(NĐ&ĐS) - Tăng huyết áp (THA) đang trở thành một vấn đề thời sự vì sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh này trong cộng đồng. Ngày 17/5 hằng năm được Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới chọn làm Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp

12 triệu người bị tăng huyết áp

Người ta từng nói rằng không phải ngẫu nhiên mà gọi tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng. Những cái chết đột tử sau một giấc ngủ, sau khi tắm xong mà người bệnh không hề biết bởi trước đó 1 phút họ vẫn khoẻ đã trở thành nỗi ám ảnh của xã hội. Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận…. Những bệnh này đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. 

083214_CHA-1
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và trở thành gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ước tính mỗi năm toàn cầu có khoảng 17 triệu ca tử vong do các bệnh tim mạch, trong đó 9,4 triệu ca là do biến chứng của tăng huyết áp.

Vì vậy, ngày 17/5 hằng năm được Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới chọn làm Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp,  tức là cứ trong 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc.. Các bệnh tim mạch liên quan đến huyết áp đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 33% tổng số ca tử vong trên toàn quốc.

Hầu hết người bị tăng huyết áp không có biểu hiện triệu chứng nào và thậm chí họ còn không biết mình bị bệnh. Vì vậy tăng huyết áp được gọi là “Kẻ giết người thầm lặng”.

Theo điều tra, trong 12 triệu người mắc tăng huyết áp hiện nay thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị.Tăng huyết áp có nguyên nhân từ các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia.

Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế: Năm 2015 có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại; hơn một nửa dân số ăn thiếu rau/trái cây; người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của WHO và có khoảng 1/3 người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Đây là những yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng tim mạch.

Hãy nhớ huyết áp như nhớ tuổi của mình

“Biết chỉ số huyết áp của bạn” là chủ đề giai đoạn 2013 – 2018 của ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới 17/5. Thông điệp của nó nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về bệnh tăng huyết áp ở tất cả mọi đối tượng trên thế giới.

Hưởng ứng ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới, hàng năm Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới thường phối hợp với các tỉnh thành tổ chức lễ mít tinh, các hoạt động truyền thông và đo huyết áp miễn phí cho người dân nhằm chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức đồng thời sàng lọc các trường hợp mắc bệnh tăng huyết áp mới trong cộng đồng.

Chiến dịch ‘Tháng 5 – Đo huyết áp” đã và đang được triển khai ở khắp các tỉnh thành tại Việt Nam và được người dân tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Tại đây, người dân được các tình nguyện viên, bác sĩ, nhân viên y tế đo huyết áp, tư vấn về các bệnh liên quan đến huyết áp cũng như chế độ ăn uống, tập luyện để có huyết áp ổn định.

photo-2-15264452825521447889670
Tháng 5 được chọn là tháng đo huyết áp thế giới

Một người được chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90mm thủy ngân. Nhiều người thậm chí huyết áp đến 250/100mm thủy ngân nhưng không hề có triệu chứng. Và điều này là rất nguy hiểm bởi huyết áp có thể tăng bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng người bệnh. 

Tăng huyết áp là kẻ thù âm thầm nguy hiểm vì bệnh nhân không biết mình có bệnh, bỗng dưng một ngày bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, khi đến viện mới phát hiện huyết áp cao chót vót. Hay có bệnh nhân bị suy thận phải lọc máu mới ngỡ ngàng vì tình trạng huyết áp cao gây nên.

Những bệnh nhân đi khám thường có dấu hiệu đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn… Chính vì thế, đây được xem như dấu hiệu cảnh báo cơn tăng huyết áp.

Vì vậy, người dân cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến lúc có triệu chứng cơ năng mới đo huyết áp. Nếu biết bệnh, phòng ngừa điều trị tốt thì giảm các biến cố tim mạch. Nhất là với gia đình có tiền sử cao huyết áp, con cái cũng cần chú ý, kiểm tra huyết áp từ sớm theo định kỳ.

Khi bị tăng huyết áp không được bỏ thuốc! GS Việt trăn trở: Đa số bệnh nhân ở nước ta bị tăng huyết áp chưa được điều trị. Bệnh nhân điều trị bỏ thuốc khi thấy huyết áp hạ xuống bình thường, điều này rất nguy hiểm. Hãy coi huyết áp như bệnh bình thường và phải điều trị hàng ngày không được bỏ thuốc. 

Trần Hà (t/h)