(NĐ&ĐS) - Trung tâm Khám chữa bệnh và Đào tạo theo yêu cầu - Bệnh viện Châm cứu Trung ương bị tố áp dụng kỹ thuật điều trị khi chưa được cấp phép, cung cấp các sản phẩm y tế không rõ nguồn gốc để trục lợi.

Áp dụng kỹ thuật điều trị khi chưa được cấp phép

127222841_129710138726199_9113925743267152677_n
Trung tâm khám chữa bệnh và đào tạo theo yêu cầu nằm tại tầng 6, tòa nhà bệnh viện Châm cứu Trung ương

Phản ánh đến Toà soạn Nhân đạo và Đời sống điện tử, một số bệnh nhân đã và đang khám, điều trị bệnh tại Trung tâm Khám chữa bệnh và Đào tạo theo yêu cầu (sau đây viết tắt là Trung tâm) thuộc bệnh viện Châm cứu Trung ương (Bệnh viện) cho biết: Khi chúng tôi đến thăm khám tại Trung tâm đều được đội ngũ bác sĩ ở đây giới thiệu các kỹ thuật tân tiến mới, điều trị hiệu quả các loại bệnh như: nắn chỉnh xương, khớp bằng các phương pháp nằm gối trị liệu ( Dr.Loan); đắp cao ngải cứu. Thế nhưng khi chúng tôi tìm hiểu thì cả hai phương pháp trên chưa được Bộ Y tế cấp phép điều trị theo quy định.

127663531_302365590953428_5745931684884053282_n
Bệnh nhân được Bác sĩ Trung tâm tư vấn và hưỡng dẫn cách nằm “Gối trị liệu”

Ngoài ra, Trung tâm còn cung cấp các sản phẩm y tế không rõ nguồn gốc và thu tiền cao gấp nhiều lần so với đơn giá ngoài thị trường, đơn cử như mỗi hộp cao ngải cứu bệnh nhân phải mua với giá lên đến 750 nghìn đồng/hộp.

Tiếp đó, Trung tâm còn tự ý bán kim châm cứu trong khi sản phẩm này đã được tính vào tiền vật tư tiêu hao kỹ thuật điện châm. Đáng chú ý, khi mua/bán các sản phẩm điều trị bệnh trên thì cán bộ, bác sĩ của Trung tâm trực tiếp thu tiền mà không hề có hoá đơn, chứng từ thanh toán. Việc này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc thu/chi tài chính cũng như thông báo của Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Trước thông tin cho rằng Trung tâm áp dụng phương pháp trị liệu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ông Nguyễn Duy Luật, người phụ trách truyền thông của bệnh viện Châm cứu Trung ương lý giải vòng vo với phóng viên rằng: “Phương pháp nằm gối trị liệu (Gối Dr.Loan) đang triển khai tại Trung tâm là đề tài khoa học của bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện đang áp dụng thử nghiệm với bệnh nhân để đánh giá bổ sung vào danh mục kỹ thuật cho bệnh viện những năm tới”.

Ở một diễn biến khác, liên quan đến nguồn gốc và giá bán sản phẩm cao ngải cứu mà Trung tâm đang cung cấp, áp dụng điều trị cho bệnh nhân để thu về một số tiền “khủng”, PV đã tìm hiểu sự việc.

Trong vai người đại diện một công ty muốn làm đại lý phân phối sản phẩm trên, chúng tôi đã có buổi tiếp xúc với đại diện đơn vị cung cấp cao ngải cứu cho Bệnh viện. Vị này cho biết, họ thường xuyên giao hàng (cao ngải cứu – PV) tại tầng 6 và tầng 9 của Bệnh viện. Số lượng cung cấp mỗi lần tùy thuộc khoa gọi, giá bán cho Bệnh viện là 350 nghìn/hộp.

Về nguồn gốc sản phẩm này, đại diện công ty khẳng định cao ngải cứu có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao hàng Trung Quốc nhưng lại dán tem là hàng Việt Nam, người này giải thích: “Dán tem như thế cho khách hàng dễ nhận diện (?!)”

