(NĐ&ĐS) - Đào thắm, mai vàng đã nảy lộc đơm bông giữa tiết trời Xuân ấm áp. Không khí Tết đã bắt đầu rộn rã từ những bản làng, xóm phố khắp dọc dài đất nước.

Vừa đấy thôi, những bận rộn, những cảm xúc của năm cũ đã lùi về quá khứ, tờ lịch sang trang đánh dấu ngày đầu tươi mới của năm Canh Tý với bao điều khát vọng.

Chuyện cả năm dài đằng đẵng kể sao cho hết, nhưng lắng đọng trong tôi, cũng như bao người mỗi khi Tết đến Xuân về là tình nhân ái, tình người như một báu vật truyền đời về truyền thống văn hóa Việt Nam. Tết xưa, Tết nay đã có bao điều đổi thay khác biệt, nhưng nét văn hóa đặc trưng Tết của người Việt vẫn còn lưu lại đó là dành dụm để cho cái Tết đủ đầy, là sự sẻ chia giúp đỡ, là bầu không khí đoàn tụ trong đầm ấm yêu thương… Mong ước là thế, nhưng cuộc sống có bao giờ trọn vẹn cho tất cả mọi người.

tet_nguyen_dan1
Ảnh minh họa

Nhớ lại Tết Kỷ Hợi 2019, tôi đã đi nhiều vùng miền về những nơi khó khăn nhất của các làng bản vùng sâu, vùng xa theo “đoàn quân” trong trang phục áo Chữ thập đỏ - Một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự của Hội - để mang những phần quà Tết, món quà của tình nhân ái đến với người nghèo. Sau Tết ấy, anh em tổng hợp lại có đến 2,6 triệu suất quà Tết trị giá trên 1.100 tỷ đồng đã được trao tặng. Đây không chỉ là vật chất đơn thuần, mà chứa đựng trong đó là tình cảm, trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân.

Quà mang ra Trường Sa vượt qua bao sóng gió, hiểm nguy để đến với những người con ưu tú của Tổ quốc, tiếp thêm sức mạnh của hậu phương động viên các anh bộ đội luôn vững vàng bản lĩnh bảo vệ biển trời. Mới vài tết trước, đoàn người ra thăm các đảo đã gom ít đất tổ tiên, tìm kiếm những hạt mầm rau từ đất liền mang ra từng đảo để xây dựng hệ thống "Vườn rau Trường Sa" do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề xuất giúp bộ đội cải thiện đời sống.

Bây giờ đảo nào cũng có màu xanh của rau, màu của sự sống đang bừng lên trước biển, là hình ảnh đẹp của tình đoàn kết, là ý chí mãnh liệt về tinh thần yêu nước Việt Nam. Quà mang lên với bà con vùng biên giới, những nơi xa xôi hẻo lánh để người dân vui Xuân đón Tết, làm cho cả vùng biên cương rộng lớn thêm rộn ràng, ấm cúng mà yên tâm giữ đất, giữ  bản.

Quà đến với người dân vùng đất chín Rồng: Trà Vinh, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng là hàng trăm giếng nước ngọt giúp bà con nghèo chống chọi với thảm họa hạn mặn xâm nhập vào dịp Tết này của Nhóm thiện nguyện SHARING, thành phố Hồ Chí Minh. Hàng trăm doanh nghiệp và cán bộ Chữ thập đỏ đã lặn lội cùng người dân khơi mạch nguồn nước sạch dẫn về các khóm, ấp để Tết này người dân không lo thiếu nước.

Quà mang đến với hàng nghìn gia đình nghèo được sum vầy, luôn đầy ắp tiếng cười trong căn nhà mới còn thơm mùi gỗ, mùi sơn do những người làm công tác nhân đạo cả nước vận động xây dựng trao tặng. Chỉ tính riêng ở tỉnh Hà Giang, đã có gần 400 ngôi nhà như thế được trao tặng người nghèo trong năm 2019.

Quà mang tới những mảnh đất vùng cao là những điểm trường tươi rói được dựng lên bằng sự vận động quyên góp của nhiều người giúp cho bao em thơ có hội được học hành; là những cây cầu, đường giao thông được làm nên từ mồ hôi công sức của những người tình nguyện để giúp người dân trong những mùa mưa lũ.

