(NĐ&ĐS) - Là Thạc sĩ, giảng viên Khoa Ngôn Ngữ Anh Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh - Ma Diên Lệ (sinh năm 1995), với thân hình nhỏ nhắn, nụ cười tỏa nắng và mái tóc ngang vai, yêu thích công việc thiện nguyện, luôn năng nổ trong phong trào vận động hiến máu.

Cô giáo trẻ đầy bản lĩnh ấy là thành viên kì cựu của CLB Hành trình đỏ Lâm Đồng, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (Vietnam RedCross Volunteer) và là tình nguyện viên xuất sắc của Hành trình đỏ Kiên Giang 2020.

nu-giang-vien-tre-hang-hai-tham-gia-hanh-trinh-do-kien-giang-2020-1
Tình nguyện viên Ma Diên Lệ tham gia Hành trình đỏ Kiên Giang 2020

Ma Diên Lệ sinh ra tại Lâm Đồng, trong điều kiện học tập khó khăn, cô gái vùng Tây Nguyên hùng vĩ luôn giữ cho mình quyết tâm và ý chí vươn lên trong học tập. Đỗ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TP. Hồ Chí Minh năm 2013 với số điểm cao, đạt á khoa đầu ra với tấm bằng xuất sắc khi tốt nghiệp, cô được giữ lại trường công tác, hiện cô đang là giảng viên trẻ môn Ngôn ngữ Anh được nhiều bạn sinh viên yêu quý.

Vào năm 2015, khi tham gia CLB Hành trình Đỏ Lâm Đồng, Diên Lệ phát hiện mình bị bệnh Thalassemia dạng ẩn. Căn bệnh mà lúc cô tham gia câu lạc bộ đã cùng mọi người tìm hiểu và tuyên truyền. Nhưng Lệ cũng không thể ngờ rằng chính bản thân mình cũng đang mang trong mình căn bệnh ấy.

nu-giang-vien-tre-hang-hai-tham-gia-hanh-trinh-do-kien-giang-2020-2
Tình nguyện viên Ma Diên Lệ chụp ảnh lưu niệm cùng anh Nguyễn Trung Dũng - Phó TGĐ Công ty Cổ phần VTVCorp, Trưởng BTC Hành trình đỏ Kiên Giang 2020

"Gia đình mình là dân tộc Tày nên những kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh còn rất hạn chế, bố mẹ Lệ trước khi lấy nhau cũng chưa biết gì về căn bệnh này và ít có điều kiện đi xét nghiệm tiền hôn nhân tại địa phương, mãi đến sau này khi bác sĩ chẩn đoán thì cả nhà mới biết được tan máu bẩm sinh là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm” – Diên Lệ tâm sự.

Từ khi mắc bệnh, mỗi tháng một lần khi bị ngất xỉu hay mệt Lệ đều phải đến bệnh viện để truyền máu, may mắn thay Diên Lệ chỉ mang gen bệnh ở thể nhẹ, vẫn còn đủ sức khỏe để theo đuổi đam mê là tham gia các hoạt động cộng đồng.

Tháng 10/2018, sau khi tham gia mạng lưới tình nguyện viên Vietnam RedCross Volunteer, cô được bác sĩ thông báo tình hình sức khỏe, có khả năng bị ung thư máu khi cơ thể ứ đọng sắt dễ hình thành các tế bào ung thư nguy hiểm. Năm 2019, cô nhập viện tại Singapore để điều trị tiền ung thư máu.

Ở Việt Nam, tỉ lệ mang gen bệnh tan máu bẩm sinh khá cao, cao nhất ở người dân tộc Stiêng (63,9%), dân tộc Ê Đê (32,2%), dân tộc Khơ Me (28,2%), dân tộc Mường (22%), dân tộc Tày (12,8%), ở người Kinh (2-4%). Ước tính nước ta có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh. Trên 20 nghìn bệnh nhân cần điều trị, mỗi năm có trên 20 nghìn trẻ sinh ra bị căn bệnh này.

nu-giang-vien-tre-hang-hai-tham-gia-hanh-trinh-do-kien-giang-2020-3
Diên Lệ (bên trái) trong một buổi sinh hoạt của TNV Hành trình đỏ trong ngày tập huấn đầu tiên

Khi ý thức được căn bệnh mà mình đang mắc phải, đây cũng chính là thời điểm Diên Lệ quyết tâm học thật giỏi và tham gia nhiều công tác xã hội, đặc biệt là những công tác liên quan đến sức khỏe cộng đồng để giúp đỡ mọi người.

Hiện tại sức khỏe cô giảng viên Ma Diên Lệ đã ổn định, cô tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội. Tháng 6/2020 Diên Lệ trở thành tình nguyện viên Hành trình đỏ Kiên Giang 2020, tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia và vận động hiến máu tình nguyện.

Chương trình Hành trình Đỏ lần thứ VIII do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN, Công ty Cổ phần VTV Corp và Ban Chỉ đạo Vận động HMTN, Hội Chữ thập đỏ 42 tỉnh/thành phố tổ chức thực hiện. Chương trình nhận được sự tài trợ, hỗ trợ của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Qui Phúc và các đơn vị khác, các ca sĩ, nghệ sĩ. 

Phương Uyên