(NĐ&ĐS) - Trong những năm qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với mục tiêu nguyên tắc hoạt động của mình đã hỗ trợ rất hiệu quả công tác phòng chống thiên tai. Đặc biệt là trong ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngày 19/5, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2020 nhằm đánh giá công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2019, triển khai kế hoạch ứng phó thảm họa năm 2020 và vận động nguồn lực đảm bảo cho công tác ứng phó thảm họa và dự báo mùa thiên tai, thảm họa 6 tháng cuối năm 2020.

A4
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên cùng đại diện Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và Tìm kiếm cứu nạn, đại diện các bộ, ngành liên quan; đại diện Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các đối tác quốc tế trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố.

Hội nghị phòng ngừa và ứng phó thảm họa năm 2020 được tổ chức vào đúng thời điểm Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai với chủ đề “Phòng chống thiên tai – chủ động hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở”.

Hội nghị cũng là một trong chuỗi sự kiện của Tháng Nhân đạo – hoạt động được Ban Bí thư Trung ương Đảng giao Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức hàng năm. 

A2
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai chia sẻ tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai cho biết, Việt Nam là một trong những quôc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Việt Nam ngày càng phải hứng chịu những trận thiên tai dị thường, trái quy luật và vượt các mốc lịch sử.

Trong 3 năm từ năm 2017- 2019, tuy số lượng và tính chất khốc liệt của thiên tai giảm dần nhưng tính chất bất thường trái quy luật ngày càng gia tăng. Từ đầu năm 2020 nhiều đợt thiên tai bất thường đã xảy ra, 30, mồng 1 tết xuất hiện giông, lốc, sét, mưa đá và 104 trận liên tiếp sau đó tại 31 tỉnh/thành phố kể cả nơi chưa từng xuất hiện. Và những ngày cuối tháng 4, rét nàng Bân tại Hà Nội nhiệt độ xuống dưới 16,5 độ C thấp nhất 50 năm gần đây sau đó nắng nóng. Còn tại Đồng bằng Sông Cửu Long, hạn hán xâm nhập mặn khốc liệt hơn đợt mặn lịch sử năm 2015, 2016. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn từ nay đến cuối năm thiên tai còn diễn biến phúc tạp, bất thường. Tính đếnnngày 15/8, thiên tai đã làm 15 người chết, 85 người bị thương, 1685 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và 54 265 nhà bị hư hại, hơn 100 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại về kinh tế là trên 3200 tỷ đồng.

Ngày 24/3/2020 Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị số 42 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng ngừa ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai nhằm quán triệt đến toàn thể hệ thống chính trị triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống thiên tai trong tình hình mới.

Ông Sơn nhấn mạnh, trong những năm qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với mục tiêu nguyên tắc hoạt động của mình đã hỗ trợ rất hiệu quả công tác phòng chống thiên tai. Đặc biệt là trong ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai. Với tính chuyên nghiệp bài bản, cùng với kinh nghiệm quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với tổng Cục phòng chống thiên tai triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong đó có việc đào tạo, xây dựng lực lượng xung kích tại cơ sở góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai.

“Với việc tổ chức sự kiện có ý nghĩa hôm nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức đầu tiên triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị ứng phó cho mùa thiên tai năm 2020 cũng như kế hoạch cho những năm tiếp theo”, ông Sơn khẳng định.

A1
Ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Nguyễn Hải Anh, đã gửi lời cảm ơn chân thành tới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ, phối hợp của các ban, bộ, ngành, MTTQVN và các đoàn thể; sự tin tưởng, đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác trong Phong trào, các tổ chức, tập thể, cá nhân trong nước và quốc tế đối với hoạt động chữ thập đỏ nói chung thời gian qua và công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội nói riêng. Hội CTĐ Việt Nam rất mong tiếp tục được nhận sự quan tâm trong thời gian tới để Hội ngày càng phát triển, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Ông Nguyễn Hải Anh cho biết, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược, là 1 trong 7 hoạt động chữ thập đỏ được xác định trong Luật hoạt động chữ thập đỏ.

