Những ngày qua, cùng với Trung ương, chính quyền các địa phương, nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã đứng ra quyên góp, vận động và tổ chức cứu trợ cho đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt. Tinh thần tương thân, tương ái là rất quý báu, tuy nhiên cần thực hiện việc cứu trợ an toàn, đúng đối tượng, đúng nhu cầu là vấn đề đặt ra hiện nay.

Cứu trợ mưa lũ 2020 (56 tin)

Ngày 23/10, Nhân dân điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về vấn đề này. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết kết quả công tác cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho đồng bào miền trung bị ảnh hưởng mưa lũ, tính đến thời điểm hiện tại?

Ông Trần Quốc Hùng: Tính tới thời điểm hiện tại Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai được một loạt hoạt động tuân thủ quy trình cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Chúng tôi cũng đã tổ chức các đoàn công tác đến các tỉnh khu vực miền trung như: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ngoài ra, trong đợt này trung ương Hội cũng hỗ trợ Quảng Nam.

Trong việc tổ chức đoàn cứu trợ, ngoài thăm hỏi động viên bà con, các lực lượng ứng phó tại chỗ, Hội hỗ trợ tiền và hàng cứu trợ. Hàng ở đây chủ yếu thông qua thùng hàng gia đình gồm ba nhóm: đồ nhôm, đồ nhựa, đồ vải. Bên cạnh đó, Hội cũng hỗ trợ bà con viên khử khuẩn nước, gói bột lọc nước.

Trong đợt cứu trợ này, Hội bổ sung túi cứu trợ khẩn cấp, ngoài thùng hàng gia đình. Đây là cách thức hỗ trợ mới, trong túi hỗ trợ khẩn cấp có thêm một số mặt hàng thiết yếu, thực phẩm ăn liền như: nước uống, chà bông, lương khô, xúc xích, áo mưa, đèn pin và một số thuốc men thiết yếu.

Tiền mặt được hỗ trợ cho gia đình có người chết để hỗ trợ mai táng hoặc những hỗ trợ thiết yếu khác theo nhu cầu của địa phương.

Ngoài ra, một việc rất quan trọng là các đoàn công tác sẽ tổ chức đánh giá thiệt hại và nhu cầu. Tức là xác định rõ những khu vực nào cần cứu trợ, người dân cần cái gì, nhu cầu trước mắt là gì, nhu cầu sau thiên tai cũng như những giai đoạn sau là những gì.

Đồng thời, phải đánh giá khoảng trống trong cứu trợ, thí dụ để điều phối, khu vực này có rất nhiều rồi thì phải hướng tới chỗ chưa được hỗ trợ. Khi đánh giá thiệt hại và nhu cầu thì phải trả lời những câu hỏi đó.

Hội cũng phối hợp kêu gọi ủng hộ trong nước, ngoài nước. Trong đó, bao gồm phối hợp cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 triển khai chương trình ủng hộ qua nhắn tin thông qua đầu số 1403, từ ngày hôm nay 23-10 đến hết ngày 21-12-2020; kêu gọi ngành đường sắt, hàng không vận chuyển hàng cứu trợ miễn phí; kêu gọi hỗ trợ trong hệ thống Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế,…

Cứu trợ cần an toàn, đúng đối tượng, đúng nhu cầu -0
Ông Trần Quốc Hùng (ngoài cùng, bên phải) cùng đoàn cứu trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ bà con tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

PV: Trong quá trình triển khai công tác cứu trợ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Ông Trần Quốc Hùng: Thứ nhất, về thuận lợi, đó là người dân Việt Nam có tinh thần thương ái rất đáng trân trọng đặc biệt khi thiên tai, thảm họa. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Thêm một thuận lợi nữa là càng ngày công tác cứu trợ càng chuyên nghiệp hơn, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có các quy trình chuẩn, cách ứng phó chuyên nghiệp, được sự đồng hành của các đơn vị vận chuyển, hàng cứu trợ tuy rất nhiều nhưng được vận chuyển rất nhanh chóng.

Thứ hai, về khó khăn, đợt mưa lũ này là đợt mưa lũ lịch sử trong nhiều năm qua, mưa rất lớn và nước dâng lên rất nhanh gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu trợ.

Việc các nhóm từ thiện tự phát hỗ trợ bà con có mặt tích cực là huy động được nguồn lực trong dân nhưng rõ ràng việc này cũng ảnh hưởng đến việc điều phối cứu trợ như thế nào. Ngoài ra, ở một vài nơi, sự chủ quan vẫn còn.

