngày 20 và ngày 21/7, tại tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa lớn, gây lũ ống, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa của nhân dân, công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là tại các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Mê, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.

SuzPDOyUVk2rAM0Kz1986908399991_eef67cde0388fc33e1268ae6e6bea3e7
Mưa lũ, sạt lở đất ở Hà Giang gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, mưa lũ tại Hà Giang đã khiến 5 người chết và 2 người bị thương, khiến 2 nhà bị sập, cuốn trôi; 57 nhà bị thiệt hại; 524 nhà bị ngập; 215 ha lúa và hoa màu, 5ha cây lâm nghiệp, 24 ha ao cá, 11 con gia súc và nhiều gia cầm bị thiệt hại.

Thiệt hại về giao thông: Sạt lở, phá hủy nhiều tỉnh lộ, quốc lộ, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Hà Giang với ước tổng thiệt hại trên 80 tỷ đồng (chưa tính thiệt hại về thủy điện).

sKk-9hE7AUKCWyY9z1986908397989_0ff58e827723ccb0a68d3f81774b4f53
Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai kiểm tra tại cầu Thôn Trang, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

UBND thành phố Hà Giang cảnh báo người dân hạn chế di chuyển (trừ trường hợp cần thiết), để giảm thiểu thiệt hại về người do ngập lụt, di dời tạm thời tài sản đến nơi khô ráo, an toàn. Sau khi nước rút, huy động các lực lượng triển khai các biện pháp khắc phục (khơi thông, rửa dọn nhà và đường phố, khu vực dân cư); Sở Công Thương chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên Sông Miện và Sông Lô thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp cung cấp thông tin vận hành đón, xả lũ các nhà máy thủy điện trên Sông Miện, Sông Lô. Khi xả lũ, thông báo và cảnh báo đến chính quyền và người dân khu vực hạ du các nhà máy để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Lý giải nguyên nhân đợt mưa lớn này, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho hay, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao đã gây ra mưa rào và dông cho các tỉnh Bắc Bộ, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to. Đặc biệt mưa lớn đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Lượng mưa phổ biến trong 24 giờ đạt từ 100 – 300mm.

"Tại Thành phố Hà Giang có mưa đặc biệt to, lượng mưa từ 19h ngày 20.7 đến 19h ngày 21.7 đạt  347 mm. Đây là lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay" - Tiến sĩ Lâm nhận định.

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, mực nước thượng lưu sông Lô tại Hà Giang đã lên nhanh, biên độ lũ lên khoảng 5,8m, đạt mức 101,37m, trên mức báo động 2 là 0,37m, hiện nay đang xuống nhanh, đã xuống dưới báo động 1. Ngập lụt do mưa lớn tại các vùng trũng, thấp đã diễn ra tại TP. Hà Giang, huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Mê. Sạt lở đất đã xảy ra tại huyện Hoàng Su Phì, huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang. 

Dự báo mùa mưa lũ

Khu vực Bắc Bộ trong mùa mưa bão tập trung vào giai đoạn từ tháng 8 đến giữa tháng 10, khu vực Bắc Trung Bộ mùa mưa bão tập trung giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11.

Khu vực Bắc Bộ dự báo tổng lượng mưa tháng 7.2020 phổ biến ở mức thiếu hụt khoảng từ 10-25%; tháng 8, tháng 10, tháng 11.2020 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tháng sẽ 9 cao hơn trung bình nhiều năm.

Đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ tháng 7-10.2020 phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 2 cao hơn năm 2019, riêng trên sông Thao, sông Hoàng Long và các sông suối nhỏ từ báo động 2 - báo động 3. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.

Đức Long