127223934_143398453791668_1575644796155749184_n
Cao ngải cứu chưa được cấp phép lưu hành, giả mạo nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn được bán công khai tại bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Để tìm hiểu diễn biến việc mua bán cao ngải cứu ở bệnh viện Châm cứu Trung ương. Chúng tôi đã có mặt tại tầng 6 của Trung tâm để ghi nhận sự việc. Trao đổi với chúng tôi, bệnh nhân Nguyễn H ( ở huyện Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ: “Khi vào điều trị tại đây, tôi được bác sĩ Trung tâm giới thiệu có loại cao ngải cứu đắp lên người chữa bệnh rất tốt. Vì vậy tôi đã mua 2 hộp, mỗi hộp có giá 500 nghìn đồng. Số tiền này được thanh toán trực tiếp cho bác sĩ, nhân viên y tế của Trung tâm”.

Điều lạ ở chỗ đơn giá mà Bệnh viện bán ra cho mỗi bệnh nhân lại có giá chênh lệch rất lớn, lên đến hàng trăm nghìn đồng. Cụ thể, bệnh nhân Nguyễn Văn T lại không được mua cao ngải cứu với giá “mềm” như bệnh nhân Nguyễn H, ông T cho biết: “Sau khi được nhân viên trong khoa mời chào, tôi đã mua cao ngải cứu với giá 750 nghìn đồng/1 hộp”.

Bên cạnh việc bán cao ngải cứu, Gối Dr.Loan, bác sĩ Trung tâm còn tư vấn bệnh nhân mua kim châm cứu bên ngoài với giá không hề rẻ. Người nhà một bệnh nhân nói: “Tôi có mua cho chồng mấy hộp (kim châm cứu – PV)  để dùng dần. Giá bán mỗi hộp tại đây là 70 nghìn đồng/01 hộp. Các bác ấy thu tiền trực tiếp không phải đi đâu nộp cả”.

Về việc Trung tâm bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc như cao ngải cứu, bán kim châm cứu và gối trị liệu Dr Loan rồi thu tiền trực tiếp của bệnh nhân là trái nội quy, bởi lẽ tại bệnh viện đã có bảng hướng dẫn rõ ràng :“Người bệnh chỉ nộp tiền tại quầy thu viện phí của bệnh viện..”. Hướng dẫn là vậy nhưng không hiểu tại sao đội ngũ nhân viên y tế tại Trung tâm này vì “quên” hay được lãnh đạo Bệnh viện và lãnh đạo Trung tâm “bật đèn xanh” để họ mới tự tung tự tác như vậy?

126910826_833688010805634_585342442008007247_n
Thông báo của Bệnh viện hướng dẫn bệnh nhân chỉ nộp tiền tại quầy thu viện phí của bệnh viện, nhưng đội ngũ y tế của Bệnh viện vẫn thu tiền trực tiếp của bệnh nhân khi họ mua các sản phẩm y tế ở đây.

Khi chúng tôi mang những băn khoăn, câu hỏi trên đến Bệnh viện để tìm câu trả lời. Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Nguyễn Duy Luật cho biết: “Việc này bệnh viện sẽ rà soát và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời”.

Trước câu trả lời này càng khiến chúng tôi băn khoăn hơn, bởi lẽ sự việc trên diễn ra công khai trong một thời gian dài, hơn nữa số tiền “khủng” thu được từ việc bán các sản phẩm trên lẽ nào lại không được nộp về Bệnh viện hay sao mà lãnh đạo đơn vị này không biết? Liệu có sự tồn tại “nhóm lợi ích” ở Bệnh viện này?

Vi phạm Luật khám bệnh, chữa bệnh

Theo Thông tư số 07/2015/TT-BYT ngày 03/4/2014 của Bộ Y tế quy định về áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh - chữa bệnh  thì, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện quy trình kỹ thuật đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt...

Tuy nhiên, kỹ thuật đắp cao ngải cứu là kỹ thuật chưa được công nhận trong danh mục kỹ thuật điều trị của Bộ Y tế, nhưng hiện nay lại được triển khai ở bệnh viện Châm cứu Trung ương. Mặt khác, việc nhập sản phẩm cao ngải cứu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bán và điều trị cho người bệnh đã vi phạm các hành vi bị cấm trong Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Từ diễn biến sự việc nêu trên có thể thấy Trung tâm của bệnh viện Châm cứu Trung ương có dấu hiệu bất chấp các quy định pháp luật về khám, chữa bệnh để trục lợi trên sức khoẻ, tính mạng của người dân khi đến thăm khám và điều trị bệnh tại đơn vị y tế này.

Thiết nghĩ, rất cần sự vào cuộc của Bộ Y tế, Cục quản lý khám chữa bệnh  kiểm tra làm rõ nội dung phản ánh trên. Qua đó xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm (nếu có).

Nhân đạo và Đời sống điện tử sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Nhóm PV