Với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, khi các nguồn từ thiện được đổ dồn cho các nhóm từ thiện tự phát thì nguồn lực về những cơ quan chính thống như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc sẽ giảm đi, điều đó là hiển nhiên.

PV: Xin ông cho biết quy trình hay những nguyên tắc chung được áp dụng đối với việc triển khai công tác cứu trợ trong thiên tai thảm họa, trong đó có cứu trợ khi mưa lũ?

Ông Trần Quốc Hùng: Về phía Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tất cả các hoạt động đều được triển khai theo một quy trình chuẩn.

Một quy trình quản lý thảm họa gồm năm bước: Đầu tiên là phòng ngừa, cần tập huấn đào tạo, diễn tập tình huống, chuẩn bị lương thực thực phẩm, chằng chống nhà cửa, di dời dân,...

Giai đoạn thứ hai mới là ứng phó khẩn cấp, trong ứng phó khẩn cấp phải lưu ý các tiêu chuẩn tối thiểu trong cứu trợ nhân đạo.

Sau đó giai đoạn thứ ba là phục hồi, giải quyết các vấn đề như: nhà bị tốc mái, hư hỏng, vật nuôi, hoa màu, sách vở, kể cả hỗ trợ tâm lý,…

Thứ tư là tái thiết: giải quyết về cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm mà giai đoạn này chủ yếu là Nhà nước thực hiện.

Thứ năm, sau tái thiết là giảm nhẹ, thí dụ như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai dự án “trồng rừng ngập mặn - giảm rủi ro thảm họa” trong hơn 20 năm tại 10 tỉnh, thành duyên hải Bắc và Bắc Trung Bộ và trong thực tiễn những cánh rừng như là một bức tường xanh giúp cho cư dân an toàn.

Cứu trợ cần an toàn, đúng đối tượng, đúng nhu cầu -0
Đoàn công tác Chữ thập đỏ Việt Nam tới thăm, tặng quà người dân xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, ngày 21 và 22-10. 

Tiêu chuẩn tối thiểu trong cứu trợ nhân đạo đưa ra bốn nhóm cơ bản cần hỗ trợ người dân tức thì trong ứng phó khẩn cấp, theo thứ tự: thứ nhất là nước sạch; thứ hai là lương thực, thực phẩm; thứ ba là chỗ ở an toàn, thứ tư là hỗ trợ y tế.

Trong tiêu chuẩn tối thiểu này lại quy định rất kỹ, ví dụ như nước uống là bao nhiêu, nước sinh hoạt là bao nhiêu, mức dành cho phụ nữ mang thai, trẻ em bao nhiêu,…

Về thực phẩm thì phụ thuộc vào từng điều kiện, từng khu vực, sẽ cần hỗ trợ những loại thực phẩm khác nhau. Chúng tôi khuyến nghị nếu khu vực bị chia cắt, khó tiếp cận thì những cần những đồ nhẹ có thể ăn liền như mì tôm, lương khô, chà bông nhưng nên ở mức độ vừa phải, sau đó là gạo hoặc đồ hộp, sữa,… Những giai đoạn sau là hỗ trợ sinh kế để có lương thực, mất mùa thì hạt giống, con giống, phân bón,...

Chúng ta phải có tư duy dài hạn, bền vững và phát triển. Cứu trợ trong giai đoạn khẩn cấp là rất đáng quý nhưng sau đó còn giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững. Ta huy động nhưng ta phải có một kế hoạch dài hơi. Thay bằng dồn hết vào giai đoạn này với các nhu cầu thiết yếu trước mắt, nên hỗ trợ giai đoạn phục hồi (mà thường lại rất ít người dân quan tâm hỗ trợ).

PV: Hiện nay, cùng các chính quyền địa phương, rất nhiều cá nhân, tổ chức đang kêu gọi ủng hộ và thực hiện công tác cứu trợ cho bà con miền trung bị ảnh hưởng lũ lụt. Ông có thể đưa ra một số khuyến nghị để công tác cứu trợ của các tổ chức, cá nhân được an toàn, đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thưa ông?

