(NĐ&ĐS) - Ngày 10/6, tại Hà Nội, T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã tổ chức lễ ghi nhận và chia tay bà Yvonne Rufibach - Trưởng đại diện Hội CTĐ Thụy Sĩ tại Việt Nam.

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký T.Ư Hội CTĐ Việt Nam, Đại diện Hiệp hội CTĐ TLLĐ, Ủy ban CTĐ quốc tế, đại diện các hội quốc gia Mỹ, Đức và lãnh đạo các ban của Hội CTĐ Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký T.Ư Hội CTĐ Việt Nam bày tỏ sự tri ân đến những đóng góp của bà Yvonne Rufibach - Trưởng đại diện Hội CTĐ Thụy Sĩ tại Việt Nam cho sự nghiệp chữ thập đỏ tại Việt Nam và phong trào CTĐ quốc tế.

"Trong thời gian làm trưởng đại diện tại Việt Nam, bà đã có những đóng góp lớn, dành tình yêu, sự hy sinh, cống hiến cho hoạt động nhân đạo. Hội CTĐ Thụy Sĩ là đối tác lâu dài nhất của CTĐ Việt Nam", ông Nguyễn Hải Anh đánh giá.

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký T.Ư Hội, trong 10 năm trở lại đây, Hội CTĐ Thụy Sĩ đã triển khai rất nhiều dự án tại Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của Hội CTĐ Việt Nam, trở thành tổ chức nhân đạo lớn nhất, hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Qua các dự án đã để lại tình cảm tốt đẹp với nhân dân các địa phương.

Thay mặt lãnh đạo, cán bộ nhân viên Hội CTĐ Việt Nam, ông Nguyễn Hải Anh gửi lời cảm ơn, sự hỗ trợ, đóng góp của các hội CTĐ quốc gia trong đó có Hội CTĐ Thụy Sĩ và cá nhân bà Yvonne Rufibach.

image1 (1)
Ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký T.Ư Hội CTĐ Việt Nam trao ghi nhận cho bà Yvonne Rufibach - Trưởng đại diện Hội CTĐ Thụy Sĩ tại Việt Nam.

Năm 2020, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới phải chiến đấu với đại dịch Covid-19. Hội CTĐ Thụy Sĩ cũng như các quốc gia trong phong trào đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch.

Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh, không chỉ hỗ trợ trong nước, Hội CTĐ Việt Nam còn hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các quốc gia như Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Ông Nguyễn Hải Anh cũng bày tỏ mong muốn, sau khi hết nhiệm kỳ tại Việt Nam, bà Yvonne Rufibach vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho Hội CTĐ Việt Nam.

Xúc động trước những tình cảm của Hội CTĐ Việt Nam, bà Yvonne Rufibach cho biết: "Trong 2 năm đảm nhiệm công việc tại Việt Nam là một phần rất lớn và quan trọng trong cuộc đời tôi. Được hợp tác với Hội CTĐ Việt Nam và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã cho tôi nhiều kinh nghiệm bổ ích, được đón nhận những tình cảm nồng hậu của nhân dân Cà Mau (nơi chúng tôi triển khai dự án). Giúp chúng tôi có những kế hoạch và cách tiếp cận triển khai dự án khác nhau. Trong những năm tiếp theo, Hội CTĐ Thụy Sĩ ở Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn mới. Tôi tin tưởng với mối quan hệ tốt đẹp và các dự án đã thành công tại Việt Nam, Hội CTĐ Thụy Sĩ và CTĐ Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác và phát triển bền vững".

Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ hỗ trợ nhiều chương trình, dự án tại Việt Nam

Hội Chữ thập đỏ Việt nam và Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ đặt quan hệ từ những năm 60, tài trợ cho các chương trình, dự án, hầu hết thực hiện tại các tỉnh miền Nam và Trung Việt Nam.

Giai đoạn 2008 trở về trước: Các hoạt động tập trung chủ yếu vào cứu trợ khẩn cấp và cứu trợ phục hồi, cùng một số hoạt động như: Xây 3.500 nhà khung thép chống lũ cho người nghèo ở những vùng thường xuyên bị bão lũ ở An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Phú Yên …); sửa chữa nhà cho các hộ nghèo (552 hộ ở Kiên Giang, 434 hộ ở An Giang); Khoảng 2.000 ca mổ mắt thay thuỷ tinh thể cho bệnh nhân nghèo; Tặng một số trang thiết bị y tế như giường bệnh, kính hiển vi, và các trang thiết bị khác cho các bệnh viện ở An Giang và Kiên Giang; 34.700 nhiệt kế cho người nghèo; Bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện tỉnh Phú Yên và An Giang; Tặng cặp phao, áo phao cho học sinh vùng lũ; Trang bị cho 250 đội cứu hộ ở Kiên Giang và 300 đội cứu hộ ở An Giang; Xe lăn cho người khuyết tật, nạn nhân da cam.

Từ năm 2008 tới nay, đã có những thay đổi về lĩnh vực hoạt động, hướng tới xây dựng năng lực chống chịu và phục hồi cho cộng đồng (Giảm thiểu rủi ro thảm họa, quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng).

Với các dự án được triển khai như: Dự án xây dựng làng tái định cư Hố Gùi I và Hố Gùi II ở Cà Mau cho 150 hộ dân ở trong khu vực nguy cơ hiểm hoạ do nước biển xâm thực, chia làm 3 giai đoạn, kết thúc tháng 6/2012; Chương trình cứu trợ phục hồi sau bão Ketsana và Mirinae 2009; Dự án hỗ trợ phát triển sinh kế cho gia đình 100 nạn nhân da cam huyện Vũ Thư - tỉnh Thái Bình trị giá 60,000 USD triển khai từ tháng 6/2012; Dự án Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng thực hiện tại Cà Mau trị giá 7,568 tỷ đồng (GĐ I - 9/2012 – 5/2014); Dự án Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng thực hiện tại Bến Tre với trị giá 11,42 tỷ đồng (1/8/2013 – 1/7/2015); Dự án Quản lý RRTH dựa vào cộng đồng tại Cà Mau giai đoạn 2 (2015-2017): 677,937 CHF (14,91 tỷ đồng); Dự án cứu trợ hạn mặn năm 2016 trị giá 4,7 tỷ đồng; Dự án nước sạch và vệ sinh (một hợp phần của Dự án QLRRTH dựa vào cộng đồng giai đoạn II): hơn 16 tỷ đồng, trong đó 14 tỷ đồng do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trực tiếp giải ngân.

Nho Quế