(NĐ&ĐS) - Cơ sở khám chữa bệnh (KCB) Bảo hiểm y tế (BHYT) có quyền, trách nhiệm thanh tra, khiếu nại, tố cáo những trường hợp sai phạm theo đúng quy định hiện hành về chế độ, chính sách của BHYT tại Việt Nam hiện nay. Cụ thể như sau:

Quyền của cơ sở KCB BHYT

Yêu cầu tổ chức BHYT cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin có liên quan đến người tham gia BHYT, kinh phí KCB cho người tham gia BHYT tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Được tổ chức BHYT tạm ứng kinh phí và thanh toán chi phí KCB theo hợp đồng KCB đã ký. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BHYT.

abc
Ảnh minh họa

 

Trách nhiệm của cơ sở KCB BHYT

Tổ chức KCB bảo đảm chất lượng với thủ tục đơn giản, thuận tiện cho người tham gia BHYT.

Cung cấp hồ sơ bệnh án, tài liệu liên quan đến KCB và thanh toán chi phí KCB của người tham gia BHYT theo yêu cầu của tổ chức BHYT và cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đối với hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của tổ chức BHYT, cơ sở KCB BHYT có trách nhiệm cung cấp hồ sơ bệnh án, tài liệu liên quan đến KCB của người tham gia BHYT.

Bảo đảm điều kiện cần thiết cho tổ chức BHYT thực hiện công tác giám định; phối hợp với tổ chức BHYT trong việc tuyên truyền, giải thích về chế độ BHYT cho người tham gia BHYT.

Kiểm tra, phát hiện và thông báo cho tổ chức BHYT những trường hợp vi phạm về sử dụng thẻ BHYT; phối hợp với tổ chức BHYT thu hồi, tạm giữ thẻ BHYT đối với các trường hợp quy định tại Điều 20 Luật BHYT.

Quản lý và sử dụng kinh phí từ quỹ BHYT theo đúng quy định của pháp luật.

Tổ chức thực hiện công tác thống kê, báo cáo về BHYT theo quy định của pháp luật.

Lập bảng kê chi phí KCB BHYT và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của bảng kê này.

Cung cấp bảng kê chi phí KCB cho người tham gia BHYT khi có yêu cầu.

Thanh tra, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHYT

Các khiếu nại về BHYT được giải quyết theo nguyên tắc tự hòa giải giữa các bên có tranh chấp, trong trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Xử lý đối với các trường hợp cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật:

Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT;

Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT./.

NH