(NĐ&ĐS) - Đến nay, quy mô kinh tế của tỉnh Thanh Hóa đã đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh Trung bộ. Bộ Chính trị cũng đã ra Nghị quyết số 58 “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là cơ hội để Thanh Hóa bứt phá và tiến tới trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của tổ quốc.

Một nhiệm kỳ gặt hái nhiều thắng lợi lớn

Nhiệm kỳ 2015 – 2020, mặc dù gặp không ít khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy các nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều thành công rõ nét. Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm luôn đạt hai con số (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,1%), gấp 1,5 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Đến nay, quy mô kinh tế của tỉnh đã đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh Trung bộ. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán và tăng cao so với đầu nhiệm kỳ.

thanhhoa
Thanh Hóa bứt phá và tiến tới trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của tổ quốc. 

Trong nhiều dấu ấn của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020, thì việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là những định hướng lớn, chủ trương lớn để Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc. Đây là điểm rất thuận lợi cho tỉnh mà không phải tỉnh nào cũng có được vì chỉ có một số ít tỉnh, thành phố lớn thì mới được Bộ Chính trị ra nghị quyết riêng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX với phương châm hành động: Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, đã đề ra 27 chỉ tiêu, 6 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá; 12 nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh; 8 nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Trong đó, 6 chương trình trọng tâm gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Chương trình phát triển du lịch. Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh; Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ.

3 khâu đột phá gồm: Đột phá về phát triển hạ tầng. Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Môi trường hấp dẫn với các nhà đầu tư

Thanh Hóa luôn đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Toàn tỉnh hiện có 132 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 14,1 tỷ USD. Bên cạnh đó huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt 610.000 tỷ đồng gấp 1,8 lần so giai đoạn trước và nằm trong nhóm 5 tỉnh thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước.

Theo ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Thanh Hóa, để đạt được mục tiêu Nghị Quyết số 58 của Bộ Chính trị đã đặt ra thì việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nghĩa cho rằng các ngành chức năng cần tập trung hoàn chỉnh và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia. Khẩn trương triển khai lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch xây dựng chi tiết trong Khu kinh tế Nghi Sơn, các đô thị TP Thanh Hóa, Sầm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng. Quy hoạch dọc các hành lang kinh tế các tuyến giao thông lớn nhất là khu vực ven biển để làm cơ sở quản lý và thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, rà soát đơn giản hóa quy trình thủ tục mẫu hóa các thành phần hồ sơ rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Đổi mới phương thức nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đối ngoại xúc tiến đầu tư hợp tác Quốc tế. Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đón đầu làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI sau đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, Thanh Hóa tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung vào ban hành mới một số cơ chế chính sách của tỉnh như: ưu đãi đầu tư về đất đai giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh xã hội hóa; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư PPP. Đặc biệt, các lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn như hạ tầng giao thông, đô thị du lịch, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời sớm trình TƯ ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh về đầu tư tài chính và phân cấp quản lý theo tinh thần Nghị Quyết số 58 của Bộ Chính trị.

Phát triển KKT Nghi Sơn là giải pháp trọng tâm

Phát triển Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn là mấu chốt đồng thời cũng là một trong những giải pháp trọng tâm để tỉnh Thanh Hóa đạt được mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới.

Đến nay, KKT Nghi Sơn đã và đang khẳng định được là một trong những KKT ven biển hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư. Hiện KKT Nghi Sơn có 234 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 131.802 tỷ đồng và 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12,7 tỷ USD; trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, 2; Nhà máy xi măng Nghi Sơn; Liên hợp luyện cán thép; các bến cảng...

nha_may_loc_dau_vfvc

 

Giai đoạn 2016 – 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - thương mại dịch vụ đạt 390.413 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 3.713 triệu USD; thu ngân sách đạt 51.863 tỷ đồng (năm 2020 dự kiến thu ngân sách khoảng 17.000 tỷ đồng, bằng 61,3% so với cả tỉnh), giải quyết việc làm cho 37.000 lao động.... Sự phát triển của KKT Nghi Sơn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tăng thu ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng, tăng năng suất lao động, giải quyết nhiều việc làm, tạo đà tăng trưởng bền vững và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định KKT Nghi Sơn là trung tâm động lực kinh tế phía Nam, chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN tiếp tục được lựa chọn là một trong 6 chương trình trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025 đồng thời xác định rõ: Xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Theo ông Hiệu, để hoàn thành mục tiêu trong thời gian tới Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải giải pháp quan trọng.

Trước hết, tiếp tục chọn cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu công nghệ thông tin trong quá trình chỉ đạo, điều hành, quản lý hồ sơ công việc; xây dựng nền "hành chính phục vụ", lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu hành động.

Tiếp theo, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn (vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách tỉnh, PPP, ODA, vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp...) để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KKT. Trước mắt cần phải triển khai ngay một số dự án trọng điểm như: Nạo vét luồng vào cảng Nghi Sơn, đầu tư các tuyến giao thông trục chính và chỉnh trang, cải tạo hệ thống cây xanh dọc các tuyến đường đảm bảo xanh – sạch – đẹp,…

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với thị xã Nghi Sơn và các huyện Nông Cống, Như Thanh tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư theo hướng thiết thực, có trọng tâm trọng điểm; Tranh thủ tối đa cơ hội dịch chuyển nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á do ảnh hưởng của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Thường xuyên rà soát, đôn đốc tình hình thực hiện các dự án đầu tư.

Trưởng ban quản lý KKT Nghi Sơn cũng cho biết, sẽ khẩn trương triển khai lập và trình phê duyệt các Đồ án quy hoạch phân khu chức năng theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để kêu gọi đầu tư. Ưu tiên lập quy hoạch các phân khu CN và các khu đô thị, quá trình lập quy hoạch các KCN phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị và mang tính hiện đại, xanh - sạch - đẹp - thân thiện môi trường, phát triển bền vững.

Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ giữa cảng biển, cảng hàng không với các đầu mối vận tải hàng hóa, các trung tâm logistics, xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa và các vùng lân cận xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn.

Cuối cùng, tập trung đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực. Quan tâm chuyển đổi nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động địa phương trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các dự án.

Ông Nguyễn Tiến Hiệu cũng đề nghị Trung ương quan tâm cho phép KKT Nghi Sơn được “vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt” như: Cho phép tỉnh Thanh Hóa quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn; Không áp dụng quy định tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN tại KKT Nghi Sơn. Ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội KKT Nghi Sơn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ông Hiệu tin rằng phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được, với sự quan tâm của Trung ương; và sự đồng thuận, sát sao của tỉnh, KKT Nghi Sơn sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Thanh Huyền