Đã có bao món quà trong mùa xuân nhân ái như thế được mang về trao tặng ở mọi miền quê của đất nước làm sáng lên đạo lý "Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Những mùa xuân Nhân ái đã hình thành như lẽ tự nhiên của tình người năm nào, ở đâu cũng có. Nhiều người, nhiều tổ chức tất tả, ngược xuôi để muốn gom góp thêm trách nhiệm với người nghèo.

Và tôi đã gặp họ ở những nơi như thế…

Ai đã từng về Tà Tổng, mảnh đất hoang sơ, bốn mùa mây phủ, cảnh quan hùng vỹ, nằm trên độ cao 1.500 m so với mặt nước biển, là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại khó khăn vào loại bậc nhất của huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) mới thấy tình người nơi vùng mây núi mờ sương này.

Từ trung tâm huyện Mường Tè vào trung tâm xã Tà Tổng phải đi qua chặng đường gần 50km đường đèo dốc hết gần nửa ngày.

Từ xã người dân, các thầy cô giáo và các em học sinh phải đi bộ, đi xe máy gần 40km nữa mới đến nơi ở và điểm trường bên con suối Nậm Ngà để học hành. Dân cư ở đây thưa thớt, người dân ở đây chủ yếu là dân tộc H'Mông và người Hà Nhì, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn đeo đẳng ở vùng này làm cho cuộc sống ngày càng nghèo khó.

Nơi đây tiếp giáp với huyện Mường Nhé của tỉnh Điện Biên là điểm nóng về an ninh trật tự làm chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc anh em từ vài năm trước. Khó khăn là thế mà sức hấp dẫn nào đã khiến hàng chục đoàn thiện nguyện từ nhiều vùng về đây để thắp lên những ngọn lửa nhân ái thấm đẫm tình người.

Cô giáo Đỗ Lan Hương rời quê hương Thái Nguyên về đây với điểm trường Tà Tổng đã 12 năm, là Hiệu trưởng của Trường Mẫu giáo nuôi dạy mầm non, xa nhà, xa quê, lạ lẫm giữa một vùng rừng núi.

Cô Hương cùng hơn 60 thầy cô lặn lội khắp vùng vận động trên 850 các em nhỏ của 15 bản về điểm trường học tập, sinh sống. Bằng tất cả tấm lòng yêu trẻ, cô đã cùng với các thầy cô “địu” chữ lên non, viết nên những câu chuyện của tình người nơi xứ sở mù mây này.

Cả nước biết đến trường về một buổi Lễ khai giảng ngay bên bãi sỏi ven con suối Nậm Ngà trong xanh nhưng lại hiện lên những gương mặt hồn nhiên, yêu đời của thầy trò nơi đây như không thấy có gì khó khăn, cực nhọc, đã làm lay động trái tim, tình cảm của bao người.

Đấy là món quà mang cái chữ dành cho cả thế hệ con em của 10 bản xa xôi này. Và thế là, điều thú vị ấy đã thôi thúc, tạo hấp dẫn cho nhiều người muốn tìm về Tà Tổng. Những chuyến xe nghĩa tình cứ thế lên với Cô Lô Hồ, lên Nậm Ngà, Nậm Ngặt, mang yêu thương cho người dân nơi đây bằng cả vật chất lẫn tình người.

Cô Hương đã kể bao nhiêu câu chuyện như thế rồi nhẩm tính rằng cả năm qua, đã có tới hàng chục đoàn thiện nguyện về đây để giúp người dân và các em học sinh có cuộc sống no đủ hơn.

Giữa vùng mây mù Tà Tổng trên những con đường lầy lội, đèo cao vực sâu ấy, những ai đã từng đặt chân đến chắc hẳn ra về sẽ khắc ghi nhiều kỷ niệm bởi đã góp phần nhỏ bé của mình cho người dân nơi đây. Mùa Xuân này, đường lên Mường Tè, đường vào Tà Tổng đã nhiều đổi khác. Con đường chính đã được cải tạo, bê tông hóa chạy uốn theo dòng Sông Đà trong xanh. Mây mù lãng đãng vờn suốt chặng đường vào bản Nậm Ngà.

Hoa mận, hoa đào đã hé những bông hoa đầu mùa cuối đông. Mùa Xuân nhân ái, mùa Xuân yêu thương đã về với mảnh đất nơi này. Phiên chợ đầu Xuân, trai gái H"Mông, Hà Nhì xuống núi vui với Lễ hội Gầu Tào, trao cho nhau những ánh mắt nụ cười hạnh phúc - món quà của tình yêu mà Thượng đế ban cho có sức sống muôn đời.

Minh Tiến