(NĐ&ĐS) - Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, bệnh nhân mắc COVID-19 số 437 đang trong tình trạng nguy kịch, được sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo).

Covid-19 (367 tin)

Thông tin từ Tiểu ban Điều trị cho biết, bệnh nhân số 437 là nam, 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Bệnh nhân tiền sử mắc suy thận mạn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 27/7/2020. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Các chuyên gia hàng đầu liên tục hội chẩn, hỗ trợ trực tiếp bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân này.

BN437
Ảnh minh họa

Tính đến ngày 30/7, Việt Nam có thêm một số ca bệnh nặng đang điều trị tại các bệnh viện Đà Nẵng, đặc biệt là các bệnh nhân tiên lượng rất nặng: BN 416, BN 418, BN 428, BN 431, BN 436, BN 437, BN 438; một số bệnh nhân tiên lượng nặng lên như BN 429, Bn 426, BN 427, BN 430, BN 422, BN 433... Đa phần trong số đó là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị đề nghị các cơ sở y tế tập trung nguồn lực, dốc sức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19; nhưng phải chú trọng bảo vệ nhân viên y tế

Trước đó, chiều ngày 30/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đang tập trung toàn lực hỗ trợ, chia sẻ với TP Đà Nẵng trong việc xét nghiệm, truy vết, dập dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19...

Bộ Y tế nhận định tình hình dịch COVID-19 tại TP Đà Nẵng phức tạp, ổ dịch lớn nhất phần lớn ở khu vực của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng (hiện đã được phong tỏa toàn bộ).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cử thêm đội công tác tinh nhuệ do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vào hỗ trợ Đà Nẵng. Hiện có khoảng 30 y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai là các chuyên gia có kinh nghiệm đang giúp Đà Nẵng về hồi sức, phòng chống nhiễm khuẩn, thận nhân tạo, điều trị, giám sát, xét nghiệm.

Viện Pauster TP. Hồ Chí Minh cũng đã đưa lực lượng đến Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm. Bệnh viện của Bộ Công an cũng lập labo xét nghiệm và Bộ Quốc phòng cũng hỗ trợ Đà Nẵng bằng việc đưa labo xét nghiệm di động đến. Năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng đã được nâng lên rất nhiều. Hiện năng lực xét nghiệm tại thành phố này đã lên hơn 7.000 mẫu xét nghiệm/1 ngày

Bộ Y tế cũng điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế. Trước đó, các máy thở, máy ECMO cũng đã được Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy mang đến Đà Nẵng “chi viện” cho địa phương này thêm nguồn lực, vật tư thiết bị chống dịch.

M.Tâm