(NĐ&ĐS) - Việc Facebook lên tiếng thừa nhận đã theo dõi tin nhắn người dùng tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại về an toàn thông tin trên không gian mạng.

facebook-messenger-1140x526_c
Việc Facebook lên tiếng thừa nhận đã theo dõi tin nhắn người dùng tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại về an toàn thông tin trên không gian mạng. (Ảnh minh họa: internet/Tư liệu).

Cùng với đó là sự phát triển của các chương trình theo dõi, gián điệp. Vấn đề bảo mật thông tin đã trở thành nỗi bận tâm của người dùng thiết bị thông tin liên lạc.

Mới đây, Facebook lên tiếng thừa nhận đã quét nội dung các cuộc trò chuyện trên ứng dụng nhắn tin Messenger. Như vậy, đối với người dùng, vùng an toàn trên không gian mạng ngày càng thu hẹp dần.

Nếu trường hợp người dùng bị cài phần mềm nghe lén thì nên khôi phục lại chế độ nguyên bản khi xuất xưởng của điện thoại. Với những trường hợp nghiêm trọng hơn như bị nghe lén bằng thiết bị, người dùng có thể phối hợp cùng nhà mạng và cơ quan chức năng để cùng tiến hành điều tra.

Nếu như trước đây, phương thức liên lạc bằng tin nhắn chủ yếu được thực hiện qua điện thoại di động - chỉ có chức năng nghe gọi và nhắn tin thì giờ đây người dùng smartphone có vô vàn lựa chọn với các phần mềm nhắn tin, gọi điện video trực tuyến, như Zalo, Viber, Skype, Hangouts, WhatsApp, Line, Facebook Messenger…

Nhiều phần mềm nhắn tin, gọi điện trên điện thoại thông minh được giới thiệu là có tính năng bảo mật cao, yêu cầu người sử dụng phải nhập mã hay quét vân tay khi muốn truy cập vào. Chức năng này đảm bảo sự riêng tư cho chủ nhân và ngăn cản người lạ xâm nhập. Những tin nhắn, cuộc gọi được thực hiện qua các phần mềm này dường như có độ an toàn tuyệt đối và bất khả xâm phạm!

Nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Giờ đây, những đối tượng muốn theo dõi, kiểm soát, đánh cắp nội dung các tin nhắn hay cuộc gọi từ điện thoại mục tiêu chỉ cần cài đặt phần mềm gián điệp vào những chiếc điện thoại đó.

Cũng rất dễ dàng tìm được các địa chỉ cung cấp các phần mềm theo dõi điện thoại di động chỉ với những từ khóa đơn giản như “phần mềm theo dõi điện thoại” hay “phần mềm gián điệp”…

Các phần mềm này được viết riêng cho từng dòng điện thoại smartphone thông dụng trên thị trường, như: phần mềm gián điệp điện thoại Asus ZenFone, phần mềm gián điệp điện thoại Iphone, phần mềm gián điệp điện thoại Samsung, phần mềm gián điệp điện thoại HTC…

Nhìn chung, người dùng điện thoại Android là đối tượng dễ bị cài đặt các phần mềm nghe lén hơn iOS. Apple quản lý vấn đề bảo mật rất chặt chẽ. Hãng này không cho phép người dùng iPhone cài các ứng dụng không phải từ kho App Store.

Theo như quảng cáo từ các địa chỉ này: “Phần mềm quản lý điện thoại di động khi theo dõi trên điện thoại người khác cần có 3G hoặc Wifi, trường hợp máy mục tiêu chưa được kết nối mạng thì mọi dữ liệu trên điện thoại người dùng sẽ được lưu trữ lại đầy đủ. Đặc biệt là khi điện thoại mục tiêu được kết nối mạng ngay lập tức tất cả dữ liệu trên sẽ được chuyền qua email cho bạn chỉ trong vài phút”.

Những phần mềm gián điệp này có thể theo dõi được tin nhắn trên Zalo, WhatsApp, Facebook Messenger, Viber, Line, Skype… Thậm chí "những tên gián điệp" này còn có thu thập được mật khẩu đăng nhập vào Zalo, Facebook,Viber, email… trên máy nạn nhân.

