(NĐ&ĐS) - Novaland (mã: NVL) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu phấn đấu đạt 14.877 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.650 tỉ đồng.

Sáng 5/6, Đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Novaland (mã: NVL) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu phấn đấu đạt 14.877 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.650 tỉ đồng. Công ty cho biết có thể giải ngân 290 triệu USD vốn ngoại để phục vụ các dự án trong năm nay.

Năm 2020 doanh thu tăng 36%

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, từ năm 2018, thị trường bất động sản gặp khó khăn do rà soát pháp lý. Trên thực tế, Novaland đã được tháo gỡ nhiều dự án nhưng vẫn có trường hợp gặp vướng mắc. Năm 2020 là năm thứ 3, Novaland triển khai chiến lược kinh doanh giai đoạn 2, bên cạnh việc phát triển quỹ đất trung tâm TP.HCM thì còn nhắm đến các khu đô thị vệ tinh và bất động sản nghỉ dưỡng…

Tháng 6/2019, mô hình đô thị sinh thái đầu tiên ở Đồng Nai – Aqua City được ra mắt. Công ty còn giới thiệu hàng loạt mô hình dự án mới với quy mô lớn, tiêu biểu như NovaWorld Mekong (tại Đồng bằng sông Cửu Long), NovaWorld Phan Thiet, NovaHills Mui Ne Resort & Villas (tại Bình Thuận), NovaWorld Ho Tram (tại Bà Rịa - Vũng Tàu)... đang được ráo riết hoàn thiện và triển khai.

Sau dịch bệnh Covid-19, Novaland trình ĐHCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu doanh thu thuần 14.877 tỉ đồng, tăng 36% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế 3.650 tỉ đồng, tăng trưởng 8%.

Doanh thu và lợi nhuận năm nay dự kiến sẽ đến từ 10 dự án bất động sản vào giai đoạn bàn giao, chủ yếu là chung cư cao cấp ở quận 2, quận 7, Nhà Bè… và một phần dự án NovaHills Mũi Né, NovaWorld Hồ Tràm.

Lãnh đạo Tập đoàn Novaland cho biết, năm ngoái, công ty đã hoàn thành 100% kế hoạch bán hàng với 6.500 sản phẩm và sẽ bán ra 8.000 sản phẩm bất động sản các loại trong năm nay. Nhận định 2020 là một năm đầy thách thức, do ảnh hưởng của dịch bệnh trong bối cảnh kinh tế vi mô và vĩ mô có nhiều thay đổi, Novaland vẫn được kỳ vọng sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra, thông qua những biện pháp quyết liệt để ứng phó, để thích nghi.

Tập đoàn vẫn giữ chiến lược dài hạn nhưng về trung hạn và ngắn hạn, sẽ tập trung vào những dự án có những sản phẩm có nhu cầu thiết thực, phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng.  Novaland cũng sẽ hợp tác với nhiều đối tác, triển khai nhiều giải pháp tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, quản trị dòng tiền chặt chẽ…

Át chủ bài “kiềng 3 chân”

Ở giai đoạn 2, Tập đoàn Novaland xác chiến lược kinh doanh "kiềng 3 chân" dựa vào việc phát triển 3 dòng sản phẩm. Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc công ty cho biết quỹ đất của Novaland khoảng 5.000 ha, đảm bảo cho đà tăng trưởng từ 10 – 15 năm tới.

5720_Novaland_dhcd_2020
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland chia sẻ về chiến lược kinh doanh của Novaland tại ĐHCĐ thường niên năm 2020.

Du lịch đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng theo các chuyên gia đó chỉ là những khó khăn ngắn hạn, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại sớm ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo khảo sát của CBRE, ngành du lịch Việt Nam có 82,5% là khách hàng nội địa. Hiện nay du lịch nội địa đã bắt đầu hồi phục sau thời gian dài thực hiện dãn cách xã hội. Nhu cầu trong nước là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của bất động sản Nghỉ dưỡng sau đại dịch.

Đặc biệt đối tượng du lịch chính tại Việt Nam trong thời gian qua là khách du lịch nội địa (chiếm 82,5% số lượng khách du lịch năm 2019), và khách du lịch quốc tế từ Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ giúp thị trường du lịch Việt Nam hồi phục nhanh vào thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát.

"Novaland đã xây dựng các kịch bản và mô hình tài chính stress test tối đa trong trường hợp Covid-19 kết thúc vào thời điểm tháng 6, tháng 9 và tháng12/2020. Thông qua đó cho phép Ban Lãnh đạo tập đoàn đánh giá tính ổn định của tình hình kinh doanh, dòng tiền và khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ đến hạn trong năm 2020 và 2021. Song song đó, chiến lược thoái vốn tại một số dự án đã đạt kỳ vọng lợi nhuận để đầu tư vào các dự án mới có IRR cao hơn. Đồng thời,Tập đoàn đã chủ động rà soát và cắt giảm chi phí nhằm tối ưu hóa hiệu quả công việc và đảm bảo tính liên tục trong vận hành và hoạt động kinh doanh của Novaland", ông Huy nói.

Huy động 290 triệu USD vốn ngoại

Về hoạt động sử dụng huy động vốn, lãnh đạo Novaland cho biết đã giải ngân 310 triệu USD từ nguồn 600 triệu USD vốn ngoại được huy động thành công trong năm 2019. Theo kế hoạch, 290 triệu USD có thể được giải ngân vào năm 2020. Novaland kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch loại này được thực hiện vào năm 2020 và những năm tới.

Đối với thị trường vốn trong nước, Novaland đang duy trì mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với các ngân hàng lớn như: VPBank, MBBank, BIDV, Agribank...

Ban lãnh đạo Novaland, cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách thắt chặt tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại có nhiều sự lựa chọn hơn trong hoạt động cho vay. Theo đó, Novaland được hưởng lợi từ chính sách này vì các ngân hàng sẽ tập trung hơn vào việc cho vay đối với các Công ty bất động sản có uy tín, quy mô lớn.

Kế hoạch phát hành ESOP 1,5%, điều chỉnh giá phát hành cổ phiếu chuyển đổi trái phiếu

HĐQT Novaland có tờ trình kế phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) năm 2020 với tỉ lệ tối đa 1,5% cho Thành viên HĐQT và người lao động theo danh sách được HĐQT pê duyệt. Giá bán do HĐQT phê duyệt nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/CP. Việc thực hiện phát hành chậm nhất đến quý 1/2021.

HĐQT trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu. Theo đó, giá chuyển đổi mới là 60.000 đồng/CP, theo tỉ giá 22.773 VND/USD và được điều chỉnh theo từng thời điểm theo các sự kiện điều chỉnh giá chuyển đổi. Tỉ lệ chuyển đổi là 75.910 CP/trái phiếu, thay vì 64.149 CP/trái phiếu. Thời gian thực hiện trong năm 2020.

Nguyễn Nhuận