(NĐ&ĐS) – Với 6 máy lọc nước mặn, lợ được lắp đặt trong giai đoạn 1 Dự án “Cứu trợ khẩn cấp hạn hán và xâm nhập mặn” của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế thực hiện thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tại 6 xã của 2 huyện Châu Thành và Cầu Ngang, hàng nghìn người dân đã có nước sạch sinh hoạt.
Là tỉnh ven biển, Trà Vinh là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam mùa khô năm 2020 lượng nước thượng nguồn đổ về đồng bằng sông Cửu Long rất thấp so với trung bình nhiều năm, đây cũng là cơ sở để hạn mặn xâm nhập sớm và sâu hơn vào đất liền trong đó có tỉnh Trà Vinh.
Trà Vinh là 1 trong 8 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ hỗ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn. Dân số toàn tỉnh có 1,17 triệu người, có 980.000 người sinh sống ở nông thôn chiếm 83,7% dân số, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt 67%.
Toàn tỉnh có 9.214 hộ nghèo (với 28.883 nhân khẩu) và 19.747 hộ cận nghèo (với 77.056 nhân khẩu); hơn 9.000 hộ ở nông thôn thường bị thiếu nước sạch sử dụng do hạn hán, xâm nhập mặn.
Với mục đích góp phần hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn tại Trà Vinh sớm ổn định cuộc sống, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ Dự án “Cứu trợ khẩn cấp hạn hán và xâm nhập mặn” tại 30 ấp của 6 xã Hòa Thuận, Hòa Lợi, Phước Hảo (huyện Châu Thành); xã Kim Hòa, Nhị Trường, Long Sơn (huyện Cầu Ngang).
Để thực hiện dự án, Trung ương Hội phối hợp với Tỉnh hội Trà Vinh tổ chức 2 lớp tập huấn cho 118 người là cán bộ huyện, tỉnh Hội và tình nguyện viên của 12 xã.
Các nội dung được tập huấn và thực hành bao gồm: Phương pháp và kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi; kỹ năng truyền thông theo nhóm; hướng dẫn các biện pháp pòng chống dịch bệnh; hướng dẫn sử dụng các tờ rơi, pa nô áp phích để truyền thông.
Sau lớp tập huấn 100% cán bộ, tình nguyện viên đều có thể nắm bắt được kiến thức cơ bản về nước sạch vệ sinh và kỹ năng để thực hiện các buổi truyền thông thay đổi hành vi; xây dựng đề cương cho các buổi truyền thông theo các chủ đề về nước sạch vệ sinh và các bệnh truyền nhiễm và tổ chức tốt các buổi truyền thông; sự kiện truyền thông về nước sạch, vệ sinh và các bệnh truyền nhiễm liên quan đến nguồn nước. Đồng thời cũng đã lập kế hoạch thời gian, phân công cán bộ truyền thông tại các xã.
Bên cạnh đó, Ban Điều hành dự án tỉnh Trà Vinh đã chủ động triển 10 sự kiện truyền thông khuyến khích thực hành vệ sinh, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng và hướng dẫn cách rửa tay bằng xà phòng; phát tờ rơi cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên tại 6 xã dự án. Nội dung tập huấn thông qua đội ngũ hướng dẫn viên của tỉnh Hội tổ chức thực hiện truyền thông khuyến khích thực hành vệ sinh, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng và hướng dẫn cách rửa tay bằng xà phòng; phát 2.670 bánh xà phòng cho 950 lượt người dân.
Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức 42 buổi truyền thông về nước sạch vệ sinh và phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng. Tại các buổi truyền thông đã được tổ chức thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân, tham gia thảo luận nhiệt tình, sôi nổi và nắm được các kiến thức về nước sạch và các phòng chống bệnh truyền nhiễm. Các tình nguyện viên/tuyên truyền viên có kỹ năng trình bày tốt, có thể huy động, ứng phó trong các tình huống khẩn cấp tại địa phương sau này.
Với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 1 hơn 800 triệu đồng, Dự án đã lắp và vận hành 6 máy lọc nước mặn, lợ với công suất 500 lít/giờ tại 6 xã để cung cấp nước ngọt cho bà con; cấp phát 6.000 can nhựa chứa nước dung tích 20 lít cho 3.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn; cấp phát hơn 15.000 tờ rơi và tổ chức các buổi truyền thông đến với người dân.
Theo ông Võ Công Chính – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Trà Vinh, trong quá trình triển khai giai đoạn 1 của Dự án, cán bộ truyền thông đến từng hộ gia đình dân tuyên truyền về nước sạch, vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh lồng ghép tuyên truyền phòng, chống dịch CoVid -19 giúp người dân thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch CoVid -19 như: hướng dẫn 6 bước rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người…; giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh nói chung, nói riêng dịch Covid-19.
Ý kiến bạn đọc