(NĐ&ĐS) - Sau khi vận hành, Hệ thống iNHANDAO sẽ hỗ trợ kết nối người cần trợ giúp với các nhà thiện nguyện, giúp các nhà thiện nguyện có thông tin đầy đủ và chính xác về các trường hợp cần trợ giúp, phân bổ hợp lý và minh bạch các nguồn hỗ trợ đến đối tượng cần trợ giúp theo đúng nhu cầu.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai chương trình "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" từ năm 2008. Đến tháng 3/2019, khi tổng kết 10 năm chương trình, các cấp Hội đã khảo sát, lập hồ sơ trên 2,5 triệu địa chỉ có hoàn cảnh khó khăn, trong đó trợ giúp được 2,3 triệu địa chỉ, bằng cách phát hiện, thông qua Hội Chữ thập đỏ để giới thiệu đến các tổ chức.

“Mặc dù cách làm này đem lại hiệu quả, nhưng xuất hiện nhiều bất cập về tính nhanh, nhạy, kịp thời, tính minh bạch giữa việc nhà tài trợ giúp đỡ đến tay người nhận, và cả tính kết nối, tính lan toả trong cộng đồng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng Hệ thống iNHANDAO (tại địa chỉ nhandao.itrithuc.vn) sẽ giải quyết được những bất cập trên", ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư kí Trung ương Hội cho biết.

inhandao-1
Thông tin các địa chỉ nhân đạo sau khi được các cán bộ Chữ thập đỏ khảo sát kĩ lưỡng đã được cập nhật trên Hệ thống.

Hệ thống iNHANDAO nằm trong khuôn khổ Đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa” của Chính phủ và đồng bộ với các hợp phần chung trong khuôn khổ Đề án do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với FPT và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện.

Đề án được thực hiện từ tháng 4/2019 đến nay. Trong giai đoạn này, Hệ thống đã triển khai cập nhật dữ liệu địa chỉ nhân đạo hỗ trợ kết nối người cần trợ giúp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để có thông tin đầy đủ và chính xác về các trường hợp cần trợ giúp.

Từ khi triển khai lập Hệ thống, các cấp Hội Chữ thập đỏ 63 tỉnh, thành đã khảo sát gần 60.000 địa chỉ nhân đạo; phối hợp với FPT và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xử lý số liệu và cập nhật lên hệ thống iNHANDAO 17.000 địa chỉ, kết nối trên 100 cá nhân và nhà tài trợ với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự giúp đỡ của văn phòng Ban chỉ đạo Đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” và Ngân hàng Quân đội.

Các địa chỉ nhân đạo có 2 loại:

Địa chỉ nhân đạo cá nhân: Nạn nhân thiên tai, thảm họa; Người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam; Bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; Nạn nhân tai nạn thương tích; Trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa; Những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn chưa nhận được hỗ trợ của nhà nước hoặc các tổ chức nào khác

Địa chỉ nhân đạo tập thể: Bệnh viện; Trung tâm bảo trợ xã hội; Trường học; Công trình công cộng.

Trong giai đoạn tiếp theo, Hệ thống sẽ được nâng cấp, hoàn chỉnh, tăng tính tiện ích để đa dạng hóa các hoạt động nhân đạo, giúp cho các tổ chức, cá nhân đều có thể kết nối tham gia trong lĩnh vực trợ giúp nhân đạo.

Ông Đào Mạnh Thắng - Phó Cục trưởng Cục Thông tin - Khoa học và Công nghệ Quốc gia khẳng định: "Hệ thống đi vào hoạt động sẽ phục vụ và hỗ trợ nhiều cho đội ngũ làm công tác nhân đạo hiện nay, giúp cho đội ngũ yên tâm và tập trung vào công tác chuyên môn của mình. Hệ thống này sẽ giúp kết nối và huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực trong xã hội hiện nay, nhất là các nguồn lực ngoài xã hội để tạo ra cộng đồng lớn mạnh trong cả nước"- ông Đào Mạnh Thắng chia sẻ thêm.

Với sự ra đời của Hệ thống iNHANDAO, được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ, kết nối kho dữ liệu khổng lồ trên nền tảng ITRITHUC, chúng ta tin rằng sau khi vận hành, Hệ thống sẽ hỗ trợ kết nối người cần trợ giúp với các nhà thiện nguyện, giúp các nhà thiện nguyện có thông tin đầy đủ và chính xác về các trường hợp cần trợ giúp, phân bổ hợp lý và minh bạch các nguồn hỗ trợ đến đối tượng cần trợ giúp theo đúng nhu cầu.

M.Tâm