(NĐ&ĐS) - Ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, làm cho hàng nghìn người dân ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình khó khăn đó, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế thông qua Hội CTĐ Việt Nam hỗ trợ thực hiện Dự án “Cứu trợ khẩn cấp hạn hán và xâm nhập mặn” tại các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre và Trà Vinh với tổng kinh phí gần 2,6 tỷ đồng.

Mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện muộn, thời gian mùa mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy năm chỉ ở mức trung bình - thấp. Dòng chảy về Đồng bằng từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, đang xuống ở mức rất thấp so với tài liệu trung bình nhiều năm từ 1980 đến nay.

tra-vinh-11
Dự án hỗ trợ nước sạch cho người dân Trà Vinh. 

Hai yếu tố thượng lưu quan trọng chi phối chủ đạo đến nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là lượng trữ trong Biển Hồ (TonleSap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ MeKong). Lưu lượng về đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015 - 2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô 2019 – 2020 và làm ảnh hưởng đến người dân và sản xuất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu nước sinh hoạt năm 2019 - 2020 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế cho thấy, trong thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, các công trình cấp nước tập trung chủ yếu không đủ nguồn cấp, cả nước mặt lẫn nước ngầm. Mặt khác, các hộ dân sống ở khu vực xa công trình cấp nước tập trung nông thôn, cho nên khó thực hiện mở rộng đường ống cấp nước, như ở các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre. Nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm từ giếng khoan tầng nông của hộ gia đình bị suy giảm, cạn kiệt không đủ khai thác sử dụng. Bên cạnh đó thiếu dụng cụ trữ nước hộ gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt nơi đây.

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, hơn 685.000 người tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng. Hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, với ước tính thiệt hại sản xuất từ khoảng 460.000 ha và 200.000 hộ gia đình thiếu nước trong sinh hoạt.

tra-vinh-4
Hướng dẫn người dân cách rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19 tại Trà Vinh

Trước những khó khăn, thách thức của các địa phương, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã chỉ đạo các địa phương tích cực nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và vận động các nhà tài trợ hỗ trợ nước, dụng cụ chứa nước để hỗ trợ kịp thời đến người dân. Đồng thời Trung ương cũng đã báo cáo, đề xuất Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế hỗ trợ thực hiện Dự án “Cứu trợ khẩn cấp hạn hán và xâm nhập mặn” tại các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre và Trà Vinh với tổng kinh phí gần 2,6 tỷ đồng.

Sau gần 3 tháng triển khai giai đoạn 1 của dự án (24/01/2020-30/4/2020), đã có 28.423 lượt người hưởng lợi từ dự án; trong đó 6.000 hộ nhận can nhựa loại 20 lít để chứa nước, 7.244 lượt người lấy 367.606 lít nước thông qua vận hành 12 máy lọc nước, giúp người dân tại các xã bớt được một phần kinh phí mua nước và được sử dụng nước ngọt để nấu ăn, uống.

ben-tre-1
Người dân Bến Tre lấy nước ngọt để nấu ăn, uống.

Bên cạnh đó, Dự án đã tổ chức 76 buổi, sự kiện truyền thông cho 2.753 người được truyền thông về nước sạch vệ sinh và phòng chống dịch bệnh thông qua 28.369 băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi và hàng ngàn người được truyền thông về các hoạt động dự án.

Là một trong số các địa phương được Dự án hỗ trợ, ông Võ Công Chính – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Trà Vinh, trong quá trình triển khai  Dự án, cán bộ truyền thông đến từng hộ gia đình dân tuyên truyền về nước sạch, vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh lồng ghép tuyên truyền phòng, chống dịch CoVid -19 giúp người dân thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch CoVid -19 như: hướng dẫn 6 bước rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người…; giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh nói chung, nói riêng dịch Covid-19.

Minh Tâm