(NĐ&ĐS) - Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, ngày 14/10, Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội tổ chức kỉ niệm 30 năm thành lập và Đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba.
Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội là một đơn vị trược thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội, được thành lập vào ngày 18/9/1990. Xuất phát từ mong muốn có một ngôi trường để các em khuyết tật có thể đến trường, được học tập, rèn luyện và dần hoà nhập với cuộc sống cộng đồng, nguyên đại tá, bác sỹ Quân y – Vụ trưởng Vụ Phục hồi chức năng – Bộ LĐTBXH Nguyễn Quý Hưng đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội xây dựng đề án thành lập trường Dạy trẻ câm điếc Hà Nội.
Tham dự chương trình có các vị đại diện lãnh đạo TƯ Hội CTĐ Việt Nam, đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội, lãnh đạo Hội CTĐ TP Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân, các đơn vị, nhà hảo tâm, cùng gần 100 các thế hệ thầy, cô giáo, các em học sinh của trường.
Ông Đào Ngọc Triệu – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội phát biểu: "30 năm là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của trường, là niềm vui, niềm tự hào của các thế hệ thầy trò nhà trường nói riêng, các hội viên, tình nguyện viên CTĐ Hà Nội nói chung.
Với vai trò là đơn vị chủ quản, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội luôn đồng hành cùng với nhà trường bằng những hành động cụ thể như tháo gỡ khó khăn về cơ chế, quan tâm đến điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học của thầy trò nhà trường. Chúng ta vô cùng tự hào về những thành quả đạt được trong 30 năm qua, nhưng cũng còn nhiều trăn trở và những khó khăn, vướng mắc. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các cán bộ, giáo viên nhà trường và đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng, trách nhiệm của Hội CTĐ và các cấp, đặc biệt là từ các sở, ban, ngành thành phố".
Tại chương trình, thay mặt ban giám hiệu nhà trường, bà Mạc Chung Thuỷ - Q.Hiệu trưởng nhà trường đã báo cáo kết quả hoạt động 30 năm qua của trường. Là một trường chuyên biệt dạy trẻ khiếm thính bán trú, trường đã thực hiện chương trình can thiệp sớm đầu tiên ở Hà Nội, phục hồi chức năng nghe nói cho trẻ điếc thông qua các biện pháp can thiệp sớm tại cộng đồng và nhà trường, hướng nghiệp và dạy nghề đơn giản cho học sinh nghèo đặc biệt khó khăn không có khả năng tiếp tục học lên cao; Hỗ trợ trẻ điếc có khả năng tự lập trong cuộc sống, vươn lên hoà nhập cộng đồng; Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em bị bệnh lý như tự kỉ, chậm phát triển trí tuệ, hội chứng down. Từ những khoá đầu chỉ có hơn chục em học sinh, đến nay, sau 30 năm xây dựng và phát triển, hơn 200 em học sinh đã tốt nghiệp ra trường. Có em đã trở thành giảng viên đại học, nhiều em đã trở thành những doanh nhân thành đạt, có em trở thành thầy cô giáo quay lại dạy các học sinh khoá sau tại trường, nhiều em thu nhập cao, tự lập cuộc sống.
Trường không được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động, để duy trì và phát triển, trong suốt thời gian qua bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội; các sở, ban, ngành thành phố; của UBND quận Thanh Xuân, phường Nhân Chính, còn là sự nỗ lực, tận tâm của các thầy cô giáo nhà trường trong việc kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ.
Trải qua nhiều khó khăn, với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, 30 năm qua nhà trường đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2004, 2015), Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1998 và Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 2004, Bằng khen của BCH Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam liên tục từ năm 2004 đến nay. Và hôm nay tại Lễ kỉ niệm 30 năm thành lập, nhà trường vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba.
Nhìn lại hành trình xây dựng và trưởng thành 30 năm qua của một ngôi trường đặc biệt giữa lòng thủ đô mới thấy thật trân trọng và đáng quý những tấm lòng nhiệt huyết của bao lớp thế hệ thầy cô giảng dạy tại nơi đây. Với mong muốn mang đến cho các em học sinh khuyết tật một ngôi nhà thứ 2, một môi trường nuôi dưỡng những ước mơ khát vọng tri thức, các thầy cô giáo nơi đây nguyện tiếp tục là những cầu nối đưa các em đến với chân trời tri thức của nhân loại, xây dựng nhà trường ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục trẻ khuyết tật.
Ý kiến bạn đọc