Ông Trần Quốc Hùng: Chúng tôi khuyến nghị mạnh mẽ là chúng ta phải thực hiện theo luật, theo các quy định chung của Nhà nước. Trong cứu trợ khẩn cấp, lực lượng thực hiện phải là công an, bộ đội, của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bên dưới là Ban chỉ huy các tỉnh, vì họ được tập huấn, đào tạo, có phương tiện, có lực lượng cứu hộ.

Đúng giai đoạn ứng phó khẩn cấp, đúng lúc lụt sâu, bão đang vào thì các tổ chức thiện nguyện không nên xuất hiện mà chúng ta nên tham gia giai đoạn phục hồi, tức là khi bão đã qua đi, nước đã rút đến mức an toàn, lúc đó người dân rất cần hỗ trợ để phục hồi.

Những giai đoạn khẩn cấp chắc chắn hệ thống chính trị của chúng ta bảo đảm được để sau đó hồi phục tốt hơn thì cần sự chung tay, góp sức.

Đúng lúc nguy hiểm nhất các nhóm thiện nguyện tự phát không nên vào, dễ nguy hiểm cho chính họ và có thể trong chừng mực nào đấy gây khó khăn nhất định cho địa phương.

Để đúng đối tượng, đúng nhu cầu nên thông qua các tổ chức chính thống, được giao nhiệm vụ như Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã nêu.

Cứu trợ cần an toàn, đúng đối tượng, đúng nhu cầu -0
 Lực lượng vũ trang Quảng Bình cứu trợ mì tôm khẩn cấp cho người dân vùng lũ Lệ Thủy. (Ảnh: HƯƠNG GIANG)

PV: Tuy nhiên, có thực tế hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức không thực sự mặn mà trong việc phối hợp chính quyền địa phương hay các tổ chức chính thống được giao thực hiện cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo. Vậy theo ông, cần có giải pháp như thế nào để có sự phối hợp tốt hơn giữa các bên?

Ông Trần Quốc Hùng: Có thể nói, trong vài năm qua cũng có một vài hiện tượng “con sâu bỏ rầu nồi canh”, có thể gây thất thoát chừng mực nào đấy nhưng cũng có những trường hợp mà người dân có thể chưa thực sự hiểu.

Do vậy, rõ ràng ở đây, kể cả chính quyền, kể cả tổ chức như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phải làm bài bản hơn, tốt hơn, chuẩn mực hơn và đặc biệt tính giải trình, minh bạch phải cao hơn.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có hệ thống ứng phó bốn cấp từ trung ương đến các xã phường với gần 400 đội ứng phó thiên tai, thảm họa, công tác cứu trợ được thực hiện theo quy trình chuẩn và mô hình hoạt động cộng đồng ứng phó với thảm họa và có thể kết nối với quốc tế, khi vượt quá khả năng quốc gia.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có thể đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức thiện nguyện ở góc độ là chúng tôi có thể cung cấp cho các đoàn cứu trợ về thông tin thiệt hại hay người dân ở đâu, cần hỗ trợ như thế nào, mặt hàng gì. Các đoàn cứu trợ vẫn đến trực tiếp và chúng tôi có thể đồng hành cùng các bạn, lực lượng tình nguyện viên ở cộng đồng rất đông, từ Trung ương hội, tỉnh hội, đến xã phường.

Hội không cần các cá nhân, tổ chức chuyển tiền về Hội mà chỉ cần các cá nhân, tổ chức phối hợp cùng Hội, nếu phối hợp sẽ được mấy điểm lợi: thứ nhất là có cả Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bốn cấp hỗ trợ, cá nhân tổ chức muốn đến bất kỳ chỗ nào chúng tôi cũng có khả năng hỗ trợ;

Thứ hai là tính giải trình, minh bạch rất cao, việc lựa chọn đối tượng sẽ theo quy trình từ dưới lên theo tiêu chí cứng và tiêu chí ưu tiên. Hội có đã có sẵn khảo sát đối tượng khó khăn cần trợ giúp, vì là hệ thống nên có thể điều phối, tư vấn cho các nhóm từ thiện đúng đối tượng, đúng khu vực, đúng nhu cầu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Đến thời điểm hiện tại, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ 2,2 tỷ đồng, 2.390 thùng hàng gia đình, 480.000 viên lọc nước Aquatab, 120.000 gói bột lọc nước P&G và hơn 10 tấn hàng cứu trợ gồm: lương thực, thực phẩm, quần áo, sách vở… để cứu trợ khẩn cấp người dân năm tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam.

Theo Bông Mai - Lê Ngân / nhandan.com.vn