(NĐ&ĐS) - Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, sau hơn 3 năm thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT- XH vùng dân tộc thiểu số, nhiều mục tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn.

2t5
Hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu được hỗ trợ để phát triển kinh tế

Theo quyết định này, Quảng Ninh đã lập Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm hỗ trợ cho 5.852 hộ dân tộc thiểu số, miền núi sinh sống tại 11/14 huyện, thị xã, thành phố với mong muốn, đến hết 2019, những bức xúc về đời sống, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được cải thiện, giảm dần chênh lệch phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác của tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, mặc dù số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được điều chỉnh giảm từ 5.852 hộ ban đầu xuống còn 4.645 hộ (giảm 1.180 hộ, tương đương 20% số hộ ban đầu được phê duyệt), nhưng chỉ tính riêng hoạt động hỗ trợ vay vốn từ ngân sách của tỉnh, từ Ngân hàng chính sách xã hội mới có 4.210 hộ tiếp cận được các nguồn vốn này. Do vậy, kế hoạch hỗ trợ vốn vay từ ngân sách mới đạt 79,4% kế hoạch đề ra; mới đạt 93,5% số hộ thực hiện vay vốn hỗ trợ từ Ngân hàng chính sách xã hội – chi nhánh tỉnh Quảng Ninh.

Đối với các tiêu chí như hỗ trợ về đất bao gồm hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất còn có nhiều tiêu chí đạt thấp. Cụ thể, theo kế hoạch, Quảng Ninh sẽ hỗ trợ cho 256 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo tại các thôn, bản sống ở địa bàn có điều kiện khó khăn về nhà ở được hỗ trợ trực tiếp bằng việc giao đất ở từ nguồn quỹ đất của địa phương; được hỗ trợ bằng tiền để thực hiện san gạt đất ở đồi núi thành khu vực bằng phẳng để tiện sinh sống. Tuy nhiên, mới có 105 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo được hưởng lợi từ chính sách này. Đến nay, vẫn còn 151 hộ, chiếm hơn 58% kế hoạch đề ra chưa được hưởng lợi từ chính sách này.

Nguyên nhân được xác định do một số địa phương chưa có quỹ đất ở xen cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; thủ tục chuyển đổi từ đất rừng sang đất ở còn nhiều “rào cản” khiến bà con dân tộc thiểu số ngại thực hiện việc chuyển đổi để cải thiện điều kiện sống.

Tương tự, đối với việc hỗ trợ đất sản xuất cho 750 hộ để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khai hoang đất sản xuất, chuyển đổi nghề đối với 92,19 ha đất làm tư liệu sản xuất cũng chưa đạt mục tiêu đề ra. Còn 105 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo sống ở vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn chưa tiếp cận với chính sách này khiến cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số này chưa thể giải quyết được việc làm tại chỗ, chưa tăng thu nhập, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế người dân, chưa giải quyết triệt để việc giảm nghèo bền vững.

Nguyên nhân được xác định do các địa phương như TP Hạ Long, huyện Ba Chẽ, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiếu số nghèo sinh sống thì quỹ đất sản xuất và đất ở không còn; các thủ tục quy hoạch, cấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đối với những loại đất này còn phức tạp khiến cho việc thực hiện hỗ trợ đất sản xuất lâm nghiệp cho hộ dân theo Đề án được Quảng Ninh phê duyệt gặp khó.

Nam Khánh - Minh Hưng