(NĐ&ĐS) - Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, 4 bệnh viện sẽ hỗ trợ Hà Nội tiến hành xét nghiệm theo phương pháp Realtime RT-PCR cho trên 70.000 mẫu.

Sáng ngày 8/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với Hà Nội về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

"Bộ Y tế cử 4 đơn vị là BV Bạch Mai, BV Nhi TW và BV Nhiệt đới TW và Viện Vệ sinh dịch tễ TW hỗ trợ Hà Nội, quy mô xét nghiệm PCR là 75.000 mẫu. Ngoài ra, còn những đơn vị khác luôn sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội khi được yêu cầu, với công suất có thể lên đến gần 100.000 mẫu - trong đó có 22.000 mẫu xét nghiệm Elisa”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

quyen-bo-truong-nguyen-thanh-long-bo-y-te-ho-tro-toan-dien-cho-thu-do-trong-phong-chong-dich-covid-191596860485
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội

Tính đến thời điểm hiện tại, Realtime – PCR là phương pháp có độ chính xác cao nhất trong chẩn đoán Covid-19. Realtime – PCR thường được sử dụng để phát hiện virus gây bệnh từ dịch tiết đường hô hấp. Người bệnh được lấy mẫu sinh phẩm từ niêm mạc họng. Mẫu bệnh phẩm được nuôi cấy và kiểm tra trình tự gene đặc trưng nhất của virus SARS-CoV-2.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ hoàn toàn nhất trí, đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong công tác phòng chống dịch giai đoạn 1: “Trung ương đặt niềm tin rất cao vào Hà Nội trong kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, đặc biệt vai trò của y tế và cán bộ cơ sở.  Mong Hà Nội tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được”.

Quyền Bộ trưởng cũng bày tỏ nhất trí với những giải pháp và đề xuất của Hà Nội, những kiến nghị của thành phố, đánh giá cao Hà Nội yêu cầu người dân đeo khẩu trang chỗ đông người, đây là giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh.

Cũng tại buổi làm việc, GS,TS Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị người dân Hà Nội khẩn trương cài đặt Bluzone, công cụ này vừa có ý nghĩa cảnh báo vừa truy vết phục vụ phòng chống dịch.

Về những kiến nghị trực tiếp của Hà Nội, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Cùng với các biện pháp phòng chống dịch khác, Bộ Y tế ngay từ đầu của đợt dịch này đã coi xét nghiệm là điểm mấu chốt quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh. Chỉ có xét nghiệm chúng ta mới có thể khoanh vùng được dịch bệnh nhanh chóng. Chính vì thế trong các cuộc họp của Chính phủ, Ban chỉ đạo, Bộ Y tế, công tác xét nghiệm đã luôn được nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo kiến nghị của các nhà chuyên môn, Quyền Bộ trưởng kiến nghị TP lấy mẫu máu những người đi Đà Nẵng từ ngày 7-15/7 để xét nghiệm và cũng do Trung ương đảm nhiệm cho Hà Nội. Những mẫu này có thể triển khai sau, trước mắt đẩy nhanh xét nghiệm PCR. Bộ Y tế cũng mong Hà Nội tiếp tục chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị; các bệnh viện phải tiến hành xét nghiệm các trường hợp đến khám bệnh có biểu hiện nghi ngờ, xét nghiệm cho bệnh nhân ở khu vực nặng, xét nghiệm cho nhân viên y tế ở những nơi có thể có nguy cơ lây nhiễm.

Quyền Bộ trưởng yêu cầu tất cả cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng với BHXH khám chữa bệnh BHYT, đều phải thực hiện việc lấy mẫu hoặc xét nghiệm để đảm bảo không có lây nhiễm trong cơ sở y tế.

Cơ sở nào có khả năng, năng lực xét nghiệm thì tự làm xét nghiệm, nếu không có thì lấy mẫu rồi gửi về cho đơn vị có năng lực. Việc xét nghiệm được thanh toán qua BHYT.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 120 cơ sở xét nghiệm trên toàn quốc, nhưng sắp tới có thể nâng lên khoảng 2.000 cơ sở đủ khả năng xét nghiệm, sàng lọc bệnh nhân Covid-19.

Về công tác điều trị, Quyền Bộ trưởng khẳng định Bộ Y tế sẵn sàng tiếp nhận điều trị cho Hà Nội. Bệnh viện Bạch Mai đã chuẩn bị sẵn 1.000 giường bệnh, gồm 500 giường tại cơ sở 1 và 500 giường ở cơ sở 2 Hà Nam để sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội.

Trước mắt, Bộ Y tế giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân của Hà Nội. Tuy nhiên, nếu trường hợp tăng thêm bệnh nhân thì chuẩn bị kịch bản chuyển thêm cơ sở điều trị khác.

P.V