(NĐ&ĐS) - Cụm từ “từ thiện chuyên nghiệp” gần đây được được báo chí nhắc đến nhiều với các ý kiến khác nhau. Sau những hành vi lừa đảo ăn chặn tiền từ thiện hay những lùm xùm xoay quanh các phương thức hoạt động của giới nghệ sỹ, thì việc nhà hảo tâm nên chọn những đơn vị, tổ chức hoạt động từ thiện chuyên nghiệp, có nguyên tắc là việc nên làm.

Mới đây, Bộ Công an đưa ra khuyến cáo cho các nhà hảo tâm để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện thì nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức.

Khuyến cáo trên bắt nguồn từ việc Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an đã phối hợp bắt giữ Trần Văn Lâm (23 tuổi, ngụ tỉnh Hà Nam) để điều tra về hành vi lập fanpage facebook kêu gọi người dân ủng hộ tiền từ thiện rồi chiếm đoạt.

Theo đó, Trần Văn Lâm là người đã thiết lập và sử dụng fanpage “Hỗ trợ trẻ em” và đăng gần 250 bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là câu chuyện về các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Qua điều tra ban đầu, tính đến tháng 3/2021, tổng số tiền của các nhà hảo tâm gửi vào tài khoản của Lâm hơn 6,6 tỷ đồng.

giai-cuu
Hàng trăm xe cộ nối đuôi nhau trên quốc lộ 1, đoạn qua ngã ba Cam Liên, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy. Đây là điểm tập kết hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ ở Lệ Thủy (Quảng Bình).

Trong đợt lũ lịch sử cuối năm vừa qua, hình ảnh những cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân tổ chức từ thiện đến với các vùng thiên tai để chung tay góp sức sẻ chia khó khăn giúp người dân miền Trung vượt qua mất mát, đau thương đã để lại những hình ảnh đẹp về tinh thần tương thân tương ái của văn hóa Việt. Nhưng việc chuyển và phân phát hàng từ thiện đến các địa bàn cũng cần sự phối hợp chuyên nghiệp giữa đơn vị tổ chức với chính quyền địa phương, để tránh tình trạng ùn ứ hàng từ thiện, hay “nơi cần thì không có, nơi có thì chưa cần”.

Của cho không bằng cách cho, nhiều nơi khi đoàn từ thiện dời đi, thì tình làng nghĩa xóm cũng bị sứt mẻ. Ai đó có thể là một bác sĩ giỏi, một nghệ sỹ nổi tiếng những không có nghĩa là một người làm từ thiện tốt.

Đã có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng được công chúng, người hâm mộ tin tưởng gửi gắm, tuy nhiên, sau khi làm thiện nguyện đã dính tới những lùm xùm xung quanh chuyện công khai, minh bạch việc sử dụng nguồn tiền quyên góp được như thế nào,…

Điển hình như những lùm xùm liên quan đến nghệ sĩ Hoài Linh mới đây. Dù danh hài này đã chính thức lên tiếng giải thích lý do của việc giữ số tiền quyên góp ấy lâu như vậy, nhưng cũng khó lòng được dư luận chấp nhận hay cảm thông … Chính sự im lặng, nhập nhèm này, khiến một lần nữa, công chúng đặt dấu hỏi nghi ngờ về tính minh bạch, về cái tâm thiện trong sáng và cả về niềm tin được trao gửi.

Phải khẳng định rằng, lấy danh tiếng của các nghệ sĩ lớn để kêu gọi từ thiện vô cùng hiệu quả. Nhưng việc tổ chức và điều phối các nguồn lực cứu trợ là chưa như mong muốn, thậm chí có thể làm xói mòn lòng tin của người đóng góp, thậm chí còn gây phản cảm.

binh-dinh-7
Dù ở lĩnh vực nào như công tác xã hội, phòng ngừa, ứng phó thảm họa, chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng, hay vận động hiến máu nhân đạo,... hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng luôn chuyên nghiệp và hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hoạt động từ thiện chuyên nghiệp có nguyên tắc đó là phải đảm bảo tính công khai minh bạch trong việc quyên góp hoặc là quản lý sử dụng nguồn vận động quyên góp. Số tiền hay hàng vận động được phải được ghi nhận công khai minh bạch trên website hoặc văn bản của tổ chức, cá nhân, trong trường hợp cần thiết phải có thanh tra, kiểm toán theo quy định. Trong quá trình sử dụng thì công khai, minh bạch, đảm bảo chi đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

“Khi có nguồn hỗ trợ của những người đóng góp, triển khai hoạt động đó ở địa phương nào, thì phải báo cáo chính quyền địa phương để họ hỗ trợ cho hoạt động nhân đạo từ thiện: lựa chọn đối tượng, kiểm tra giám sát, và xác nhận hoạt động từ thiện đó đã được triển khai ở địa phương theo quy định. Nếu làm được điều đó sẽ giảm bớt khó khăn cho người vận động, triển khai hoạt động và thể hiện tính công khai minh bạch. Bên cạnh đó, người kêu gọi vận động cũng phải có cam kết với người đóng góp, và người đóng góp phải có yêu cầu được mình đóng góp, được mình ủy thác lòng tin hay những nguồn kinh phí mình hỗ trợ đó”.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, quá trình tổ chức hoạt động nhân đạo từ thiện của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được thực hiện chuyên nghiệp gồm các bước: Vận động; Tiếp nhận; Triển khai nguồn lực; Kiểm tra, giám sát; Tôn vinh.

Còn trong việc quản lý thiên tai, thảm họa, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện quy trình cứu trợ như: Phòng ngừa; Ứng phó khẩn cấp; Phục hồi; Tái thiết; Giảm nhẹ. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, quy trình này vừa đảm bảo triển khai công tác cứu trợ nhanh nhạy, hiệu quả, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch và đồng thuận do có sự tham gia trực tiếp của chính quyền và của người dân địa phương.

“Trong quá trình hỗ trợ nhân đạo, giai đoạn phục hồi cũng quan trọng không kém giai đoạn ứng phó khẩn cấp, hoạt động tái thiết như điện, đường, trường, trạm,… cũng được quan tâm thực hiện với những nguồn lực lớn được phân bổ có kế hoạch cụ thể, chi tiết từng giai đoạn để đạt hiệu quả thiết thực nhất cho người hưởng lợi”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khẳng định.

Minh Tâm