Bên cạnh đó, các đối tượng chào bán phần mềm gián điệp còn khẳng định những phần mềm này còn có khả năng sao lưu các cuội gọi video; ghi âm các cuộc gọi đi - đến cũng như nhật ký các cuộc gọi này; cung cấp bản sao tin nhắn SMS, MMS. Và nguy hiểm hơn là chúng có thể ghi âm, chụp ảnh được môi trường xung quanh dù điện thoại đang trong chế độ tắt…

Với khả năng thu thập thông tin như trên thì hầu như không còn khôg gian an toàn đối với nạn nhân bị cài đặt những phần mềm gián điệp này.

PV baonhandao.vn đã liên hệ với các đối tượng cung cấp phần mềm theo dõi và đều nhận được lời khẳng định tính hợp pháp của sản phẩm mà họ rao bán: “Đây là những phần mềm giúp giám sát, theo dõi con cái để đảm bảo chúng không bị những tác nhân xấu từ MXH ảnh hưởng, lôi kéo!”.

Một đối tượng còn khẳng định chắc nịch: “Tất cả các dòng điện thoại thông minh trên thị trường hiện nay đều có thể bị theo dõi bởi các phần mềm gián điệp”.

spy smartphone
Không ai dám chắc chắn thông tin cá nhân trên không gian mạng đang an toàn. (Ảnh minh họa).

Tuy có những tính năng nổi trội, ưu việt nhưng những phần mềm độc hại này chỉ có thể xâm nhập vào các dòng điện thoại thông minh. Còn với những chiếc điện thoại không phải điện thoại thông minh, tức loại "điện thoại cục gạch" chỉ có tính năng gọi điện và nhắn tin thông thường thì “phần mềm gián điệp hoàn toàn bó tay!” - đối tượng trên nhấn mạnh.

Trả lời baonhandao.vn, một chuyên gia công nghệ thông tin nói "những lời quảng cáo trên không phải không có cơ sở". Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, để làm được điều đó phụ thuộc rất nhiều vào "sự tiếp cận máy mục đích".

"Ví dụ tôi muốn theo dõi bạn, trước hết tôi phải có mã mở điện thoại của bạn", vị chuyên gia nêu giả thuyết, đồng thời cho rằng, các hãng điện thoại, các nhà cung cấp mạng luôn có hệ thống bảo mật tương đối hiện đại và tinh xảo. Để xâm nhập được là câu chuyện "còn phải bàn nhiều góc cạnh".

Song, chuyên gia này cũng khuyên người dùng nên cẩn trọng với các phần mềm gián điệp đánh cắp dữ liệu vì mục đích kinh tế, hay quyền riêng tư thông qua sự quen biết thân mật với nạn nhân.

Nếu nghi ngờ điện thoại của mình bị cài phần mềm nghe lén, bạn có thể khôi phục cài đặt gốc (Factory Reset) để xóa hoàn toàn bất kỳ phần mềm nghe lén nào có trên điện thoại. Việc thực hiện khá đơn giản.

Với điện thoại Android nói chung, bạn cần vào mục Thiết lập (Settings), chọn "Sao lưu và đặt lại" rồi chọn tiếp "Khôi phục cài đặt gốc" (lưu ý thuật ngữ có thể sẽ có những khác biệt ở những sản phẩm khác nhau).

Trước khi thực hiện việc này thì cần sao lưu lại dữ liệu sẵn có trên điện thoại. Ngoài ra, để tránh bị cài phần mềm nghe lén thì bạn nên cài đặt mật khẩu cho điện thoại cùng với các phần mềm bảo mật như Bkav Mobile Security.

"Điện thoại và ví tiền là hai vật bất khả xâm phạm. Một trong hai thứ này bị xâm nhập hay đánh cắp trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, nó có thể đẩy bạn đến bất cứ chân trời tăm tối nào", vị này đưa lời khuyên.

 PV baonhandao.vn cũng đã thử liên hệ với hai nhà cung cấp dịch vụ mạng di động về việc liệu thông tin khách hàng có bị đánh cắp và rằng nhà mạng có biện pháp gì nếu trường hợp đó xảy ra?

Đại diện các nhà mạng này đều phủ định giả thiết PV đặt ra, tuy nhiên cũng đưa ra lời khuyên: Nếu có nghi ngờ như vậy hay cảm giác "có sự nhiễu sóng nào đó" thì khách hàng cần vào chế đội "Cài đặt lại" rất phổ biến trên các smartphone để setup lại giúp sóng tốt hơn.

Đại diện nhà cung cấp mạng cũng nói hiện nay đơn vị không cung cấp chương trình nào liên quan đến việc hỗ trợ hay xử lý việc nghe lén điện thoại.