Trong nhiều năm qua, hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội đã chuyển mạnh sang hỗ trợ phòng ngừa, tham gia xây dựng cộng đồng an toàn; hoàn thiện và chuyển giao các mô hình hiệu quả phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng. Hội đã xây dựng và hàng năm đều kiện toàn Đội Ứng phó thảm họa quốc gia; hoàn thiện Quy trình cứu trợ khẩn cấp; Quy định hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức thực hiện vận động trong và ngoài nước ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, tổng trị giá tiền và hàng hỗ trợ cho công tác ứng phó thiên tai, dịch bệnh của các cấp Hội đạt trên 100 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động ứng phó với thiên tai trị giá 3,08 tỷ đồng, trợ giúp trên 42.000 người bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, giông lốc tại các địa phương trên cả nước. 

A3
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kí kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ và Hội Chữ thập đỏ/ Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia về công tác phòng ngừa ứng phó với thiên tai, thảm họa.

Phát huy hiệu quả việc áp dụng công nghệ thông tin, mô hình đầu tư tài chính dựa vào dự báo trong ứng phó thảm họa; sự tham gia tích cực của khối doanh nghiệp tư nhân; các hoạt động truyền thông nhằm thu hút và vận động nguồn lực. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trợ giúp trên 45.000 nạn nhân thiên tai với tổng giá trị tiền và hàng 8 tỷ đồng.

Trong công tác ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, trong đó tập trung vào các hoạt động truyền thông và hỗ trợ trực tiếp người dân tại cộng đồng. Hội đã hỗ trợ cộng đồng và lực lượng y, bác sĩ phòng, chống dịch 4.352.749 chiếc khẩu trang, 643.164 bánh/chai xà phòng rửa tay và dung dịch sát khuẩn, 6.540 bộ quần áo bảo hộ y tế.

Là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kịp thời trợ giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 như: 420.000 khẩu trang y tế tặng nhân dân Hoa Kỳ, 100.000 khẩu trang y tế và 1.000 lít nước rửa tay kháng khuẩn tặng nhân dân Trung Quốc, 60.000 khẩu trang y tế và 300 bộ trang phục bảo hộ y tế PPE tặng nhân dân Campuchia, đóng góp 30.000 đô-la Mỹ cho Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai năm 2019, đặc biệt là trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19 những tháng đầu năm 2020, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chuẩn bị nguồn lực dự phòng trong toàn hệ thống; triển khai, phổ biến và truyền thông các hướng dẫn quy trình chuẩn trong ứng phó thiên tai, thảm họa, quy trình cấp phát tiền mặt, Hiến chương nhân đạo và các Tiêu chuẩn tối thiểu trong cứu trợ nhân đạo...; sử dụng công nghệ thông tin trong ứng phó khẩn cấp; đầu tư tài chính dựa trên dự báo (FbF); triển khai hoạt động cứu trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng khi có thiên tai, thảm họa xảy ra; xây dựng chuỗi cung ứng hậu cần đảm bảo được yêu cầu ứng phó kịp thời, hiệu quả; triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông từ Trung ương tới địa phương và sẵn sàng ứng phó với tinh thần chủ động cao nhất khi thiên tai xảy ra với phương châm “Phòng chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở”.

Từ nay đến cuối năm 2020, công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tập trung vào các hoạt động như: Phát triển một số công cụ: Tài liệu quản lý thảm họa, nhân rộng ra một số tỉnh mô hình Tài chính dựa vào dự báo với mô hình nắng nóng và tiếp tục áp dụng với loại hình bão; phát triển mô hình cấp phát tiền mặt theo xu thế cấp phát tiền qua đơn vị tài chính thứ ba và đa dạng hóa loại hình hỗ trợ và hình thức cấp phát như là: phiếu, hội chợ, gian hàng nhân đạo..; Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hộ hưởng lợi, giám sát và đánh giá sau cấp phát, thu thập thông tin thiệt hại nhu cầu, thông tin cảnh báo trong các hoạt động ứng phó khẩn cấp; Triển khai các can thiệp khẩn cấp tại cộng đồng tập trung vào 4 lĩnh vực: nước sạch vệ sinh, nhà/chỗ ở an toàn, sinh kế và sức khoẻ/y tế; Đối với vấn đề dịch bệnh, triển khai các nguồn ủng hộ hỗ trợ công tác phục hồi sớm, hỗ trợ sinh kế đối với người dân bị mất nguồn thu nhập.

Tại Hội nghị, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã kí kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ và Hội Chữ thập đỏ/ Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia về công tác phòng ngừa ứng phó với thiên tai, thảm họa.

Lã Hằng