(NĐ&ĐS) - Dự án "Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế xã hội đối với nạn nhân bom mìn" đã được triển khai từ năm 2009 đến nay tại Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi.

Tiếp nối các hoạt động trong dự án, ngày 2/6 tại Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị triển hoạt động trong năm 2020. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký T.Ư Hội CTĐ Việt Nam cho biết: Hiện nay, ngoài Chương trình "Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế xã hội của nạn nhân bom mìn", hàng năm, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đang tập trung hỗ trợ Hội CTĐ Việt Nam trong các hoạt động tuyên truyền Luật Nhân đạo Quốc tế và các Nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, đào tạo các tập huấn viên ở cấp Trung ương và tỉnh/thành Hội, công tác tìm kiếm tin tức thân nhân. Hội CTĐ Việt Nam đang phối hợp với ICRC và Hiệp hội Quốc tế thảo luận về sự hợp tác phối hợp trong tìm kiếm tin tức thân nhân khi xảy ra thảm họa.

image2 (2)
Ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký T.Ư Hội phát biểu tại hội nghị. 

Để Chương trình "Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế xã hội của nạn nhân bom mìn" năm 2020 được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, đồng thời tiếp tục khẳng định năng lực triển khai dự án, uy tín của các cấp Hội đối với nhà tài trợ và Trung ương Hội, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký T.Ư Hội cũng đề nghị Hội Chữ thập đỏ các tỉnh dự án thực hiện một số nội dung sau: Thảo luận kỹ các nội dung tại Hội nghị, Xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động theo định hướng của Ban quản lý dự án Trung ương Hội.

Ông Nguyễn Hải Anh cũng đề nghị, ngay sau Hội nghị này, cần khẩn trương triển khai hoạt động tại địa phương theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động trong thực hiện một số dự án về giảm thiểu tác động của hậu quả bom mìn tại một số tỉnh miền Trung thông qua Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ (ICRC).

Trong đó tập trung ở một số lĩnh vực như: Truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về tác động bởi hậu quả do bom mìn vật liệu nổ; phương pháp phòng tránh; huấn luyện sơ cấp cứu khi sự cố xảy ra; hỗ trợ vốn sinh kế cho các đối tượng bị thương tật do bom mìn; hỗ trợ công cụ, phương tiện phục hồi chức năng. Các hoạt động này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Dự án "Phòng ngừa thương tích và giảm thiểu những tác động bất lợi về kinh tế xã hội đối với nạn nhân bom mìn" đã được triển khai từ năm 2009 đến nay với kinh phí mỗi năm từ 40.000-50.000 USD, tại tỉnh Quảng Trị (2009 – 2011); Quảng Bình, Quảng Trị (2011 – 2015); Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế (2016 – 2018); năm 2019 – 2020: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi. Trong 11 năm triển khai Dự án, các cấp Hội đã tuyên truyền cho hơn 40.000 lượt người trong đó có nhiều học sinh trong các trường học; hỗ trợ gần 1.000 hộ gia đình vốn sinh kế và dụng cụ phục hồi chức năng. Trong năm 2019, ICRC và VNRC NHQs đã tiến hành khảo sát ban đầu tại Hà Giang, theo kế hoạch sẽ triển khai đánh giá sâu về khả năng thực hiện WeC tại Hà Giang vào năm 2020.

Nho Quế