Các nhà mạng cho biết, chưa ghi nhận trường hợp xâm nhập thành công vào hệ thống mạng viễn thông di động để tiến hành nghe lén và theo dõi người dùng.

6 dấu hiệu điện thoại đang bị theo dõi

1. Hao pin

Đầu tiên, bạn hãy kiểm tra tình trạng và thời gian sử dụng pin trên máy bằng cách vào Settings (cài đặt) > Battery (pin) > Detail recording (bản ghi chi tiết). Lưu ý, vị trí và tên gọi các tùy chọn có thể thay đổi tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.

Tại đây sẽ có một biểu đồ nhỏ thể hiện tình trạng sử dụng pin, phần bạn cần quan tâm chính là On Screen (màn hình bật), nếu khoảng thời gian này thấp hoặc biểu đồ có sự sụt giảm bất thường thì nhiều khả năng đang có phần mềm chạy ngầm trên smartphone.

2. Dữ liệu di động tăng cao hoặc mau hết

Phần mềm gián điệp sẽ luôn chạy ngầm trên hệ thống và gửi dữ liệu liên tục về máy chủ mỗi khi bạn kết nối Wi-Fi hoặc 3G/4G. Đó là lí do tại sao nhiều người thường phải đối mặt với các hóa đơn điện thoại lên đến tiền triệu đồng mỗi tháng hoặc các gói dữ liệu di động hết nhanh hơn so với bình thường.

3. Quảng cáo xuất hiện dày đặc

Nếu thấy quảng cáo xuất hiện dày đặc trên các trang web thường hay truy cập, nhiều khả năng thiết bị của bạn đã bị nhiễm phần mềm độc hại. Phổ biến và nổi trội nhất hiện nay chính là trojan Hummer, phần mềm này có nguồn gốc Trung Quốc.

Theo thống kê, trojan Hummer có tốc độ lây lan rất nhanh trên khắp thế giới, đặc biệt ở những nước như Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Dưới đây là danh sách 25 quốc gia hàng đầu bị ảnh hưởng bởi các biến thể trojan Hummer trong sáu tháng đầu năm 2016, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 10 với gần 30.000 thiết bị Android bị lây nhiễm.

4. Hiệu suất thiết bị giảm

HummingBad là một loại trojan tương tự Hummer, sẽ xâm nhập vào thiết bị khi người dùng vô tình tải về các tập tin cài đặt giả mạo (.apk) của những phần mềm nổi tiếng từ các trang web không rõ ràng, đơn cử như Pokemon GO, YouTube, WhatsApp…

Đa phần các phần mềm gián điệp, độc hại thường âm thầm thu thập dữ liệu, đánh chặn nội dung và liên tục gửi về máy chủ do tội phạm mạng chỉ định. Điều này sẽ khiến hiệu suất thiết bị giảm đi đáng kể và hoạt động chậm chạp.

5. Xuất hiện các tin nhắn lạ

Nếu hộp thư đến xuất hiện các tin nhắn có chứa nhiều chữ số, kí tự và biểu tượng thì nhiều khả năng đây là lỗi của phần mềm gián điệp. Ngoài ra, đây cũng có thể là dữ liệu của bạn đã được mã hóa để gửi về máy chủ.

Để hạn chế lây nhiễm, người dùng không nên nhấp vào các liên kết không rõ nguồn gốc, kể cả khi người gửi là bạn bè, cha mẹ hoặc người thân, hãy liên lạc với họ để xác minh lại vấn đề.

6. Chuyển hướng trang web

Dấu hiệu này tương đối khó nhận biết, tuy nhiên, nếu cảnh giác bạn vẫn có thể phát hiện được. Về cơ bản, phần mềm độc hại có thể hoạt động như một proxy, chặn thông tin liên lạc giữa bạn và trang web bạn đang cố truy cập. Sau đó, chuyển hướng người dùng đến một trang web giả mạo và yêu cầu điền thông tin cá nhân, mật khẩu, tài khoản ngân hàng… (Nguồn: Vnreview.vn).

 Nghe lén điện thoại, thư tín, điện tín bị phạt tù

Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 125 Bộ Luật Hình sự về tội “xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” đã quy định rất rõ về các hình thức chế tài xử lý loại tội phạm này.

Theo đó, người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền, đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính; có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hay xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đến 5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

"Nếu phạm tội có tổ chức, nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm", ông Thu nói và cho biết thêm, ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm... (V. Huy ghi). 

Minh Châu