(NĐ&ĐS) - Công trình tư gia này nằm trên địa bàn ấp Phú Thứ, xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, có diện tích gần 1ha với nhiều hạng mục đặc biệt… được cho là của bà Phạm Mai Hoa, vợ một lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Nổi tiếng phim trường Limli

Mới đây có dịp về thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, chúng tôi được một tài xế taxi giới thiệu: Các anh muốn có không gian đẹp để ngồi nhậu cho thơ mộng, nhậu xong có chỗ nghỉ ngơi, café hoặc hát hò luôn, em sẽ đưa các anh về phim trường limli… Chúng tôi tò mò đáp lại: Phim trường đó chắc thú vị lắm?

limli-3
Phim trường Limli

Gần 30 phút di chuyển từ trung tâm thị xã Bến Cát, chiếc taxi đưa chúng tôi qua Tỉnh lộ 748 về xã Phú An, thị xã Bến Cát. Cách UBND xã Phú An khoảng 5km, anh tài xế taxi chầm chậm đưa chúng tôi qua con đường đất đỏ chỉ vừa cho 2 xe con tránh nhau, đi qua ấp Phú Thuận để đến với phim trường Limli tại ấp Phú Thứ. Khác với con đường đất đỏ dẫn chúng tôi đến với phim trường, khuôn viên phim trường là một quần thể giải trí khá đa dạng các dịch vụ, từ giải khát, phòng hát Karaoke, dịch vụ ăn uống… Đặc biệt, phim trường Limli bố trí những khu vực tiểu cảnh phục vụ khách đến chụp hình lưu niệm. Có lẽ đây là yếu tố mà phim trường Limli gây ấn tượng nhất, tạo dấu ấn cho khách đến phim trường này.

Sự thú vị khi đến với phim trường Limli là vậy, nhưng chúng tôi không khỏi băn khoăn về sự xuất hiện của phim trường Limli và sự biến mất của bờ sông Sài Gòn nơi đây. Bằng mắt thường chúng tôi cũng xác định ngay được rằng, quần thể phim trường Limli là một công trình đang nằm chềnh ềnh trên hành lang an toàn sông Sài Gòn, thuộc địa bàn ấp Phú Thứ, xã Phú An.

limli-2
Lối vào trong khuôn viên công trình "nuốt chửng" hành lang an toàn đường bộ và hành lang an toàn sông Thị Tính.

Tìm hiểu về tính pháp lý của khu đất và hoạt động xây dựng, kiến thiết của phim trường Limli, chúng tôi được biết: Đây là một quần thể giải trí phục vụ khách rất chuyên nghiệp, nằm trên diện tích hàng nghìn m2, nhưng tại khuôn viên phim trường Limli chỉ có 300m2 là đất ở nông thôn, còn lại là diện tích đất trồng cây lâu năm. Hiện tại phim trường này đã “nuốt chửng” hành lang an toàn đường bộ và hành lang an toàn sông tại khu vực này.

limli
Công trình vi phạm "nuốt chửng" hành lang an toàn sông của bà Phạm Mai Hoa

Thắc mắc về sự xuất hiện bành trướng của phim trường Limli trên phần lớn diện tích đất nông nghiệp này, chúng tôi nhận được câu trả lời: Ở đây còn có đất ở được phép xây dựng rồi chỉ lấn thêm ra đất nông nghiệp và hành lang sông, chứ bên nhà bà Hoa còn 100% là đất trồng cây vẫn ngang nhiên xây dựng và những công trình kiến trúc kiên cố mọc lên cũng có vấn đề gì đâu?...

Thật ngạc nhiên trước câu trả lời, mặc dù chưa chứng kiến công trình được cho là của bà Hoa, nhưng chúng tôi càng thêm sự tò mò về công trình vừa được nêu. Vậy bà Hoa là ai? Vì sao bà Hoa lại có sức mạnh làm nên điều rất khó như vậy?

Công trình vi phạm khủng là của ai?

Theo chỉ dẫn của một người xuất hiện ở phim trường Limli, chúng tôi tìm đến nơi có công trình được cho là của bà Phạm Mai Hoa. Hỏi thăm vào nhà bà Phạm Mai Hoa, thật bất ngờ một số người chỉ đường cho chúng tôi đến một công trình vi phạm.

limli-1
Sơ đồ thửa đất của bà Phạm Mai Hoa nhận chuyển nhượng từ bà Yến

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình vi phạm nói trên nằm trên thửa đất 638 thuộc tờ bản đồ số 29, có diện tích 9.000m2. Đây là thửa đất được bà Phạm Mai Hoa, (có địa chỉ tại 134/4 đường 30/4, KP2, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) nhận chuyển nhượng của bà Bùi Thị Bạch Yến ngày 10/08/2016 với tình trạng đất cụ thể là: 441m2 đất thuộc hành lang an toàn đường bộ; 2.250m2 đất thuộc hành lang bảo vệ sông; còn lại 6.309m2 là đất trồng cây lâu năm. Mặc dù không có m2 đất nào là đất ở trong số 9.0002 đất nói trên, nhưng sau khi bà Phạm Mai Hoa nhận chuyển nhượng của bà Bùi Thị Bạch Yến, khu đất này bắt đầu được san lấp, rồi các công trình kiến trúc thi nhau mọc lên.

Đây là một quần thể nhiều công trình kiên cố nằm ngay khu vực ngã ba sông Sài Gòn và sông Thị Tính. Phần diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ sông được đóng cọc, san lấp để xây dựng bờ kè, lấn chiếm cả lòng sông, toàn bộ diện tích đất thuộc hành lang an toàn đường bộ cũng biến mất trong quần thể công trình kiến trúc bao gồm cả nhà nghỉ, nhà thủy tạ…

limli-4
Cánh cổng công trình vi phạm trên đất của bà Phạm Mai Hoa luôn khép kín.

Thắc mắc trước việc công trình vi phạm khủng trên đất nông nghiệp, đất bảo vệ hành lang đường bộ và hàng lang an toàn sông, nhiều người dân địa phương chỉ cười nhạt: Của người nhà quan to đấy. Ai dám xử lý?

Chứng kiến quy mô công trình, chúng tôi không khỏi băn khoăn rằng, ai đã xây dựng những công trình kiến trúc kiên cố vi phạm trên đất nông nghiệp, đất bảo vệ hành lang đường bộ và hàng lang an toàn sông mà bà Phạm Mai Hoa đang là chủ sở hữu? Chúng tôi đến tìm câu trả lời tại UBND xã Phú An, thị xã Bến Cát. Tìm mỏi mắt tại trụ sở UBND xã Phú An, chúng tôi không thấy phòng nào gắn biển “Chủ tịch UBND xã”, khi gọi vào số máy 0986122505 được cho là của bà Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Hà, người nhận cuộc gọi nghe phóng viên giới thiệu và liên hệ làm việc liền nói “đang bận” rồi tắt máy.

Nguyễn Khuê