(NĐ&ĐS) – Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản “lao đao” bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là phân khúc bán lẻ và nghỉ dưỡng.
Thị trường bất động sản là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 gây ra, khiến các giao dịch bất động sản gần như bị đóng băng. Tính đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư đã gặp khó khăn bởi hầu hết các sàn giao dịch đều tạm ngưng.
Phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bất động sản là thị trường bán lẻ và nghỉ dưỡng, sau đó là mảng cho thuê văn phòng cùng với bất động sản công nghiệp và thị trường nhà ở.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tại phân khúc nhà ở, hầu hết các chủ đầu tư cũng như các sàn môi giới đều tạm dừng mọi hoạt động quảng cáo, không xúc tiến việc bán hàng bởi phải hạn chế việc tụ tập đông người trong lúc dịch bệnh bùng phát.
Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các giao dịch mua bán bất động sản trong thời gian này bị ngưng trệ. Các số liệu thống kê cho thấy, số lượng người mua ngày càng sụt giảm và có dấu hiệu kéo dài, nhất là khi tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới đang lây lan với tốc độ chóng mặt.
Đó là tâm lý của người mua, còn các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản cũng khá thận trọng khi cân nhắc trong quyết định đầu tư. Điều này khiến cho thị trường bất động sản càng trở nên ảm đạm.
Dịch bệnh COVID-19 không chỉ tác động đến bất động sản nhà ở mà nó còn khiến cho thị trường nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề khi mà lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm mạnh (phần lớn là khách đến từ Trung Quốc và các nước Châu Âu). Đối tượng bị tác động trực tiếp ở đây là các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cùng các địa điểm tổ chức hội nghị, sự kiện.
Theo thống kê, lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến trong vài tháng tới sẽ tiếp tục giảm sâu hơn.
Nhìn chung, thị trường bất động sản Việt Nam đang phải đối với mặt với khó khăn vô cùng lớn, khi mà lượng cung hàng hóa đang cao gấp nhiều lần so với nhu cầu của người dân. Tuy nhiên nó cũng là quãng thời gian để các doanh nghiệp bất động sản trong nước chứng tỏ mình bằng việc nghiên cứu, tìm hiểu thêm về thị trường cũng như nhu cầu của khách hàng để từ đó tung ra thị trường sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt nhất.
Đồng thời cũng loại bỏ một số doanh nghiệp manh mún, nhỏ lẻ trong lĩnh vực bất động sản, tránh gây nhũng loạn thị trường trong suốt thời gian qua.
Với thành công trong việc khống chế dịch bệnh, thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội rất lớn khi được coi là một nơi an toàn, có sức hút đối với các nhà đầu tư ngoại trong phân khúc đầu tư bất động sản trung và dài hạn.
Ý kiến bạn đọc